Trung tâm đào tạo lái xe mô tô Yên Bái: Hoạt động hướng về cơ sở

YBĐT – Từ sự cố gắng của toàn thể đội ngũ cán bộ, nhân viên Trung tâm Đào tạo lái xe mô tô Yên Bái mà đã có hàng chục vạn chủ phương tiện trên địa bàn được trang bị kiến thức cũng như có đủ điều kiện để tham gia giao thông. Đây chính là yếu tố quan trong để góp phần giảm thiểu TNGT trên địa bàn.

Các thí sinh tham gia thi lấy giấy phép lái xe mô tô tại xã Tú Lệ (Văn Chấn).

Trung tâm đào tạo lái xe mô tô Yên Bái được thành lập tháng 8 năm 2002, với nhiệm vụ đào tạo lái xe mô tô, trang bị kiến thức về Luật Giao thông đường bộ cho nhân dân để tham gia sát hạch và cấp giấy phép lái xe hạng A. Mặc dù gặp nhiều khó khăn do địa bàn rộng, trình độ dân trí không đồng đều, phương tiện ô tô phục vụ nhu cầu đi lại không có… nhưng sau 10 năm thành lập, hoạt động của Trung tâm ngày càng đi vào nề nếp và hiệu quả, đáp ứng được nhu cầu của xã hội cũng như góp phần làm giảm số vụ tai nạn giao thông (TNGT) trên địa bàn.

Sùng A Hành sinh năm 1994 ở xã Xà Hồ (Trạm Tấu) một học viên vừa được cấp bằng lái xe cho biết: “Việc Trung tâm tổ chức các lớp ở cơ sở tốt quá, tạo điều kiện cho bà con chúng mình nhiều. Vì cùng được tiếp thu kiến thức giao thông, có bằng để điều khiển phương tiện mà còn tiết kiệm về thời gian về tiền bạc nữa”.

Như cảm nhận của Sùng A Hành, Đinh Văn Ngân sinh năm 1980 hiện trú tại xã Mường Do, huyện Phù Yên tỉnh Sơn La đánh giá: “Mình sinh sống ở tỉnh khác, tuy nhiên lại xa trung tâm, vì vậy nếu thi để có giấy phép lái xe tại tỉnh mình thì rất khó khăn. Thấy việc đào tạo và thủ tục thi lái xe của Trung tâm Yên Bái tốt, thủ tục lại thuận tiện nên mình đăng ký học bên Yên Bái, giờ đã có giấy phép lái xe để điều khiển phương tiện đúng quy định pháp luật”.

Nói về hoạt động của Trung tâm, ông Chu Phú Hiệp – Giám đốc Trung tâm đào tạo lái xe mô tô Yên Bái cho biết: “Để đáp ứng nhu cầu của nhân dân cũng như mục tiêu góp phần vào hạn chế TNGT, những năm qua Trung tâm đã hướng mạnh đào tạo về cơ sở, nhất là địa bàn các huyện vùng cao, vùng xa”. Qua 10 năm hoạt động, với hàng ngàn lớp đào tạo trong đó phần lớn các lớp được tổ chức tại các địa bàn huyện, thị như: Nghĩa Lộ, Văn Chấn, Trạm Tấu, Mù Cang Chải…

Trong đó, riêng 10 tháng năm nay, Trung tâm đã tuyển sinh đào tạo 170 lớp với 17.570 học viên, trong đó các lớp tại các huyện là 114 lớp với 11.970 học viên, cụ thể tại huyện Mù Cang Chải là 14 lớp, 1.470 học viên, huyện Lục Yên 11 lớp, 1.155 học viên, huyện Văn Yên 23 lớp, 2.415 học viên… Để hoàn thành nhiệm vụ được giao, Trung tâm đã có nhiều cố gắng xây dựng đội ngũ giáo viên tâm huyết với nghề, có trình độ chuyên môn, có đạo đức tác phong tốt.

