Hội ngộ kỷ lục gia Việt Nam lần thứ 35 tại TP. Hồ Chí Minh

Trải qua gần 15 năm hình thành và phát triển, Tổ chức kỷ lục Việt Nam – VietKings đã có một hành trình đầy ý nghĩa với 35 kỳ Hội ngộ, xác lập, giới thiệu và quảng bá những giá trị kỷ lục độc đáo, tài hoa, thú vị của các đơn vị và cá nhân tại Việt Nam giới thiệu ra đông đảo công chúng trong nước và bè bạn trên thế giới. Đặc biệt, với sự hợp tác sâu rộng giữa Tổ chức Kỷ lục Việt Nam và các Tổ chức Kỷ lục trên thế giới, ngày càng có nhiều Kỷ lục gia và Đơn vị sở hữu Kỷ lục tại Việt Nam được ghi nhận và tôn vinh ở nhiều hạng mục quan trọng.

Qua 35 kỳ hội ngộ, Tổ chức kỷ lục Việt Nam đã xác lập trên 2.000 kỷ lục, đây là những giá trị tiêu biểu trong cả nhiều lĩnh vực mà cá nhân và đơn vị kỷ lục gia đã dày công gìn giữ, sáng tạo nên, giá trị nào cũng xuất sắc và tiêu biểu. Tại 63 tỉnh thành trong cả nước hiện nay gần như tại tỉnh thành nào cũng có các đơn vị và cá nhân sở hữu Kỷ lục Việt Nam.

Trong lần Hội ngộ Kỷ lục gia lần thứ 35 năm 2018 được tổ chức tại TP. Hồ Chí Minh vào ngày 26-8-2018, một số Kỷ lục tiêu biểu đã được vinh danh như sau:

– Người đầu tiên chụp ảnh phóng sự cuộc kháng chiến chống Pháp tại tỉnh Nghệ An, để lại hàng ngàn tấm phim ảnh có giá trị lịch sử, hiện còn được lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh Nghệ An – Cố Nghệ sĩ nhiếp ảnh Quỳnh Sơn (tên thật là Ngô Đức Đẩu).

– Tìm hiểu về Kinh đô các triều đại Việt Nam – Cuốn sách đầu tiên viết về thế phong thủy và sự hình thành Kinh đô các triều đại Việt Nam – GS. Cao Ngọc Lân.

– Người chụp ảnh mộ Liệt sĩ tại các nghĩa trang trong cả nước để giúp các gia đình Liệt sĩ trong việc tìm mộ người thân nhiều nhất – Ông Nguyễn Sỹ Hồ.

– Cặp vợ chồng nhà thơ cao tuổi nhất còn sáng tác và xuất bản thơ (Tập thơ 5.000 câu thơ Lục bát Dấu ấn một thời – NXB Hội Nhà văn 2017) – Nhà thơ Duy Yên – Kim Vân.

– Nhạc sĩ có nhiều ca khúc viết về các thương hiệu nhất – NSƯT, Nhạc sĩ Thế Hiển.

– Bộ sưu tập đĩa sứ gắn chân dung và chữ ký của các văn – nghệ sĩ nhiều nhất – Ông Trần Quốc Ẩn và bà Tôn Nữ Minh Nhơn.

– Người viết thư pháp Việt xoay vòng, đảo chiều mới lạ nhất – Họa sĩ Trần Đạt.

– Cuốn sách viết về nhân vật lịch sử Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh (1650-1700) được tái bản nhiều lần nhất – Nữ sĩ Như Hiên – Nguyễn Ngọc Hiền.

– Bộ sưu tập túi xách tái chế từ bao mì gói đầu tiên và nhiều nhất – Thầy giáo Lê Quốc Toàn.

– Nhà Mái – Ngôi nhà có nhiều mái nhất – Công ty TNHH Vĩnh Xuân (Lâm Đồng).

