Bằng lái xe ô tô: Những điều cần biết và điều kiện để được thi lấy bằng

Các loại bằng lái xe ô tô hiện hành và ý nghĩa B1 B2 C E F

Các loại bằng lái xe ô tô đang được sử dụng trong luật giao thông đường bộ Việt Nam gồm có bằng lái xe hạng B, hạng C, hạng D, hạng E, hạng F, FB, FC, FD.

Bằng lái xe B2

Là loại bằng lái xe phổ biến nhất hiện nay. Bằng lái xe hạng B là bằng lái xe ô tô quy định quyền điều khiển, người có giấy phép lái xe hạng B được điều khiển xe ô tô dưới 9 chỗ ngồi, xe tải và đầu kéo rơ mooc dưới 3500 kg. Bằng lái xe ô tô hạng B lại chia ra làm hai loại là B1 và B2, quyền điều khiển như nhau. Chỉ khác bằng lái xe hạng B1 cấp cho người không hành nghề lái xe, còn bằng B2 cấp cho người hành nghề lái xe. Do đó muốn lái xe taxi thì phải học bằng B2.

Hiện nay hầu hết các học viên đều học bằng lái xe hạng B2 thay vì hạng B1 do bằng lái xe hạng B2 có thời hạn lâu hơn. Thời hạn của bằng B2 là 10 năm, bằng B1 là 5 năm. Và chi phí học và thi hai loại bằng là như nhau. Do đó rất ít hoặc hầu như không có trung tâm đào tạo bằng hạng B1.

Bằng lái xe ô tô B2 quy định thí sinh thi sát hạch phải đủ 18 tuổi tính đến ngày thi. Thời gian học lý thuyết và thực hành của bằng hạng B2 là 3 tháng theo quy định của Bộ giao thông. Nghĩa là từ lúc nộp hồ sơ đến lúc thi là 3 tháng, do đó thí sinh có dự định lấy bằng lái xe trước Tết thì phải nộp hồ sơ trước đó vào khoảng tháng 9, để có thể thi lấy bằng vào dịp cuối năm.

Bằng lái xe hạng C

Là bằng lái xe phổ biến tiếp theo sau bằng B2, bằng hạng C quy định quyền điều khiển lái xe ở hạng B2, lái xe tải, đầu kéo rơ mooc lớn hơn 3500kg.

Như vậy bằng lái xe ô tô hạng C lái được hầu hết các loại xe tải, trừ xe Container. Do quyền điều khiển bằng hạng C cao hơn, nên yêu cầu của giấy phép lái xe hạng C cũng cao hơn so với bằng B2.

Để thi bằng lái xe hạng C, Bộ Giao thông quy định độ tuổi là 21 tính đến ngày thi sát hạch. Thời gian từ lúc nộp hồ sơ đến lúc thi sát hạch bằng C là 5 tháng. Tuy nhiên theo đánh giá chủ quan của các học viên thì thi bằng hạng C không khó hơn nhiều so với bằng hạng B2.

Bằng lái xe ô tô hạng D, E, F

Bằng lái xe hạng D: Điều khiển các loại xe quy định ở hạng C, lái xe chở người từ 10 – 30 chỗ ngồi.

Bằng lái xe hạng E: Điều khiển các loại xe quy định ở hạng D, lái xe chở người trên 30 chỗ ngồi.

Bằng lái xe hạng F: Cấp cho người lái xe đã có giấy phép lái xe hạng B2, D, E để lái các loại xe quy định cho các giấy phép lái xe hạng này khi kéo rơ moóc hoặc xe ô tô chở khách nối toa; hạng FC cấp cho người lái xe đã có giấy phép lái xe hạng C để lái các loại xe quy định cho hạng C khi kéo rơ moóc, đầu kéo kéo semi rơ moóc.

Điều kiện thi sát hạch giấy phép lái xe hạng D, E, F. Giấy phép hạng D, E, F là các GPLX chuyên dụng yêu cầu đặc biệt. Đòi hỏi người lái xe phải có kinh nghiệm lái và số km an toàn nhất định. Do đó để có thể sở hữu những loại bằng lái xe ô tô trên, người lái xe phải làm thủ tục nâng hạng bằng lái xe từ các hạng B và C.

Thời hạn của bằng lái xe hạng B, C, D, E

Thời hạn của bằng hạng A1, A2, A3: không thời hạn.

Thời hạn của bằng hạng A4, C: thời hạn 05 năm kể từ ngày cấp.

Thời hạn của bằng hạng B2: thời hạn 10 năm kể từ ngày cấp.

Thời hạn của bằng hạng D, E và các hạng F: thời hạn 03 năm kể từ ngày cấp.

