Không ít các cửa hàng mua bán xe máy, xe đạp với cái mác “tiệm cầm đồ” nhưng thực chất là mánh khóe để đánh vào tâm lý khách hàng. Với mánh khóe này, các chủ cửa hàng đã dễ dàng lừa gạt khách hàng bởi lí do “khách đến cầm đồ quá hạn nên tụi anh có quyền thanh lý, xe xịn cả, chất lượng khỏi lo”. Hàng chục con mồi béo bở là các khách hàng mua xe với cái giá trên trời, nhưng được dăm bữa rồi mới vỡ lẽ ra là mình đã bị lừa, đành chấp nhận “ngậm bồ hòn”!“Hét” 12 triệu, bán… 8 triệu?
Tại một tiệm kinh doanh xe máy cũ, khi chúng tôi ngỏ ý muốn mua một chiếc xe Wave “Thái”, chủ tiệm tỏ thái độ hết sức nhiệt tình giới thiệu cửa hàng và chỉ về một chiếc xe đỏ dựng trong góc: “Con này là của một thằng con nhà giàu, vỡ cá độ, nó cầm 6 triệu, nhưng quá hạn hơn 1 tháng rồi nên tụi anh đem bán”. Rồi ông chủ tiệm bật chìa khóa, cho xe chạy mẫu. Xe vừa nổ, chủ tiệm T vừa vỗ vào đầu xe tâm đắc: “Nghe tiếng nổ biết “hàng xịn” liền, Wave “Thái” F1, cái này chạy cả chục năm nữa cũng chưa vấn đề gì”.
Chúng tôi nhìn kỹ lại chiếc xe, vỏ sơn mới bóng loáng, tay phanh đã mòn chứng tỏ xe đi đã rất lâu. Vành bằng chì cứng, trông hình thức bên ngoài thì đúng là “hàng Thái đời đầu thật”. Chúng tôi tỏ vẻ ưng ý và hỏi giá thì chủ tiệm T “hét”: “12 triệu, bớt 50 ngàn tiền xăng “chạy rô đa”!
Lấy lí do cần tham khảo, chúng tôi đi qua một cửa hàng khác. Ông chủ tiệm nhìn theo nói với: “Đi cửa hàng nào cũng chẳng có cái xe “ngon” như ri, nếu không có thì quay lại hỉ”!
Tại một cửa hàng kế đó, chúng tôi chỉ vào một chiếc xe có hình thức giống y nguyên chiếc xe vừa coi ở tiệm trước, nhìn biển số cũng cùng dòng với chiếc xe ban đầu, bà chủ đon đả: “Xe Thái đấy, chạy lâu rồi nhưng máy còn “ngon” lắm!”.
“Xe này đã được làm lại, xem bụng xe, máy móc biết liền à!” – chúng tôi tỏ vẻ am hiểu để thử “nắn gân” chủ tiệm. Biết chúng tôi không phải là “nai”, bà chủ thành thật: “Xe nào vào đây mà chẳng làm lại. Đi hết cả cái phố này có cái xe nào không tút lại, chị… đi đầu xuống đất cho hai chú coi” – bà thề độc – “Thấy hai chú cũng là người am hiểu, chị lấy giá hữu nghị 8 triệu”.
Bà chủ tiệm cho biết, phần lớn xe được bán ở các cửa hàng đều là xe “có vấn đề”, hỏng hóc không lớn nhưng sửa lại mất nhiều tiền. Hoặc có những chiếc “xe xui”, mua về đi thường bị tai nạn hoặc bị công an bắt nên chủ đưa đến bán. Cũng có một số xe là hàng cầm đồ, nhưng số xe này rất hiếm. Xe cũ đưa đến được mua với giá rất bèo, nhưng chỉ cần thợ “tút” lại một chút là mới như thường, chạy êm như xe mới.
Mánh khóe của các chủ tiệm là lợi dụng tâm lí của người mua xe. Thường khách đến mua xe chỉ coi qua hình thức, coi biển số để biết đời xe, nổ lên nghe tiếng êm là ưng ý. Cho nên, một chiếc xe dù hỏng hóc, mới cũ đến đâu thì cũng chỉ cần vài lần sơn xịt, tút lại, thay thêm mấy món đồ rẻ tiền của Trung Quốc là lại… như mới.
Loanh quanh mãi, chúng tôi quay lại tiệm ban đầu để ngã giá chiếc xe. Sau khi khám xét và “bắt bệnh” kỹ càng, chúng tôi ngã với giá 8 triệu. Ông chủ tên T phân vân, nhưng cuối cùng chỉ chấp nhận bán với giá… 9 triệu đồng. Như thế, nếu khách hàng không thực sự am hiểu xe cộ, không đoán được bệnh và lí lẽ đáp lại thì rất dễ rơi vào bẫy của chủ tiệm.
