Bước 2: Sau khi đã chọn lựa được xe vừa ý cũng như đã thoả thuận giá cả xong, anh chị sẽ lấy bảng báo giá xe với các thông tin chính xác về các trang bị (option) và số VIN. Anh chị cũng cần yêu cầu người bán giữ xe đó cho mình. Một số nơi có thể yêu cầu đặt cọc khoảng 500 CAD. Lưu ý: nếu đã đặt cọc xong nhưng sau đó anh chị đổi ý thì vẫn có thể lấy lại tiền hay đổi xe khác, không nhất thiết vì 500 CAD tiền cọc mà mình phải lấy chiếc xe mình không ưng ý. Trường hợp nếu người bán xe chần chừ anh chị vẫn cần kiên quyết đòi tiền lại vì theo quy định họ không được phép lấy tiền cọc của mình. Tại Canada, xe đã mua rồi vẫn trả lại được vì thế anh chị có thể đòi lại tiền cọc nếu không đồng ý mua xe. Vì vậy, khi được yêu cầu đặt cọc, anh chị vẫn cứ đặt tiền và nói với họ nếu mình đổi ý phải trả lại tiền.
Bước 3: Anh chị liên lạc cho cty bảo hiểm yêu cầu họ báo giá bảo hiểm cho chiếc xe định mua. Anh chị chỉ cần cung cấp số VIN của xe hãng bảo hiểm sẽ có thể kiểm tra được xe mình định mua là xe gì, đời bao nhiêu, giá tiền bao nhiêu… Mỗi năm Hiệp hội an toàn Mỹ thử nghiệm và đưa ra đánh giá về độ an toàn tin cậy của tất cả các xe bán ra trên thị trường Bắc Mỹ. Vì vậy, các công ty bảo hiểm dựa trên đánh giá này để định giá bảo hiểm cho xe ô tô. Vì thế sẽ có trường hơp xe cùng loại, cùng giá tiền nhưng tiền bảo hiểm khác nhau. Bảo hiểm xe có nhiều tuỳ chọn anh chị có thể lựa mua.
Liability là bảo hiểm bắt buộc phải có, giá của gói này phụ thuộc và thâm niên cầm bằng lái Canada hoặc Mỹ (bằng VN không tính cho dù ở VN có lái trên 10 năm và chưa bao giờ gây tai nạn họ cũng không tính).
Thông thường nếu anh chị sở hữu bằng lái xe của Mỹ/ Canada dưới 5 năm thì mức bảo hiểm cho gói liability rất mắc (trên 1,000 CAD). Dưới 25 tuổi mức phí sẽ cao hơn.
Người có bằng lái trên 10 năm và không gây tại nạn hay ít bị phạt thì mức bảo hiểm thấp hơn ( tầm vài trăm CAD/năm).
Ngoài ra các gói bảo hiểm thân xe, mất trộm … là tuỳ chọn, anh chị có thể mua thêm hoặc không.
Sau khi thoả thuận giá cả và mua bảo hiểm cho chiếc xe mà mình đã chọn, công ty bảo hiểm sẽ đưa giấy bảo hiểm tạm thời (chưa có thông tin biển số xe) và anh chị dùng giấy này để đi mua xe.
Anh chị cũng có thể yêu cầu công ty bảo hiểm cho trả góp hàng tháng hoặc trả dứt 1 lần tuỳ chọn.
Bước 4: Anh chị sẽ quay lại đại lý bán xe trả tiền lấy xe và biển số ( Phải có bảo hiểm thì đơn vị bán xe mới cấp biển số cho anh chị). Đại lý thường có vài biển số có sẵn cho mình chọn. Sau này không thích biển số đó nữa đến Access PEI yêu cầu họ làm cho mình biển số tự chọn tối đa 8 chữ hoặc số tuỳ ý (CUSTOM), ví dụ: ILOVEPEI hay XEVOMUA, DUAVOLA (xe vợ mua, đua vợ la)…
Muốn biển số dạng Custom này thì anh chị đăng ký và thường mất 2 tuần đơn vị quản lý kiểm tra xem biển số đã bị trùng bởi người khác đăng ký trước hoặc nội dung có phù hợp với thuần phong mỹ tục hay không. Nếu không có vấn đề gì thì anh chị sẽ được liên lạc để lên lấy biển số CUSTOM cua mình. Lưu ý là, biển số custom này phí renew hằng năm cũng cao hơn biển số thông thường ( ước tính khoảng trung bình 20 CAD).
Thông tin và tem trên biển số chỉ có giá trị 1 năm. Khi hết hạn, anh chị phải đến văn phòng Access PEI để mua tem mới dán lên nếu không khi lưu thông trên đường sẽ bị cảnh sát bắt và phạt. Đây cũng là hình thức chính quyền tỉnh bang PEI đòi nợ nếu mình bị ghi vé phạt (ticket) mà không trả tiền. Nếu Access PEI bấm máy và thấy anh chị có các ticket chưa đóng họ sẽ bắt đóng phạt ngay trước sau đó mới bán tem mới để dán lên biển số.