Trong chương trình Hội ngộ Kỷ lục gia Việt Nam lần thứ 35 năm 2018, Ban tổ chức cũng công bố Top 5 truyền hình vì cộng đồng được ưa thích nhất năm 2017, đó là các chương trình: Như chưa hề có cuộc chia ly; Vượt lên chính mình; Điều ước thứ 7; Vì bạn xứng đáng; Cặp lá yêu thương.

Và công bố kết quả Tổ chức Kỷ lục châu Á xác lập thêm 3 kỷ lục châu Á tại Việt Nam, đó là:

– Em bé tự kỷ với khả năng đứng trên 3 con lăn, đầu đội chai, tung 6 bóng trong thời gian 12 phút – Em Nguyễn Khôi Nguyên.

– Bác sĩ có bộ sưu tập bút với chủng loại phong phú và số lượng nhiều nhất châu Á – Bác sĩ, Kỷ lục gia Nguyễn Văn Xáng.

– Đội nhạc kèn thiếu nhi tham gia công diễn nhiều lần nhất châu Á – Đội nhạc kèn Trường Võ Thành Trang, quận Tân Phú, TP.HCM.

Với việc ghi nhận 3 Kỷ lục châu Á mới tại cuộc Hội ngộ đã nâng tổng số Kỷ lục châu Á của Việt Nam lên 76 Kỷ lục.

Một công bố nữa trong lần Hội ngộ thứ 35 này là Viện Tổ nghề và Nhà sáng nghiệp Thế giới – WFPA vinh danh 3 nhà sáng nghiệp Việt Nam và 1 nhà sáng nghiệp Ấn Độ trong giải thưởng Global Vision of Founder 2018.

Trong năm 2018, Viện WFPA tiến hành ghi nhận và vinh danh Nhà sáng nghiệp có tầm nhìn thế giới – Global Vision of Founder 2018 cho các Nhà sáng nghiệp toàn cầu là các kỷ lục gia, lãnh đạo các đơn vị sở hữu kỷ lục là Nhà sáng nghiệp của các quốc gia có hoạt động của tổ chức kỷ lục trong Hành trình top kỷ lục gia là Nhà sáng nghiệp toàn cầu – 2018 tạo ra các thương hiệu có giá trị tại quốc gia đó để ghi nhận, tôn vinh, tri ân thành tựu cống hiến. Đây là hoạt động mang tính xã hội, nhân văn sâu sắc nhằm tôn vinh các Nhà sáng nghiệp – những người đã có công xây dựng nên các thương hiệu lớn về các sản phẩm, dịch vụ, mang lại những giá trị tốt đẹp cho đời sống con người, xã hội.

Tại Hội ngộ lần này, Viện WFPA tiến hành trao chứng nhận và biểu tượng đợt 1 – 2018 đến 3 Nhà sáng nghiệp Việt Nam gồm: Ông Lê Văn Kiểm – Chủ tịch Công ty CP Đầu tư và Kinh doanh Golf Long Thành.

Ông Johnathan Hạnh Nguyễn – Chủ tịch Tập đoàn Liên Thái Bình Dương – Imex Pan Pacific Group – IPPG. Ông Lê Thanh Thản – Chủ tịch Tập đoàn Mường Thanh.

Bên cạnh đó, một đại diện được Tổ chức Kỷ lục Ấn Độ đề cử cũng được vinh danh trong dịp Hội ngộ này là ông Kan AN Hassomal Lakhni sinh năm 1939 tại Hyderabad, Sindh, nay là Pakistan và di dân đến Việt Nam năm 1948 cùng gia đình. Ông tốt nghiệp Đại học Lycee Sorbonne – Paris, Pháp. Sau đó hợp tác kinh doanh tại Sài Gòn và Hồng Kông (trước 1975). Hiện tại ông là Phó Hiệu trưởng của Đại học Kỷ lục Thế giới.

Hồng Hoa – Lâm ViênTuần Báo Văn Nghệ chúng tôi số 514