Một số thay đổi trong Nghị định số 100/2019/NĐ

Thanh tra GTVT đang kiểm tra nồng độ cồn đối với lái xe khách trước khi xuất bến

Sự cần thiết phải sửa đổi, bổ sung Nghị định số 46/2016/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt.

So với các quy định trước đây, Nghị định số 46/2016/NĐ-CP đã có nhiều thay đổi. Tuy nhiên, theo báo cáo tổng kết công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông năm 2017, 2018 cho thấy tình hình tai nạn giao thông đường bộ, đường sắt vẫn diễn biến phức tạp, mức giảm TNGT chưa đạt yêu cầu (số người chết do tai nạn giao thông chỉ giảm 0.75%), trong đó đã xảy ra một số vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng, làm thiệt hại lớn về người và tài sản; tình trạng vi phạm pháp luật về giao thông đường bộ, đường sắt còn diễn ra khá phổ biến; trong 06 tháng đầu năm 2019 (tính từ ngày 16/12/2018 đến 15/6/2019), toàn quốc đã xảy ra 8.385 vụ TNGT, làm chết 3.810 người, bị thương 6.358 người.

Đặc biệt ngày 14 tháng 6 năm 2019, Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia chính thức được Quốc hội thông qua và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2020, trong đó có quy định các hành vi bị nghiêm cấm “điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn”. Đây là một trong những quy định được dự luận xã hội chú ý nhất trong mấy ngày vừa qua.

Thanh tra GTVT đang xử lý phương tiện vận tải vi phạm

Một số nội dung mới; nội dung sửa đổi, bổ sung

* Phần những quy định chung: Đối tượng áp dụng, đã bổ sung quy định rõ đối tượng là tổ chức bị xử phạt (tại khoản 2 Điều 2 Nghị định); Bổ sung quy định rõ đối tượng hộ kinh doanh, hộ gia đình, tổ hợp tác thực hiện hành vi vi phạm hành chính quy định tại Nghị định này bị xử phạt như đối với cá nhân vi phạm (tại khoản 3 Điều 2 Nghị định). Về các biện pháp khắc phục hậu quả (Điều 4): rà soát, đưa ra khỏi Nghị định biện pháp khắc phục hậu quả “buộc đưa ra khỏi lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” cho phù hợp với các nội dung quy định cụ thể tại Chương II và Chương III của Nghị định.

Thứ nhất, sửa đổi, bổ sung, mô tả lại để làm rõ hơn đối với một số hành vi và nhóm hành vi vi phạm như:

– Các hành vi, nhóm hành vi vi phạm quy định về quy tắc giao thông đường bộ: sửa đổi, mô tả lại 27 hành vi, nhóm hành vi, bổ sung 03 nhóm hành vi.

+ Mô tả lại hành vi đi vào đường cấm, đi không đúng phần đường, làn đường, vượt xe trong trường hợp cấm vượt, không tuân thủ quy định về dừng xe, đỗ xe trên đường cao tốc;

+ Bổ sung một số hành vi như: dừng xe, đỗ xe trên dải phân cách cố định ở giữa hai phần đường xe chạy, bên trái (theo hướng lưu thông) của đường đôi, nơi mở dải phân cách giữa…); điều khiển xe ô tô không đủ điều kiện để thu phí theo hình thức điện tử tự động không dừng đi vào làn đường dành riêng thu phí theo hình thức điện tử tự động không dừng;

+ Bổ sung quy định xử phạt đối với người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy, xe đạp, xe đạp máy, xe thô sơ khác vi phạm quy định về nồng độ cồn và quy định lộ trình thực hiện theo quy định của Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia vừa được Quốc hội thông qua.

– Các hành vi, nhóm hành vi vi phạm quy định về kết cấu hạ tầng đường bộ, bảo vệ môi trường: sửa đổi, mô tả lại 16 hành vi, nhóm hành vi; bổ sung 01 hành vi.

