Hàng ngày, những chiếc xe mang BKS “AA” vẫn lưu thông trên đường, đặc biệt là vào những khung giờ cao điểm. Tại một số điểm trường THPT tại TP. Hà Nội, việc loại xe dưới 50cc và xe máy thông thường rất khó nhận ra bởi hình dáng xe và tốc độ rất tương đồng, nên để phân biệt chỉ có cách “soi” thật kỹ BKS để nhận biết thông qua ký hiệu “AA”.
Có mặt tại khu vực Trường THPT Lê Quý Đôn (quận Đống Đa, TP. Hà Nội) vào giờ tan học buổi trưa ngày 06/12, PV Tạp chí GTVT ghi nhận từng đoàn xe máy BKS “AA” của học sinh đi thành tốp, dàn hàng ngang ngay lối rẽ ra đường lớn, trong đó rất nhiều em không đội mũ bảo hiểm, lái xe một tay, vừa đi vừa cười đùa, í ới nhau… Trong đó, không ít cô cậu học trò phóng xe máy thông thường “ầm ầm” như một lẽ thường tình, mặc dù các em chưa được phép điều khiển loại phương tiện này.
Tương tự, tại Trường THPT Quang Trung (quận Đống Đa, TP. Hà Nội), trong khi phần lớn học sinh điều khiển xe máy BKS “AA” chấp hành nghiêm chỉnh các quy định ATGT thì cũng không hiếm gặp trường hợp vi phạm một cách ngang nhiên. Những hình ảnh này còn phổ biến hơn tại các trường khu vực trung tâm thành phố như tại Trường THPT Việt Đức, THPT Trần Phú… Điều dễ nhận thấy là những mẫu xe thời thượng như Sh, Lx… có phân khối đều từ 100 đến 150cc là phương tiện đi học yêu thích của học sinh.
Theo lực lượng chức năng xử lý các vụ tai nạn nêu trên, nguyên nhân dẫn tới tai nạn đều xuất phát từ người điều khiển xe máy là học sinh đã không làm chủ được phương tiện, dẫn tới nỗi đau xót tột cùng cho gia đình, bạn bè và người thân các em.
Trong những năm gần đây, quy định bắt buộc đội mũ bảo hiểm đối với học sinh đã được áp dụng, cùng với các chương trình đào tạo, tập huấn, phổ biến kiến thức ATGT, ký cam kết tại trường… đã được đẩy mạnh đáng kể. Tuy nỗ lực này đã tạo sự chuyển biến rất lớn nhưng vi phạm ở lứa tuổi học trò vẫn còn tồn tại khá phổ biến.
Thống kê của Ủy ban ATGT Quốc gia chỉ ra rằng, tỷ lệ đội mũ bảo hiểm ở trẻ em từ 6 tuổi trở lên hiện nay còn rất thấp, mới chỉ ở mức 35 – 40%, trong khi tỷ lệ này ở người lớn là hơn 90%.
Chế tài chưa đủ sức răn đe
Trung tá Vũ Văn Hoài – Đội trưởng Đội Tuyên truyền, Phòng CSGT TP. Hà Nội cho biết, hiện nay tình trạng học sinh đi xe máy có dung tích xi-lanh dưới 50cc đến trường diễn ra khá phổ biến. Do việc điều khiển phương tiện xe máy dưới 50cc không đòi hỏi người cầm lái phải có giấy phép lái xe nên các em không được học Luật Giao thông đường bộ, dẫn tới thường xuyên vi phạm các quy định về điều khiển phương tiện giao thông. Điển hình nhất là các lỗi như đi ngược chiều, lấn làn, đi vào làn đường dành riêng cho ô tô và nhất là không đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông.
Tuy nhiên, việc xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ đối với các phương tiện này lại gặp rất nhiều khó khăn. Điều 60 Luật Giao thông đường bộ 2008 quy định: người đủ 16 tuổi trở lên được lái xe gắn máy có dung tích xi-lanh dưới 50cm3. Thực tế, có rất nhiều học sinh dưới 16 tuổi đã đi xe gắn máy dưới 50cc đến trường và vi phạm các quy định về điều khiển giao thông đường bộ, tuy nhiên chế tài xử lý hiện còn rất nhiều bất cập.
Điều 21 Nghị định 46 của Chính phủ về xử phạt các hành vi vi phạm quy định về điều kiện của người điều khiển xe cơ giới quy định rõ: Phạt cảnh cáo người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi điều khiển xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện) và các loại xe tương tự xe mô tô hoặc điều khiển xe ô tô, máy kéo và các loại xe tương tự xe ô tô.
Như vậy, người dưới 16 tuổi điều khiển phương tiện vi phạm sẽ không bị phạt tiền mà chỉ bị phạt cảnh cáo, cảnh cáo bằng văn bản và ra quyết định xử phạt; còn từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi thì phải nộp 50% tiền phạt áp dụng với người thành niên.
“Ý thức tham gia giao thông của các em vẫn là điều quan trọng. Để có được điều này, chúng ta phải rèn luyện cho các em ở mọi lúc, mọi nơi, trong đó có trường học, gia đình và xã hội. Thời gian qua, trên cơ sở ký kết tuyên truyền giữa Phòng CSGT với Sở Giáo dục và Đào tạo TP. Hà Nội về tuyên truyền pháp luật trật tự ATGT cho các trường và các cơ sở giáo dục trên địa bàn, đơn vị đã chỉ đạo các đội, trạm CSGT đã tăng cường công tác kiểm tra, xử lý cũng như nhắc nhở, tuyên truyền tới các phụ huynh và học sinh đi xe máy đến trường ngay từ đầu năm học nhằm nâng cao ý thức tự giác chấp hành ở cả phụ huynh lẫn học sinh. Hy vọng, các giải pháp này sẽ giúp các em biết cách phòng tránh để giảm thiểu những tai nạn đáng tiếc khi tham gia giao thông đường bộ”, Trung tá Hoài cho biết thêm.