Kinh doanh bán vé máy bay online

Từ sau khi bị lừa đảo bán vé máy bay online, tôi đã sáng mắt trong chuyện “việc nhẹ lương cao”. Thời gian gần nửa năm nay, chẳng dám thò tay vào bất cứ vụ làm ăn buôn bán nào, tôi chỉ tập trung vào công việc quản lý kho tại siêu thị để trả nợ. Giờ tôi nói để mọi người tránh xa cái giấc mơ làm giàu từ buôn vé.

Trước đó, làm nhân viên tại kho hàng cho 1 siêu thị, tôi chỉ làm 8 tiếng, Thời gian rảnh thường ngồi nói chuyện với mấy ông làm sale trong siêu thị. Tình cờ bữa gặp thằng nhỏ làm bên bánh kẹo, nó giới thiệu tôi là: người yêu nó làm trong đại lý bán vé máy bay, bảo tôi có muốn kiếm thêm, kêu tôi bán vé online qua mạng.

Tôi nghe nó kể mà ham: Làm cái nghề này không cần lấy vé trước, chỉ cần chịu khó tìm khách từ người thân, bạn bè cho đáng tin, sau đó tư vấn bán cho họ. Khi đã chốt thì liên hệ với đại lý bên người yêu nó để thanh toán và lấy vé. Giao lại cho khách nữa là xong, nhận đến 30-55.000 đồng/vé tiền hoa hồng. Mỗi ngày 3 vé là coi như hằng tháng không dưới 3 triệu, gần bằng lương tháng 8 tiếng mỗi ngày tại kho hàng rồi.

Với tôi cũng suy nghĩ, kinh doanh cái nào cũng tốn tiền thuê mặt bằng, phải có vốn lấy hàng, bán hàng không tốt thì bị “ế”, chỉ mỗi công việc này là không tốn gì hết, không ôm không lo ế, lại không mất nhiều thời gian. Nên 1 tuần sau khi suy nghĩ, tôi quyết định nhận hợp tác với chức danh là đại lý cấp 2.

Sau 3 tháng hoạt động tôi mất trắng cả chì lẫn chài, ôm luôn cục nợ 30 triệu đồng.

Giờ tôi biết thế nào là hư danh, tiền tài chỉ là ảo. Nghĩ kỹ lại tôi càng thấy mình ngu, có rất nhiều sơ hở mà tại sao thời điểm đó tôi lại không phát hiện

Thứ nhất, các hãng hàng không sẽ cung ứng vé máy bay theo ba kênh: thông qua website bán vé trực tuyến, phòng vé hoặc đại lý chính thức có hợp đồng thương mại với hãng (được gọi là các đại lý cấp 1). Đại lý cấp 2 chẳng qua chỉ là một hình thức đặt mua hộ và sẽ không được coi là đã có thỏa thuận mua vé với hãng. Hãng bay không kiểm soát các giao dịch này, tức là không có ràng buộc pháp lý trực tiếp nào.

Đại diện một hãng hàng không nội địa Việt Nam cũng cho biết, theo quy chế mới Cục hàng không, hãng bay hiện không còn được thưởng hay chiết khấu hoa hồng cho các đại lý vé cấp 1. Huống hồ gì đại lý cấp 2 mà tôi cứ đinh ninh theo lời thằng sale nọ là sẽ nhận hoa hồng rất cao.

Thứ 2, giá vé máy bay cho đại lý cấp 2 là mức cố định. Đại lý sau đó sẽ tùy vào mức hoa hồng mà cộng thêm vào giá vé. Cho nên giá vé bán đến tay khách phải cao hơn so với hãng thì mình mới có hoa hồng, mà nếu cao hơn, còn ai muốn mua của mình làm chi, mua online trên website của hãng hoặc đến sân bay hoặc mua tại đại lý cấp 1 cho rẻ. Khi nào mới tới phiên mình được lựa chọn.

Thứ 3, Đại lý cấp 2 không phải tốn bất kỳ chi phí vốn lấy vé về, cũng không mất tiền thuê mặt bằng, không phải chịu bất cứ khoản nào khác là có thật. Song, muốn được chức danh ấy, chúng ta phải ký quỹ vài chục triệu và trả tiền chiết khấu lại cho cấp 1(thường khoảng là 20-30 triệu).

Thứ 4, năm trước tôi làm chủ đại lý vé máy bay cấp 2 tại khu vực quận 11, lời khoảng 45.000-50.000 đồng/vé, chặng bay quốc tế là khoảng 100.000 đồng. Mà được biết, mức này so với thời điểm trước năm 2015 đã giảm đi đáng kể, trước nhận 50.000 đồng – 90.000 đồng/chặng, chặng khứ hồi có thể lên tới 170.000 đồng.Chuyện giảm không nói, vì nếu tăng số lượng vé bán thì tôi cũng được kha khá tiền rồi, so với ở không làm gì có đồng nào.

Tuy nhiên, khách hàng chẳng bao giờ tự tìm đến, tôi phải toàn dựa vào các mối quan hệ người thân họ hàng, và kéo luôn cả đồng nghiệp làm chung để bán khoảng tầm trên 20 vé/tháng. Chứ nếu không đủ 20, họ chi tính cho tôi có 30.000 đồng/vé thôi.