Ngoài ra ở tỉnh bang PEI mỗi năm anh chị phải đem xe đi đăng kiểm 1 lần, bất kể xe cũ hay xe mới. Khi mua xe mới đại lý thường làm đăng kiểm luôn cho chủ xe/ Nhưng nếu mua xe cũ, anh chị sẽ phải tự đi đăng kiểm. Chi phí khoảng 30 CAD nhưng có nhiều yêu cầu hơn.
Ở các bang khác xe chỉ đăng kiểm 2 năm/ lần. Ví dụ ở Alberta xe chỉ đăng kiểm khi bán cho nên có khi cả đời chẳng bao giờ phải đi đăng kiểm (thông tin này cần được kiểm chứng). Tuy nhiên ở PEI mỗi năm đăng kiểm 1 lần và sẽ hết hạn sau 12 tháng.
Vậy là sau khi có xe, xe được đăng kiểm, có biển số mình sẽ cầm giấy đăng ký tạm thời chờ tới khi Access PEI gởi giấy đăng ký chính thức về địa chỉ của anh chị. Anh chị sẽ chụp hình và gửi email cho công ty bảo hiểm. Anh chị cần lấy thông tin của nhân viên bán bảo hiểm xe làm việc với anh chị để còn liên lạc cho việc này). Sau khi có giấy đăng ký, có biển số , công ty bảo hiểm lúc này mới gởi cho giấy bảo hiểm chính thức tới địa chỉ của anh chị. Toàn bộ quá trình này thường mất khoảng 1 tháng, vì vậy anh chị cần lưu ý để làm tuần tự từng bước không để thiếu sót. Nếu có sai sót ví dụ thiếu giấy tờ , hoặc giấy tờ bảo hiểm tạm thời hết hạn ( do giấy này chỉ có thời hạn 1 tháng) thì khi lưu thông trên đường nếu gặp cảnh sát kiểm tra anh chị sẽ bị xé ticket phạt.
Các bước mua lại xe cũ
Mua xe cũ có 3 tình huống:
2 – Mua xe cũ từ cá nhân ở PEI
3 – Mua xe cũ từ cá nhân ở tỉnh khác
Mua xe cũ từ đại lý: Về mặt thủ tục cơ bản không có gì khác với mua xe mới. Riêng bảo hiểm có thể cao hơn vì xe cũ kém an toàn hơn xe mới cộng với thâm niên lái xe = 0 nên có khi mua xe mới cả trăm ngàn lại đóng bảo hiểm liability ít hơn khi mua xe cũ có giá chỉ vài ngàn dô Canada.
Mua xe cũ từ cá nhân ở PEI: Thường có hai trường hợp xảy ra:
Tình huống 1, xe vẫn còn đăng kiểm, người bán chỉ cần điền thông tin người mua vô mặt sau của giấy đăng ký và ký tên. Sau đó 2 bên viết Bill of Sales (tham khảo mẫu trên mạng hoặc tự viết). Nội dung bao gồm: Tên người bán, địa chỉ. Tên người mua, địa chỉ và sau cùng là giá tiền.
Lưu ý: Giá mua anh chị có thể tuỳ ý ghi, sau đó khi lên Access PEI để đăng ký lấy biển số họ sẽ tra Blue Book để tìm hiểu giá trị của chiếc xe lấy đó làm cơ sở bắt mình đóng thuế HST 15%). Nếu giá trị mình ghi trên Bill of Sales thấp hơn Blue Book họ sẽ theo Blue Book, ngược lại họ sẽ theo giá trị mình ghi trên Bill of Sales. Anh chị có thể thoải mái ghi vì nếu giá trị mình ghi và giá trị Blue Book khác nhau mình cũng không bị phạt vì tội trốn thuế hay gì cho nên không cần lo lắng. Có trường hợp giá anh chị ghi thấp hơn giá trị mua nhưng cao hơn giá trị trên Blue Book thì sẽ đỡ phải đóng thuế HST phần chênh lệch.
Sau đó anh chị cầm giấy đăng ký, giấy đăng kiểm, Bill of Sales để mua bảo hiểm trước. Bảo hiểm sẽ bán theo giá trị ghi trên Bill of Sales. Nếu ghi thấp thì số tiền bảo hiểm thấp được một chút NHƯNG nếu có gì họ chỉ đền mình theo giá đó cho nên cân nhắc trước khi quyết định ghi giá trị bao nhiêu.
Anh chị mua bảo hiểm xong cầm Giấy đăng ký, Giấy đăng kiểm, Bill of Sales và giấy bảo hiểm lên Access PEI đóng thuế HST và đăng ký lấy biển số.