Thông qua việc cho giảng viên, cán bộ học tập nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, đến nay Trung tâm đã có 5 giảng viên đạt trình độ theo tiêu chuẩn của Cục đường bộ Bộ GTVT về đào tạo lái xe mô tô và 2 giảng viên dự bị.

Bên cạnh đó, công tác quản lý thường xuyên được tăng cường, Trung tâm đã thường xuyên kiểm tra công tác giảng dạy của giảng viên trong quá trình lên lớp; các giáo viên lên lớp đều phải đeo thẻ giáo viên để nâng cao trách nhiệm trước học viên; phải thực hiện nghiêm số giờ đào tạo, dạy đủ chương trình theo qui định. Việc quản lý học viên được thực hiện chặt chẽ, thông qua thực hiện cấp thẻ học viên cho những người có đủ hồ sơ, học đầy đủ Luật Giao thông đường bộ theo qui định tránh gian lận.

Bên cạnh đó, việc thường xuyên cập nhật, bổ sung các thay đổi về chương trình đào tạo và câu hỏi thi theo qui định của Bộ GTVT và Cục Đường bộ Việt Nam (ĐBVN); áp dụng giáo trình trên phần mềm trình chiếu nhằm năng cao chất lượng đào tạo, đồng thời cải tiến, bổ sung công tác giảng dạy bằng những hình ảnh động trên máy chiếu giúp học viên dễ tiếp thu kiến thức về Luật giao thông. Đối với học sinh đào tạo tại Trung tâm, Trung tâm mở cửa sân tập luyện tập 16 h/ngày với 3 bộ hình thi, đồng thời có phương tiện để phục vụ học viên mượn luyện tập.

Trong đào tạo lái xe mô tô, phần phức tạp và thường gây bức xúc trong nhân dân đó là khâu tuyển sinh, do đó vấn đề này được Trung tâm thực hiện đúng quy trình đó là: Công tác quản lý tuyển sinh thực hiện nghiêm túc theo các nội dung văn bản quy định và hướng dẫn về quản lý đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe cơ giới đường bộ do Nhà nước, Bộ GTVT, Cục ĐBVN và Sở GTVT Yên Bái qui định. Đối với các lớp lưu động, Trung tâm đều cử cán bộ của mình trực tiếp đi tuyển sinh thu phí tuyển sinh tại chỗ, cho từng người theo quy định.

Tại các điểm tuyển sinh đều niêm yết công khai mức thu học phí, mức thu phí sát hạch, phí in ấn giấy phép lái xe, tiền tài liệu học tập và có biên lai thu theo quy định của Bộ Tài chính. Cùng với đó, Trung tâm yêu cầu cán bộ tuyển sinh phải đeo thẻ nhân viên để chịu sự giám sát của địa phương về tinh thần thái độ phục vụ nhân dân…

Từ sự cố gắng của toàn thể đội ngũ cán bộ, nhân viên Trung tâm Đào tạo lái xe mô tô Yên Bái mà đã có hàng chục vạn chủ phương tiện trên địa bàn được trang bị kiến thức cũng như có đủ điều kiện để tham gia giao thông. Đây chính là yếu tố quan trong để góp phần giảm thiểu TNGT trên địa bàn.

Thời gian tới, ngoài triển khai tốt các giải pháp trong tuyển sinh, đào tạo và sát hạch trong tiếp tục hướng mạnh về cơ sở, để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao Trung tâm mong muốn cấp trên có những tháo gỡ khó khăn đặc biệt về phương tiện, mặc dù Trung tâm đã tự chủ động được nguồn vốn đầu tư và đã có tờ trình nhưng chưa được phê duyệt, hiện nay để đi công tác Trung tâm phải mượn hay thuê phương tiện ô tô ở bên ngoài để cho cán bộ đi lại, điều này làm mất chủ động cũng như tăng chi phí trong hoạt động.

P.V