Cụm danh “Sông núi trên vai” gồm: “sông núi”, từ ghép hợp nghĩa, danh từ chỉ sự vật, “trên”, giới từ chỉ vị trí, “vai” dĩ nhiên là danh. Ta thử đảo trật tự từ của ngữ danh này thành: “trên vai (gánh) sông núi”, chủ thể hoán chuyển có thay đổi chút, điểm nhấn nằm ở danh từ đầu, là yếu tố chính, danh từ đứng sau là phụ tố, kiểu như “cuốn sách đặt trên mấy cây bút”(tìm cuốn sách) và “mấy cây bút đặt dưới cuốn sách”(tìm mấy cây bút). Nhưng với cảm quan nhận biết tiếng mẹ đẻ, hầu hết người Việt đều hiểu, “vai” là chính tố”, “sông núi” là phụ tố, “vai” từ chỉ bộ phận được toàn thể hóa, chỉ người. Như kiểu cụm từ có tính thụ động: “sông núi (được gánh) trên vai”, nên dù có đảo về trật tự từ, chúng không khác mấy về nghĩa.
Nếu ta lấy lý thuyết ngôn ngữ đề – thuyết diễn giải cụm từ đã hoán đổi trật tự từ (không theo cấu trúc chủ – vị dùng trong nhà trường) thì đây gần giống như cấu trúc của một câu đơn (“Trên vai (gánh) sông núi”, “gánh” – ngầm định), là dạng câu thường dùng phổ biến, như câu: “Trong nhà có ma”, “Trên tường treo bức tranh”… Do vậy, cụm từ gần như hoàn chỉnh về mặt ý nghĩa (“Trên vai” là sở đề (đặt vấn đề), “sông núi” là sở thuyết (giải quyết vấn đề)). Tưởng cũng cần nói thêm rằng, lý thuyết đề – thuyết (theme – rheme) xuất hiện từ sự bất cập của cấu trúc chủ – vị (subject – object), nó giải quyết triệt để hơn các trường hợp, khá thuyết phục khi giải thích ngôn ngữ Việt, hoàn toàn phù hợp với qui luật phát triển của tiếng Việt.
Tuy nhiên có một điểm đáng lưu ý, khi dùng từ Hán Việt như “sơn hà”, “giang sơn” thì chắc hẳn là từ biểu niệm, nhưng nếu dùng từ Việt “sông núi”, với người bản địa, từ tuy đã chuyển nghĩa sang biểu niệm, nghĩa ý niệm của từ rõ hơn, không còn đơn thuần chỉ sự vật, nhưng với người nước ngoài thì chưa chắc, nội hàm của từ, nghĩa khái quát biểu vật vẫn còn, tuy mờ (sẽ nói thêm điều này ở phần viết về dịch thuật).
Thực chất từ Hán Việt đổi qua Việt, “giang sơn”, “sơn hà” sang “sông núi” thì đã là một lần chuyển ngữ nên ít nhiều vẫn có điểm khác nhau về sắc thái, ngữ nghĩa.
Cụm từ “sông núi trên vai” có đủ nghĩa trọn vẹn như một câu. Nghĩa nó muốn nói sứ mệnh của ai đó với đất nước (nghĩa bóng), không đơn thuần khu biệt nghĩa trên bề mặt từ ngữ (nghĩa đen). Hai lớp nghĩa trên được ước định hoàn toàn tách biệt hẳn ra ngoài văn cảnh và tình huống phát ngôn. Ở hoạt động câu còn có lớp nghĩa thứ ba, là lớp nghĩa hình thành do sự tham gia của bối cảnh, xuất hiện tùy theo thực tại đời sống, hoàn cảnh cụ thể, là hành vi, ý đồ được đoán định, suy ra từ thể hiện của phát ngôn, thường là nghĩa hàm ngôn, nghĩa được hiểu qua bình diện ngữ dụng.
Có sự bất tương xứng giữa khả năng và ý muốn.
Đến vấn đề dịch thuật.
Dịch thuật là luận giải phát ngôn nguồn chuyển thành phát ngôn mới thuộc ngôn ngữ khác. Nó không phải là khoa học chính xác mà là sản phẩm khác nhau theo khả năng, kinh nghiệm từ người tạo ra. Người dịch cần có khả năng so sánh, đối chiếu ngữ pháp giữa hai hệ thống ngôn ngữ, cần am hiểu văn hóa – xã hội đất nước có ngôn ngữ đích lẫn ngôn ngữ nguồn.
Thông thường có những cấp độ dịch thuật khác nhau khi dịch văn bản, như dịch sát theo nghĩa từ (word by word) kiểu Google, hoặc dịch ý, hoặc kết hợp dịch từ lẫn ý, hoặc phỏng ý phóng tác viết mới (Truyện Kiều).
Cụm từ “sông núi trên vai” là hình ảnh trong thơ ca, là biểu tượng từ lịch sử văn hóa, lại trưng lên như một khẩu hiệu vận động ở hội thơ, do vậy người dịch nên chọn lựa mức độ dịch phù hợp, dịch cho đối tượng nào đọc.
Với tiếng Anh, có nhiều phạm trù ngữ pháp không tương đồng với tiếng Việt như về ngôi, số, thì, thái (chủ động, bị động), thể (hoàn thành, không hoàn thành) nên ở mức độ nào đó cần cân nhắc trong dịch thuật. Như cân nhắc “vai” bất định trong cụm từ Việt cần thêm (s) hay không khi chuyển qua “shoulder”. Hoặc cần thêm mạo từ xác định “the”, đại từ sở hữu “our” hay không…
Với “mountains and rivers on the shoulder”, tôi đã thử làm một khảo sát hẹp, hỏi gần một chục người Mỹ có văn hóa làm chung hãng (gốc Âu và gốc Phi, đã học xong university hoặc college), phần lớn họ không hiểu hoặc hiểu không đúng, họ cũng liên tưởng, suy đoán, nhưng ra hình ảnh khác, người thì cho rằng hình tượng “người khổng lồ vai u”, đứa nói là “superman”. Tính khái quát chỉ sự vật tổng thể, biểu vật loáng thoáng còn (giống như nhà cửa, tôm cá, súng đạn… ), nên thể hiện khá rõ qua trả lời. Với một cụm từ chí ít có nguồn gốc hơn 900 năm kể từ “Nam quốc sơn hà” của Lý Thường Kiệt thì với người ngoại quốc thường thường, khác văn hóa làm sao tiếp nhận được. Chỉ có người nước ngoài sống lâu ở Việt Nam hoặc từng nghiên cứu văn hóa Việt thì mới hiểu “mountains and rivers on the shoulder”.
“Sông Núi” là từ ghép mang nét nghĩa từ từ Hán Việt, “giang sơn” hay “sơn hà”, nghĩa của từ mang ý niệm về đất nước, là biểu tượng, không thể dừng lại hiểu là nghĩa chỉ sự vật trong phạm vi con chữ. Do vậy rất khó có sức thuyết phục khi dịch lại tách từ ghép hợp nghĩa này ra hai từ đơn đẳng lập, biểu vật, với từ nối “and” đặt ở giữa.
Có thiếu gì cách dịch cho cụm từ này: “carry our responsibility on our shoulders”, “the country on our shoulders”, “the nation’s burden on the shoulder”, “the destiny of the country on the shoulder”…
Đó là dịch cho đối tượng người nước ngoài hiểu. Còn cho người Việt, khỏi dịch, gánh nặng ngôn sáo ngữ lệnh.
Nguyễn Đông ATuần Báo Văn Nghệ chúng tôi số 537