Sau khi mua xe xong anh chị nên nói người bán chạy chiếc xe đó tới nhà trước khi họ tháo biển số. Mỗi biển số thuộc về 1 cá nhân cho nên khi bán xe thì người bán cần tháo biển số. Nếu anh chị chạy xe có gắn biển số của họ mà gây tại nạn, vượt đèn đỏ… camera chụp hình được thì người bán sẽ phải chịu trách nhiệm đóng phạt cho anh chị nếu không chứng mình được xe đó không phải do họ lái. Tiền mua cái biển số thường hơn 100 CAD nên người bán sẽ giữ lại để gắn lên xe mới sau này của họ. Tương tự khi anh chị bán xe sau này thì cũng sẽ tháo biển số giữ lại.
Có trường hợp người mua xe nhưng không có tiền mua biển số nên họ ăn cắp biển số gắn lên chạy luôn. Ở tỉnh bang Alberta xe nào cũng có khoá biển số để tránh trường hợp bị ăn cắp biển số.
Nếu anh chị không kêu họ chạy xe tới nhà cho mình trong khi mình đi mua bảo hiểm đăng ký lấy biển số, người bán có thể ở nhà tráo đồ hay thậm chí bán xe đó cho người khác là anh chị sẽ mất xe luôn vì lúc đó xe của mình rồi và người bán đã hết trách nhiệm pháp lý tính từ thời điểm ký Bill of Sales và đưa cho mình.
Tình huống 2: Phức tạp hơn là xe hết đăng kiểm.
Xe hết đăng kiểm thì mình có thể thuê cái rơ-mooc hoặc thuê xe cứu hộ kéo tới garage để họ gắn tem đăng kiểm, sau đó mua bảo hiểm rồi đi đăng ký lấy biển số. Bảo hiểm chỉ bán bảo hiểm khi xe đã có đăng kiểm. Anh chị có thể yêu cầu người bán phải đi đăng kiểm cho mình (trường hợp người bán xe sẽ từ chối thì anh chị cũng nên tìm hiểu kỹ trường hợp xe có vấn đề gì đó không đăng kiểm được họ mới bán).
Cũng không loại trừ trường hợp xe đậu một chỗ lâu ngày hết đăng kiểm nhưng người bán lười hoặc không thích đi mà chỉ thích bán dạng “as is and where is – tức là xe tui nằm đó thích mua không thích thì thôi” thì những trường hợp này sẽ rủi ro rất cao. Rủi ro nhất của tình huống này là cái xe bị vấn đề nghiêm trọng nào đó, anh chị mua xong không đăng kiểm được coi như mất trắng tiền mua xe hoặc phải bỏ thêm tiền sửa xe rồi mới đăng kiểm được. Vì vậy cần lưu ý vấn đề này.
Mua xe cũ từ cá nhân ở tỉnh khác: Có 3 tình huống xảy ra
Tình huống 1: Xe mới đăng kiểm dưới 1 năm: mình có thể mua bảo hiểm xong xin cái giấy phép tạm thời lái về PEI hoặc phải thuê xe cứu hộ hoặc tự bỏ lên rơ-mooc kéo về. Sau đó lên Access PEI đóng thuế và đăng ký lấy biển số bình thường.
Tình huống 2: Xe còn hạn đăng kiểm của tỉnh đó nhưng đã quá 1 năm: tương tự tình huống 1, mình có thể mua bảo hiểm xong xin cái giấy phép tạm thời lái về PEI hoặc phải thuê xe cứu hộ hoặc từ bỏ lên rơ-mooc kéo về. Tuy nhiên về tới PEI mình phải đi đăng kiểm lại, để làm được việc này mình phải thuê xe cứu hộ hoặc bỏ xe lên rơ-mooc kéo tới chỗ đăng kiểm. Hoặc mình có thể gọi điện lấy hẹn đăng kiểm xong lên Access PEI mua cái giấy phép di chuyển tạm thời kiểu như miếng giấy có chữ XE ĐI XÉT ở VN với giá 20 CAD thay vì phải thuê xe kéo hết mấy trăm $, nếu nhà có rơ mooc thì khỏi lo ba chuyện này. Khi mua miếng giấy XE ĐI XÉT họ sẽ hỏi mình đi từ đâu tới đâu và đi lúc nào từ mấy giờ tới mấy giờ để ghi lên giấy phép tạm thời cho nên mình phải gọi điện cho garage lấy hẹn trước rồi mới đi mua giấy phép di chuyển tạm thời là vì vậy.
Tình huống 3: Xe mua từ cá nhân ở tỉnh khác và xe đã hết đăng kiểm thì chỉ có nước thuê xe kéo kéo thẳng tới một garage nào đó ở PEI để đăng kiểm xong rồi mới mua bảo hiểm và đăng ký lấy biển số.