Hồ sơ thi bằng lái xe ô tô

CMND photo (không cần công chứng)

10 ảnh 3×4 (áo có cổ, nền xanh nước biển đậm)

Giấy khám sức khỏe

Quy trình học bằng lái xe ô tô

Sẽ có 2 kỳ thi cho học viên, thi chứng chỉ nghề tại trung tâm đào tạo lái xe, và thi sát hạch bằng lái xe ô tô do Sở giao thông công chính trực tiếp coi thi và chấm thi, sát hạch.

Thi chứng chỉ nghề lái: Việc tổ chức thi và chấm thi sẽ do chính trung tâm mà bạn học lái xe thực hiện. Trung tâm sẽ cung cấp xe thi và giáo viên trong trung tâm sẽ là giám khảo. Nội dung thi gồm cả lý thuyết và thực hành trong sa hình. Chứng chỉ do trung tâm cấp là giấy tờ bắt buộc để bạn được tham gia thi sát hạch tại Sở GTVT.

Thi sát hạch để cấp bằng: Kỳ thi này sẽ do Sở GTVT tổ chức. Xe thi là của trung tâm ĐT và sát hạch lái xe, có gắn chíp. Nhân viên của Sở sẽ về làm giám khảo. Nội dung thi giống với kỳ thi chứng chỉ nhưng thêm vào phần lái xe trên đường trường.

Môn thi thực hành lái xe trong sa hình được coi là môn thi khó nhằn nhất khi thi sát hạch bằng lái xe.

Thi lý thuyết

Phần lý thuyết thi lấy bằng lái xe ô tô là bài thi trắc nghiệm trên máy tính. Số lượng câu hỏi trong bài thi là 30 câu được chọn theo cách ngẫu nhiên từ 450 câu hỏi lý thuyết đã có đáp án từ trước khi ôn thi

Bắt đầu thi, trước tiên là thí sinh phải điền hạng bằng muốn thi (B1, B2, C, …), và số báo danh, sau đó máy tính sẽ hiển thị 30 câu hỏi. Các bạn phải hoàn thành bài thi lý thuyết này trong vòng 25 phút. Sẽ có từ 2 đến 4 phương án được đánh số từ 1-4. Bạn chọn phương án ào thì nhập con số tương ứng với phương án đó. Cứ vậy làm xong câu nào thì nhấn mũi tên đi xuống để làm hết 30 câu.

Thi thực hành

Xuất phát

Dừng xe nhường đường cho người đi bộ

Dừng xe, khởi hành trên dốc lên (thường gọi là đề-pa lên dốc)

Đi xe qua hàng đinh

Đi xe qua đường vuông góc (chữ Z)

Đi xe qua đường vòng quanh co (chữ S)

Ghép xe vào nơi đỗ (lùi chuồng)

Dừng xe nơi giao nhau với đường sắt

Tăng tốc, tăng số

Kết thúc

Trong phần thi thực hành lấy bằng lái xe ô tô còn có những bài thi phụ là dừng xe nguy hiểm và cho xe qua ngã tư có đèn tín hiệu điều khiển giao thông. Điểm thi thực hành sa hình phải đạt 80/100 mới qua được, bạn đỗ hay trượt thì thiết bị cũng báo cho bạn ngay luôn trên xe.

Thi đường trường

Là phần thi cuối cùng của thi sát hạch bằng lái xe ô tô, đã qua được hai phân trên thì phần thi này coi như qua, chỉ mang tính thủ tục. Tuy nhiên vẫn có số ít người không đạt phần thi này. Giám khảo của Sở GTVT ngồi cạnh sẽ yêu cầu bạn các thao tác cơ bản của lái xe trên đoạn đường chừng vài trăm mét. Là phần thi dễ nhất, và thoải mái nhất khi bạn biết gần như chắc chắn mình sẽ có tấm bằng lái.

Về việc cấp bằng lái xe:

Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải đã ban hành Thông tư số 07/2009/TT-BGTVT ngày 19/6/2009 Quy định về đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe cơ giới đường bộ và Thông tư số 15/2011/TT-BGTVT ngày 31/3/2011 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 07/2009/TT-BGTVT.

XEM THÊM:

Đó là quy trình học và thi lái bằng lái xe ô tô. Tóm lại, khi đã ôn kỹ lý thuyết và thực hành nhuần nhuyễn, đối với một người bình thường thì việc để lấy được tấm bằng lái xe B2 không có gì khó. Tuy nhiên chủ quan lại là một sai lầm khiến bạn có thể “tạch” bài thi thực hành trong những thử thách khó như dừng trên dốc. Và hậu quả của sự chủ quan còn nguy hiểm hơn khi lái xe trên đường. Vì vậy hãy học thật chắc lý thuyết, lái xe thực hành thật nhuần nhuyễn để có thể tự tin lấy tấm bằng và tham gia giao thông một cách an toàn nhất.

Nguồn: https://timviecvantai.net/ Kim Ngân