Chưa hết đâu, Đại lý còn kêu tôi tuyển mộ thêm đầu mối cấp 3, cấp 4 để mở rộng mạng lưới khách hàng, nhất là tại những khu vực thị trấn, xã huyện nhỏ. Họ nói người dân chưa biết nhiều về thủ tục mua vé qua mạng, kêu tôi làm vậy để vừa giúp họ vừa giúp mình có thêm khoản tiền môi giới nữa.

Lúc đó nghe lời xúi bậy tôi nào biết, để nhận được khoản tiền môi giới ấy thì giá vé sẽ phải tăng thêm, khách hàng mua từ càng phại chịu đội thêm một khoản chi phí. Vì vậy, trong mấy tháng buôn bán ham giàu, tôi đã lôi thêm thằng bạn ở tỉnh vào thương vụ “lợi nhuận ảo” này. Hối hận vô cùng.

Nhưng hối hận đã muộn, đến lúc tôi nhận ra, người thân không còn nhu cầu mua vé, đồng nghiệp thì cũng như tôi, làm công ăn lương từng đồng ít ỏi, lấy đâu ra tiền mua vé bay du lịch. Nên tôi quyết định dừng cuộc chơi, thanh toán hợp đồng với đại lý, và khi ấy là 1 vài điều phi lý xuất hiện thêm.

Thêm vào đó, còn có những trường hợp chơi chiêu, lợi dụng chính sách cho phép hành khách đổi tên, lập ra các giao dịch lừa đảo tương ứng với vai trò là một cộng tác viên tại đại lý cấp 2 của tôi. Không biết sao, vẫn có nhiều khách hàng mắc bẫy, và từ đó, tôi cũng gánh chịu khá nhiều hậu quả từ chuyện này.

Tôi lấy ví dụ cho mọi người dễ hình dung. Giả sử, giá vé hãng đang có mức phổ biến là 3-4 triệu đồng/vé/lượt chặng, nhưng trên mạng, có những đối tượng mua 1 vé và sau đó lên mạng chào bán chỉ 1-1.5 triệu đồng/vé/lượt.

Với 1 chiếc vé thật này, chỉ cần đổi tên là bán cho cả chục người. Hình thức là đóng 275.000 đồng cho việc đổi tên người sử dụng trên vé trước 3 giờ so với giờ khởi hành. Chỉ cần vài tiếng đồng hồ, ai đặt mua vé đó thì kẻ lừa đảo sẽ đổi tên cho khách đó,kiếm lời quá dễ dàng. Chỉ khi nào khách đến sân bay làm thủ tục nhận vé, soát vé mới phát hiện vé mình là ảo.

Thế là kết quả như thế nào, mọi người có thể hình dung ra không? Vì phải ký quỹ với đại lý cấp 1, tôi mất 20 triệu. Mặc dù thằng sale giới thiệu nói là đã giảm cho tôi mức thấp nhất cho chuyện ký quỹ (hắn nói bên ấy toan bắt ký 30 triệu thôi), tôi phải chạy chọt vay mượn 20 triệu.

Sau cùng, khi đến thanh lý hợp đồng rồi đòi lại tiền ký quỹ, bên ấy nói tôi đã nợ tổng cộng 16 triệu tiền vé chưa trả, trừ lại chỉ đưa cho tôi 3 triệu (1 triệu tiền chi môi giới cho cô bạn gái thằng sale nữa).

Cầm 3 triệu mà ôm cục nợ đến 20 triệu, lãi vay nóng 3 tháng 3 triệu. Tiền lời từ chuyện bán vé tôi tính sơ sơ cũng 5 triệu nhưng đã xài hết. Gọi về quê cho thằng bạn nhưng không dám vì hôm bàn bạc nó nói cũng sẽ vay để kiếm lời như tôi, không muốn vợ con nó khổ nữa.

Cuối cùng tôi phải cày bừa tiếp để trả, và tôi tự nhủ mình phải tính luôn 1 phần phải chịu cho thằng bạn, vì tôi hại nó. Đúng là một bài học nhớ đời, ráng sống để lo xong 30 triệu tôi mới ngủ ngon.

http://www.webtretho.com/forum/f241/5-cach-kiem-tien-online-lua-dao-ma-ban-khong-nen-dinh-vao-2210982/#post34521024

http://www.webtretho.com/forum/f241/9-cach-tieu-tien-giup-ban-cam-thay-hanh-phuc-2210966/

http://www.webtretho.com/forum/f241/cach-dung-luong-nuoi-heo-dat-de-giu-tien-va-de-tien-2210438/#post34517470

http://www.webtretho.com/forum/f241/phat-hien-ra-diem-chung-cua-nhung-nguoi-giau-kiem-tra-xem-minh-giong-may-diem-2210368/#post34517043

http://www.webtretho.com/forum/f241/toi-da-kho-qua-nhieu-dung-lam-ton-thuong-nghe-moi-gioi-nua-2209557/#post34511536