– Hành vi, nhóm hành vi vi phạm quy định về phương tiện và người điều khiển phương tiện: mô tả lại 10 hành vi, nhóm hành vi, bổ sung 08 hành vi, nhóm hành vi.

– Các hành vi, nhóm hành vi vi phạm quy định về vận tải đường bộ: sửa đổi, mô tả lại 05 hành vi, nhóm hành vi và bổ sung 27 hành vi, nhóm hành vi để phù hợp và đáp ứng yêu cầu thực tiễn; ngoài ra còn bổ sung, mô tả lại 21 hành vi, nhóm hành vi cho phù hợp với quy định tại Nghị định thay thế Nghị định số 86/2014/NĐ-CP.

– Các hành vi, nhóm hành vi vi phạm khác (vi phạm quy định về quá tải cầu đường bộ, trách nhiệm chủ phương tiện, quy định về đào tạo, sát hạch lái xe, hoạt động kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường xe cơ giới đường bộ): mô tả lại 17 hành vi, nhóm hành vi; bổ sung 22 hành vi, nhóm hành vi trên cơ sở mô tả cụ thể hành vi vi phạm về điều kiện kinh doanh của các cơ sở đào tạo, trung tâm sát hạch lái xe.

Thứ hai, điều chỉnh mức xử phạt một số hành vi và nhóm hành vi:

Đã điều chỉnh tăng 291/680 hành vi, nhóm hành vi trong đó có 69 hành vi, nhóm hành vi tăng cao mức xử phạt, cụ thể:

– Các hành vi, nhóm hành vi vi phạm quy định về quy tắc giao thông đường bộ: điều chỉnh tăng mức xử phạt đối với 218 hành vi, nhóm hành vi về quy tắc giao thông, trong đó tăng cao mức xử phạt đối với 61 hành vi, nhóm hành vi như vi phạm quy tắc giao thông trên đường cao tốc; nhóm hành vi vi phạm quy định về nồng độ cồn, ma túy; đi không đúng phần đường, làn đường, chiều đường; đi ngược chiều của đường một chiều, đi ngược chiều trên đường có biển “Cấm đi ngược chiều”, không chấp hành hiệu lệnh, chuyển hướng không đúng quy định, vi phạm quy định về tốc độ; tránh xe, vượt xe không đúng quy định, không chấp hành quy định nhường đường tại nơi giao nhau …; Chúng tôi liệt kê một số lỗi thường gặp khi tham gia giao thông đã được tăng mức phạt, bổ sung hình thức phạt bổ sung, trong đó có hành vi phạm quy định ề nồng độ cồn (có biểu kèm theo).

– Các hành vi, nhóm hành vi vi phạm quy định về kết cấu hạ tầng đường bộ, bảo vệ môi trường: điều chỉnh tăng mức xử phạt đối với 04 hành vi, nhóm hành vi vi phạm quy định về quản lý, khai thác, bảo trì đường bộ.

– Các hành vi, nhóm hành vi vi phạm quy định về phương tiện, người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ: điều chỉnh tăng mức xử phạt đối với 18 hành vi, nhóm hành vi vi phạm; bổ sung hình thức xử phạt tịch thu phương tiện đối với trường hợp điểu khiển phương tiện tham gia giao thông không có Giấy đăng ký xe hoặc sử dụng Giấy đăng ký xe không do cơ quan có thẩm quyền cấp, không đúng số khung, số máy của xe hoặc bị tẩy xóa (kể cả rơ moóc và sơ mi rơ moóc) mà không chứng minh được nguồn gốc xuất xứ của phương tiện (không có giấy tờ, chứng từ chuyển quyền sở hữu xe hoặc giấy tờ, chứng từ nguồn gốc xe hợp pháp); quy định trường hợp được loại trừ, không bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung tịch thu phương tiện (quá niên hạn sử dụng kinh doanh vận tải nhưng chưa quá niên hạn sử dụng chung theo quy định).

