Tước vĩnh viễn bằng lái xe được không?

Theo ông Thể, năm 2018 số vụ và người bị thương do tai nạn giao thông đều giảm theo mục tiêu đề ra (giảm 5-10%) nhưng số người chết chỉ giảm 0,4% so với năm 2017.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tai nạn giao thông nhưng trong đó có ý thức chấp hành pháp luật của một số tài xế chưa tốt, như không chấp hành Luật giao thông, uống rượu bia, sử dụng ma túy… gây ra một số tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng gây bức xúc dư luận xã hội.

“Để ngăn ngừa những vụ tai nạn nghiêm trọng cần có quy định ràng buộc trách nhiệm chủ doanh nghiệp như lái xe vi phạm thì doanh nghiệp vận tải phải chịu trách nhiệm tương ứng. Đề nghị thu hồi vĩnh viễn giấy phép lái xe, hội nghị cho ý kiến về việc này” – ông Thể gợi ý tại hội nghị.

Sửa luật để thực hiện

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Văn Quyền – chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam – cho rằng trong luật xử phạt hành chính có quy định tước giấy phép, chứng chỉ hành nghề tối đa 2 năm.

Còn nghị định 46 xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt quy định hình phạt bổ sung là tước bằng lái có thời hạn tối đa 6 tháng.

Vì vậy, nếu muốn tước bằng lái xe vĩnh viễn cần phải sửa Luật xử phạt vi phạm hành chính và Luật giao thông đường bộ.

Theo ông Quyền, tiêu chí phân loại tai nạn giao thông có mức: nghiêm trọng, rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng.

Nhưng không nên quy định phải đặc biệt nghiêm trọng mới thu bằng vĩnh viễn mà phải căn cứ vào nguyên nhân gây tai nạn.

Nếu nguyên nhân chủ quan của tài xế hoặc xe kinh doanh vận tải hoặc sử dụng ma túy, rượu bia gây tai nạn giao thông thì mới thu bằng vĩnh viễn.

Còn tai nạn do nguyên nhân khách quan hay hỗn hợp thì không thu bằng được.

“Mặt tích cực là khi có quy định này buộc tài xế phải nâng cao ý thức trách nhiệm, tuân thủ pháp luật hơn để đảm bảo hành nghề an toàn phục vụ cuộc sống của mình và mọi người” – ông Quyền nói.

Đại tá Trần Sơn – nguyên phó Phòng hướng dẫn luật và điều tra, giải quyết tai nạn giao thông Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an) – nhận định dư luận cho rằng với những lái xe thường xuyên vi phạm, gây những vụ tai nạn đặc biệt nghiêm trọng vẫn chỉ tước bằng lái tối đa 6 tháng theo quy định của nghị định 46 là chưa đủ sức răn đe và giáo dục.

“Tôi đồng tình rằng với những lái xe vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông bao nhiêu lần hoặc gây tai nạn giao thông rất nghiêm trọng trở lên cộng với trước đó có hành vi vi phạm khác về giao thông thì tước bằng lái xe vĩnh viễn.

Vì những người thường xuyên vi phạm chứng tỏ họ kỹ năng quá yếu hoặc coi thường pháp luật, tính mạng, sức khỏe của người khác và chính mình” – ông Sơn bày tỏ.

Muốn thực thi quy định tước bằng lái vĩnh viễn, theo ông Sơn, Chính phủ cần trình Quốc hội sửa Luật giao thông đường bộ và Luật xử phạt vi phạm hành chính sớm.

“Hiện nay đang có dự án sửa Luật giao thông đường bộ 2008 thì nên đưa quy định tước bằng lái xe vĩnh viễn. Nếu làm nhanh đến năm 2020 ban hành càng tốt” – ông Sơn gợi ý thêm.

Xây dựng cơ sở dữ liệu liên thông

Trước những ý kiến cho rằng nếu quản lý không tốt, tài xế bị tước bằng lái vĩnh viễn có thể dùng bằng giả để tiếp tục hành nghề, ông Nguyễn Văn Quyền cho rằng cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan cấp, quản lý bằng lái xe với CSGT để ngăn chặn.

Cần áp dụng công nghệ tiên tiến trong quản lý một cách có hệ thống lực lượng lái xe để đảm bảo an toàn giao thông, phát hiện, ngăn chặn không cho những người bị tước bằng vĩnh viễn đi học lái xe.

Việc kiểm tra bằng lái thật hay giả không khó khăn, doanh nghiệp tuyển dụng lái xe và lực lượng chức năng có muốn kiểm tra hay không thôi” – ông Quyền cho biết.

Theo đại tá Trần Sơn, cần có cơ sở dữ liệu có sự liên thông giữa các bộ, ngành và sự chia sẻ kết nối dữ liệu công khai về bằng lái, các lỗi tài xế từng vi phạm cho mọi người truy cập và giám sát, doanh nghiệp tra cứu khi tuyển dụng tài xế.

“Những cái này không thuộc bí mật nhà nước. Vì vậy, việc này nên đưa vào luật quy định công việc và trách nhiệm các bên giao thông, công an, tư pháp” – đại tá Trần Sơn nói.

Doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm cùng với lái xe

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Văn Thạch – vụ trưởng Vụ An toàn giao thông, Bộ GTVT – cho biết ngoài việc tước bằng lái xe, nên quy định lái xe kinh doanh vận tải phải có giấy phép hành nghề như Phó thủ tướng Trương Hòa Bình mới đây đã yêu cầu các cơ quan nghiên cứu.

“Đối với lái xe kinh doanh vận tải một số nước như Philippines yêu cầu phải có lý lịch tư pháp rõ ràng, nếu từng phạm tội hay gây tai nạn giao thông nghiêm trọng thì không được hành nghề;

Giấy khám sức khỏe phải chứng minh trong 3 tháng gần nhất âm tính với ma túy; phải có bằng lái xe phù hợp.

Khi có đủ 3 yếu tố đó phải học qua lớp huấn luyện mới được cấp chứng chỉ lái xe kinh doanh vận tải.

Trong quá trình hành nghề nếu vi phạm một số lỗi nghiêm cấm thì bị thu hồi chứng chỉ đó. Lúc đó chỉ được lái xe bình thường. Điều này khi sửa Luật giao thông đường bộ sẽ đưa vào xem xét” – ông Thạch cho biết.

Về trách nhiệm của doanh nghiệp vận tải, ông Thạch cho rằng các công ước quốc tế về vận tải hàng hóa quy định doanh nghiệp vận tải phải chịu trách nhiệm do người làm công hoặc đại diện của mình gây ra.

Lái xe là người làm công cho doanh nghiệp vận tải thì doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm cùng với lái xe.

Phải hết sức thận trọng