Những điểm cần lưu ý trong mua bán xe máy

Nội dung của hợp đồng mua bán xe gắn máy bao gồm: giá cả, phương thức thanh toán, chất lượng, số lượng xe máy, vấn đề về hồ sơ sang tên xe, thủ tục nộp thuế…

Hợp đồng mua bán xe gắn máy phải lập thành văn bản có công chứng hoặc chứng thực.

Cơ sở pháp lý Hợp đồng mua bán xe máy là gì?

Hợp đồng mua bán xe máy mang bản chất của hợp đồng mua bán. Đó là sự thỏa thuận của các bên về việc mua bán tài sản là xe máy. Trong đó, bên bán giao xe cho bên mua và bên mua thanh toán tiền cho bên bán. Bộ luật dân sự 2015 không quy định cụ thể về hợp đồng mua bán xe máy, nhưng định nghĩa về hợp đồng mua bán đã được quy định tại Điều 430 như sau:

“Hợp đồng mua bán tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên bán chuyển quyền sở hữu tài sản cho bên mua và bên mua trả tiền cho bên bán.”

Chủ thể hợp đồng mua bán xe máy

Chủ thể của hợp đồng mua xe máy là cá nhân hoặc tổ chức có nhu cầu bán hoặc mua xe máy. Chủ thể của hợp đồng này phải thỏa mãn các điều kiện về chủ thể tại Điều 117 Bộ luật dân sự như sau:

“1. Giao dịch dân sự có hiệu lực khi có đủ các điều kiện sau đây:

a) Chủ thể có năng lực pháp luật dân sự, năng lực hành vi dân sự phù hợp với giao dịch dân sự được xác lập;

b) Chủ thể tham gia giao dịch dân sự hoàn toàn tự nguyện;”

Trong các giao dịch dân sự các chủ thể phải có năng lực pháp luật dân sự, năng lực hành vi dân sự. Đặc biệt chủ thể tham gia phải hoàn toàn tự nguyện và không bị chịu sự ép buộc. Đây là những điều kiện cơ bản nhất khi tham gia hợp đồng dân sự. Ngoài ra, đối với quan hệ mua bán xe máy, chủ thể mua phải là người có điều kiện kinh tế và có nhu cầu. Theo đó, chủ thể bán cũng là người có nhu cầu bán tài sản để thu lợi nhuận.

Đối tượng của hợp đồng mua bán xe máy

Đối tượng của hợp đồng mua bán thông thường là tài sản. Tuy nhiên, đối với hợp đồng xe máy, tài sản chính là xe máy. Xe máy là tài sản chịu sự quản lý của nhà nước thông qua việc đăng ký tại cơ quan có thẩm quyền. Ngoài ra, xe máy là tài sản dùng để di chuyển có giá trị lớn nên cách thức di chuyển, đăng ký xe máy đều phải tuân thủ các quy định của Bộ công an về đăng ký xe. Đặc biệt tài sản của hợp đồng này hoàn toàn có thể là xe máy cũ trong hợp đồng mua bán xe máy cũ.

Nội dung và hình thức của hợp đồng xe máy Nội dung của hợp đồng

Nội dung của hợp đồng cơ bản là sự giao kết của các bên về việc mua bán. Các bên hoàn toàn có quyền tự do thỏa thuận tất cả các điều khoản. Tuy nhiên, nội dung của hợp đồng phải thỏa mãn điều kiện có hiệu lực của hợp đồng theo quy định của Bộ luật dân sự như sau:

“1. Giao dịch dân sự có hiệu lực khi có đủ các điều kiện sau đây:

c) Mục đích và nội dung của giao dịch dân sự không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội.”

Như vậy, các chủ thể của hợp đồng có quyền tự do thỏa thuận trong khuôn khổ quy định của pháp luật. Đây cũng là một điều kiện quan trọng để đảm bảo quyền và lợi ích của công dân, đảm bảo trật tự an toàn xã hội, bởi lẽ trên thực tế có rất nhiều hợp đồng mang nội dung giả mạo, trái đạo đức nhằm đạt được những lợi ích cá nhân. Cá nhân là người thiếu hiểu biết sẽ rất dễ trở thành con mồi cho những mục đích xấu, gây ảnh hưởng đến an ninh xã hội.

Hình thức của hợp đồng

Rất nhiều người thắc mắc: hợp đồng mua bán xe máy có phải công chứng không? Theo quy định của pháp luật hợp đồng mua bán xe phải được lập thành văn bản và có công chứng, chứng thực tại Thông tư 15/2014 của Bộ Công an như sau:

“g) Giấy bán, cho, tặng xe của cá nhân phải có công chứng theo quy định của pháp luật về công chứng hoặc chứng thực của Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn đối với chữ ký của người bán, cho, tặng xe theo quy định của pháp luật về chứng thực.”

Như vậy, để hợp đồng chuyển nhượng xe máy có hiệu lực pháp luật thì các chủ thể phải tiến hành công chứng hoặc chứng thực.Theo đó hợp đồng mua bán xe máy viết tay sẽ không có hiệu lực pháp luật. Đây là điều kiện quan trọng đối với một giao dịch có tài sản lớn như hợp đồng xe máy. Theo đó, việc cơ quan có thẩm quyền xác thực giao dịch dân sự sẽ là căn cứ để đảm bảo quyền lợi của các bên. Hợp đồng mua bán xe máy công chứng là văn bản có hiệu lực pháp lý cao nhất đảm bảo được quyền lợi đã thỏa thuận giữa hai bên.

Quyền và nghĩa vụ của các bên

Bên bán có nghĩa vụ giao xe đúng chất lượng, số lượng, nhãn hiệu như đã thỏa thuận. Thực hiện giao xe đúng thời gian đã cam kết.Khi giao xe, bên bán phải giao đầy đủ các giấy tờ kèm theo như: hồ sơ gốc (nếu bán xe khác tỉnh), giấy đăng ký xe,…Việc đảm bảo chất lượng xe cho tới thời điểm giao tài sản. Đồng thời, bên mua cũng có nghĩa vụ trả tiền như đã thỏa thuận.Trường hợp bên mua không thực hiện đúng nghĩa vụ trả tiền thì phải trả lãi trên số tiền chậm trả theo quy định của pháp luật Thông thường, trách nhiệm đăng ký và lệ phí sang tên xe thuộc về người mua.

Bên bán có quyền nhận đầy đủ số tiền bán xe như đã thỏa thuận. Có quyền yêu cầu bên mua trả lãi trên số tiền chậm trả. Bên bán chịu rủi ro đối với tài sản trước khi tài sản được giao cho bên mua, bên mua chịu rủi ro đối với tài sản kể từ thời điểm nhận tài sản, trừ trường hợp có thỏa thuận khác. Bên mua có quyền yêu cầu bên bán chịu trách nhiệm đối với tài sản trước khi nhận. Đồng thời, có quyền yêu cầu bên bán chịu trách nhiệm khi giao xe không đúng số lượng, chất lượng, chủng loại.

Trân trọng./.