– Các hành vi, nhóm hành vi vi phạm quy định về vận tải đường bộ: điều chỉnh tăng mức xử phạt đối với 29 hành vi, nhóm hành vi vi phạm quy định về xếp hàng, khai thác bến xe, cập nhật truyền dữ liệu, niêm yết, bộ phận quản lý các điều kiện về ATGT, sử dụng phương tiện, quản lý hồ sơ phương tiện, quản lý người lái xe, khám sức khỏe định kỳ cho người lái xe, thiết bị giám sát hành trình của xe…

– Các hành vi, nhóm hành vi vi phạm khác: điều chỉnh tăng mức xử phạt đối với 22 hành vi, nhóm hành vi vi phạm quy định về trách nhiệm của chủ phương tiện, đào tạo, sát hạch lái xe, đăng kiểm phương tiện; bổ sung hình thức tịch thu phương tiện đối với các hành vi tự ý đục số khung, số máy của phương tiện, đưa phương tiện quá niên hạn sử dụng tham gia giao thông, đưa phương tiện ra tham gia giao thông không có Giấy đăng ký xe hoặc sử dụng Giấy đăng ký xe không do cơ quan có thẩm quyền cấp, không đúng số khung, số máy của xe hoặc bị tẩy xóa (kể cả rơ moóc và sơ mi rơ moóc) mà không chứng minh được nguồn gốc xuất xứ của phương tiện (không có giấy tờ, chứng từ chuyển quyền sở hữu xe hoặc giấy tờ, chứng từ nguồn gốc xe hợp pháp).

* Một số nội dung sửa đổi, bổ sung trong lĩnh vực đường sắt

Thứ nhất, sửa đổi, bổ sung, mô tả lại để làm rõ hơn đối với một số hành vi và nhóm hành vi vi phạm: Nghị định giữ nguyên 05/31 Điều; bổ sung 04 Điều; sửa đổi, bổ sung 26 Điều với 69 hành vi, nhóm hành vi được sửa đổi và 84 hành vi, nhóm hành vi được bổ sung để phù hợp với quy định của Luật Đường sắt năm 2017 và các văn bản hướng dẫn Luật, cụ thể:

– Các hành vi, nhóm hành vi vi phạm quy định về tín hiệu, quy tắc giao thông đường sắt và bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường sắt: sửa đổi, mô tải lại 21 hành vi, nhóm hành vi; bổ sung 29 hành vi, nhóm hành vi tại 10/10 Điều và bổ sung 02 Điều (Điều 45, Điều 50) với 06 nhóm hành vi:

– Các hành vi, nhóm hành vi vi phạm quy định về kết cấu hạ tầng đường sắt: sửa đổi, mô tả lại 16 hành vi, nhóm hành vi; bổ sung 18 hành vi, nhóm hành vi tại 05/05 Điều và bổ sung 02 Điều (Điều 54, Điều 57) với 15 hành vi, nhóm hành vi.

– Các hành vi, nhóm hành vi vi phạm quy định về phương tiện giao thông đường sắt: sửa đổi, mô tả lại 03 hành vi, nhóm hành vi; bổ sung 03 hành vi, nhóm hành vi tại 02/04 Điều.

– Các hành vi, nhóm hành vi vi phạm quy định đối với nhân viên đường sắt: sửa đổi, mô tả lại 16 hành vi, nhóm hành vi; bổ sung 10 hành vi, nhóm hành vi tại 06/08 Điều.

– Các hành vi, nhóm hành vi vi phạm quy định về kinh doanh đường sắt và các vi phạm khác: sửa đổi, mô tả lại 13 hành vi, nhóm hành vi và bổ sung 03 hành vi, nhóm hành vi tại 03/04 Điều.