Ngày hôm khác, chúng tôi lại thử đem một chiếc xe Dream II qua ngỏ ý muốn bán. Một chủ tiệm sau khi chỉ ngó qua xe liền nói như đinh đóng cột: “10 triệu!”. Chúng tôi mừng như dựng cờ trong bụng vì sắp bán xe được giá, nhưng vẫn vờ than “rẻ quá” nên ghé qua một tiệm khác.
Tại đây, bà chủ H trả với giá… 6 triệu. Chúng tôi liền thắc mắc: “Ở quán bên kia người ta mới trả em 10 triệu còn chưa muốn bán!”. Bà chủ H nói ngay: “Tụi nó “bỏ bom” hai em đấy. Họ biết chắc em sẽ qua tiệm khác hỏi giá rồi nếu trả thấp hơn mới vòng lại bán, như thế, họ sẽ có cơ hội “bóp” hơn. Còn mua hay không mới là vấn đề, nếu mua, họ sẽ tháo xe ra, khám xét và “đẻ” ra đủ thứ bệnh để ép giá chứ không phải thiệt đâu mà tưởng dễ ăn?!”Tiền mất tật mang!
Không ít các “con mồi” khi đã “say xe” do lời “bồi” ngọt ngào của các chủ tiệm nên không ngần ngại bỏ tiền ra để mua con xe “secondhand” rẻ tiền với giá ở “trên trời”.
Nguyễn T.N, sinh viên năm 3, khoa tiếng Anh, ĐHDL Phú Xuân là một trong những “con mồi” đã sa lưới. T cho biết, xin gia đình mãi, cộng thêm khoản tiền dành dụm gia sư mấy tháng mới mua được chiếc xe máy giá 6 triệu. “Hôm đi mua, nghĩ mình nói thật hoàn cảnh thì chắc người ta cũng không nỡ gạt, nhưng mua xe rồi, đi được 2 tuần, xe mới bắt đầu đổ bệnh, đem sang đi bảo hành thì họ chối lí do này nọ không sửa được, đành chấp nhận ra tiệm thay lại đồ hết hơn triệu bạc. Nhưng khi ra một tiệm khác vờ hỏi bán lại thì người ta lại trả với giá… 3 triệu đồng!”
Với mánh khóe “xe cầm đồ”, rất nhiều người mua xe cũ đã bị chủ tiệm cho ăn “dưa bở”. Anh N.T.N, nhân viên chi nhánh điện lực Thừa Thiên-Huế nói: “Hai vợ chồng dành dụm cho được 12 triệu để mua chiếc xe đi làm ăn. Vợ thì ưng mua xe mới, 12 triệu là cũng có chiếc xe Honda mới rồi nhưng mình lại muốn mua “con” Dream II chạy cho bền. Nghe bạn bè mách nước vào tiệm cầm đồ dễ tậu được xe xịn, đồ “ngon” nên cũng đi mua và chọn được “con” F2 này với giá 13 triệu kèm theo cam kết bảo hành 1 năm. Nhưng đi được mấy bữa, xe hỏng liên tục, ra tiệm hỏi thì người ta bảo xe đã bị “luộc” tới hơn 40%, bán lại cũng chỉ được dăm bảy triệu là quá đát! Đúng là không cái dại nào bằng cái dại nào!” – anh chua chát.
Trường hợp của anh C.Đ lại “cười ra nước mắt”, nhưng theo anh thì “xui” nhưng vẫn còn… “hên”. Tháng 7/2007, anh qua phố Đặng Thái Thân mua xe cũ, lục mãi cũng ưng ý được “con Dream Việt” (Super Dream) đời K3, đã chạy được 8 tháng, côngtơmét chỉ 4000 cây. Tưởng “dưa bở” nên anh không ngần ngại chồng trước 5 trăm ngàn đặt cọc và hẹn 1 tuần qua trả rồi lấy xe luôn. Nhưng đến hạn, anh không đủ tiền nên qua xin lại tiền cọc, chủ tiệm không cho, tiếc đứt ruột vì mất 5 trăm ngàn tiền oan. Ai ngờ 2 tháng sau, anh bạn lại mua đúng chiếc xe ấy với giá 11,7 triệu, chạy được mấy trăm km thì bắt đầu “đẻ” bệnh “khói xanh nan y”, muốn chữa thì phải thay lại bộ pittong, tốn gần 2 triệu bạc! “Xui nhưng vẫn hên vì không ăn phải dưa bở chứ không thì…” – anh C.Đ chậc lưỡi ngao ngán.
* Thái Bá Dũng, Huế