Đề xuất mất bằng lái xe phải thi lại: Muốn đẩy cái khó cho dân?

Phát biểu “gây bão”

Ngày 6/3, trong phiên giải trình về tình hình vi phạm pháp luật và tội phạm xâm phạm an toàn giao thông đường bộ, đường sắt do Ủy ban Tư pháp của Quốc hội tổ chức, bà Nguyễn Thị Thủy – Thường trực Ủy ban Tư pháp cho biết, trong công tác đào tạo, cấp GPLX còn một bộ phận học viên có tâm lý không muốn học bài bản nhưng muốn có GPLX. Nắm bắt tâm lý này, nhiều cơ sở đào tạo cắt xén chương trình, số giờ học lý thuyết và thực hành; thay vì dạy bài bản thì dạy “mẹo” với mục tiêu thi đỗ chứ không phải để vận hành xe an toàn sau này; có hiện tượng “bao thi”, “bao đỗ” tại một số cơ sở.

Ngày 7/3, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể ký ban hành Văn bản số 2067/BGTVT-TCCB yêu cầu Tổng cục Đường bộ Việt Nam khẩn trương đề xuất giải pháp siết chặt quản lý, nâng cao chất lượng đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe (GPLX). Trong đó yêu cầu Tổng cục Đường bộ Việt Nam đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và khoa học công nghệ trong quản lý nâng cao chất lượng công tác đào tạo, sát hạch cấp GPLX trong cả nước. Tổ chức rà soát, tổng hợp các trường hợp vi phạm bị tạm giữ hoặc tước quyền sử dụng GPLX, nhưng cố tình gian dối để xin cấp lại GPLX, hoặc các trường hợp cố tình báo mất để xin cấp lại GPLX với mục đích sở hữu đồng thời nhiều GPLX. Đối với những trường hợp nghi ngờ như xin cấp lại GPLX nhiều lần, cần kịp thời kiểm tra, xác minh để xử lý theo đúng quy định của pháp luật.

Bất ngờ hơn, trong phần phát biểu của mình, người đứng đầu Bộ GTVT khiến nhiều người sửng sốt với đề xuất tất cả những trường hợp mất GPLX sẽ phải thi lại để được cấp mới chứ không được cấp lại như hiện nay, để tránh tình trạng lợi dụng việc này xin thêm bằng thứ 2, thậm chí bằng thứ 3. Nhiều chuyên gia giao thông và chuyên gia pháp lý cùng lên tiếng cho rằng, đề xuất ngược đời của Bộ trưởng Bộ GTVT sẽ khó khả thi vì trái với nhiều quy định pháp luật hiện hành.

Khó chấp nhận

Trao đổi với phóng viên Kinh tế & Đô thị, TS Nguyễn Hữu Đức – chuyên gia Giao thông đô thị cho rằng, phát biểu của Bộ trưởng Bộ GTVT là thiếu suy nghĩ. Theo TS Nguyễn Hữu Đức, xu thế phát triển của xã hội nói chung và ngành GTVT nói riêng luôn hướng tới những thứ tiến bộ, đặc biệt là trong bối cảnh nước ta đang đẩy mạnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 vào mọi mặt của đời sống kinh tế – xã hội. Do đó, đề xuất trên chẳng khác nào đi ngược lại xu thế phát triển của thời đại. “Các nước tiên tiến trên thế giới, dữ liệu về GPLX đều được quản lý bằng hệ thống điện tử. Thông tin về việc lái xe vi phạm hay bị mất GPLX đều dễ dàng tra cứu được. Ai mất GPLX chỉ cần kiểm tra qua hệ thống này sẽ biết và được cấp lại.” – TS Nguyễn Hữu Đức cho biết.

Còn với lý giải của Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể rằng yêu cầu mất bằng lái phải thi lại là để tránh tình trạng gian lận, báo mất giả, TS Nguyễn Hữu Đức nhận định, việc quản lý, chống gian lận trong việc cấp và cấp lại GPLX là trách nhiệm của các cơ quan quản lý Nhà nước. Không thể vì không quản lý được những trường hợp gian lận đó mà đưa ra quy định gây phiền hà cho số đông người khác.

Trong khi đó, ông Lê Hồng Sơn – nguyên Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản Bộ Tư pháp cho rằng, qua đề xuất của Bộ trưởng Bộ GTVT cho thấy trách nhiệm phát ngôn về chính sách ở tầm cao đang có vấn đề. Khẳng định quan điểm cá nhân không đồng ý với đề xuất ngược đời của Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể, ông Sơn chia sẻ: “Đề xuất làm mất GPLX phải thi lại là một cái sai, sai về cả trách nhiệm hoạch định chính sách và tư duy chính sách” – ông Lê Hồng Sơn nhận định. Đối với việc mất GPLX, ông Sơn cho hay có rất nhiều nguyên nhân gây ra, trong đó không loại trừ nguyên nhân GPLX bị hủy hoại tự nhiên. Trong khi để được cấp GPLX, người dân đã phải đi học, thi và vượt qua kỳ thi sát hạch để được cấp rồi. Giờ vì GPLX bị hỏng hoặc mất mà bắt người dân phải thi lại là không thể chấp nhận được. Theo nguyên Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản Bộ Tư pháp việc Bộ GTVT và Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cần phải tập trung làm vào thời điểm này là chấn chỉnh, xử lý nghiêm lực lượng đào tạo sát hạch, cung cấp bằng lái xe, chống tiêu cựcchứ không phải nghĩ ra những đề xuất phi lý như vậy.

Đồng quan điểm trên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Nguyễn Sỹ Cương khẳng định, GPLX cũng giống như các giấy tờ tùy thân khác như Chứng minh Nhân dân, bằng tốt nghiệp, việc người đang sở hữu không may bị mất hoặc bị thất lạc là chuyện bình thường. Cần phải căn cứ vào hồ sơ gốc để cấp lại chứ không thể yêu cầu người làm mất phải thi lại. Ông Nguyễn Sỹ Cương cho rằng, đề xuất của Bộ trưởng Bộ GTVT sẽ không góp phần làm giảm tai nạn giao thông, cũng không phải là giải pháp để chống bằng lái xe giả, hay chống việc lợi dụng báo mất để được cấp thêm 2 – 3 bằng lái. “Vấn đề ở đây cần phải thấy rõ là công tác quản lý cấp bằng lái xe và việc người có bằng lái bị mất là khác nhau. Việc người bị mất bằng lái xe phải thi lại không làm cho tay lái của họ được tử tế hơn. Để người điều khiển ô tô có tay lái tốt nó nằm ở những khâu khác, trong đó quan trọng nhất là công tác đào tạo” – ông Cương nhận định.