Thanh tra GTVT Đường sắt đang làm việc tại hiện trường

Thứ hai, điều chỉnh mức xử phạt một số hành vi và nhóm hành vi. Đã điều chỉnh tăng 23/362 hành vi, nhóm hành vi, cụ thể:

– Các hành vi, nhóm hành vi vi phạm quy định về tín hiệu, quy tắc giao thông đường sắt và bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường sắt: điều chỉnh tăng mức xử phạt đối với 10 hành vi, nhóm hành vi vi phạm quy định về quy tắc giao thông tại đường ngang, cầu chung, hầm đường sắt.

– Các hành vi, nhóm hành vi vi phạm quy định về kết cấu hạ tầng đường sắt: điều chỉnh tăng mức xử phạt đối với 04 hành vi, nhóm hành vi vi phạm quy định về quản lý, bảo trì, bảo vệ kết cấu hạ tầng đường sắt.

– Các hành vi, nhóm hành vi vi phạm quy định đối với nhân viên đường sắt: điều chỉnh tăng mức xử phạt đối với 13 hành vi, nhóm hành vi vi phạm quy định về nồng độ cồn, sử dụng các chất kích thích khác mà pháp luật cấm sử dụng, vi phạm quy định khác về bảo đảm an toàn giao thông đường sắt.

* Về thẩm quyền xử phạt: Về cơ bản vẫn giữ nguyên theo quy định trước đây vì Luật Xử lý vi phạm hành chính chưa sủa đổi, bổ sung. Tuy nhiên, do thay đổi về mô hình tổ chức của ngành Công an nên có sửa đổi, mô tả lại quy định về phân định thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đường bộ, đường sắt của Cảnh sát giao thông cho phù hợp với quy định của Luật Giao thông đường bộ, chức năng, nhiệm vụ của lực lượng Cảnh sát giao thông và đáp ứng với yêu cầu thực tiễn của công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông, theo đó quy định thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của lực lượng Cảnh sát giao thông đối với từng hành vi (nhóm hành vi) vi phạm được quy định cụ thể tại từng điểm, khoản, điều của Chương II và Chương III Nghị định (tại khoản 2 Điều 74 Nghị định). Rà soát, điều chỉnh các chức danh xử phạt phù hợp với mô hình, cơ cấu tổ chức hiện nay của lực lượng Công an nhân dân (tại khoản 4 Điều 76).

Sửa đổi, mô tả lại việc quy định xử phạt đối với những hành vi vi phạm mà cùng được quy định tại các điều khác nhau của Chương II Nghị định trong trường hợp đối tượng vi phạm trùng nhau (người điều khiển phương tiện đồng thời là chủ phương tiện, người điều khiển phương tiện đồng thời là cá nhân kinh doanh vận tải đường bộ), như: các hành vi vi phạm quy định về đăng ký, đăng kiểm phương tiện; kích thước thùng xe, thời gian lái xe, phù hiệu, biển hiệu; lắp đặt, sử dụng thiết bị giám sát hành trình, camera trên xe ô tô; chở quá khổ, quá tải, quá số người,… (tại khoản 3 Điều 80 Nghị định).

Sửa đổi quy định về việc áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả, buộc phải hạ phần hàng quá tải, dỡ phần hàng quá kích thước đối với các hành vi chở hàng quá tải, quá khổ quy định tại Điều 24, Điều 28, Điều 30, Điều 33, Điều 65 thành quy định buộc phải chấm dứt hành vi vi phạm để phù hợp với thực tiễn và Luật Xử lý vi phạm hành chính (tại khoản 5 Điều 80 Nghị định).

Sửa đổi quy định về xử phạt trong trường hợp hành vi vi phạm được phát hiện thông qua sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ nhằm tăng cường và nâng cao hiệu quả ứng dụng khoa học – công nghệ trong công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm, đáp ứng với yêu cầu thực tiễn của công tác bảo đảm TTATGT (tại khoản 8 Điều 80 Nghị định). Nội dung cụ thể tại ý kiến 1 khoản 1 Mục IV- Những vấn đề còn có ý kiến khác nhau của văn bản này.

Bổ sung quy định về việc sử dụng thông tin, hình ảnh thu được từ thiết bị ghi âm, ghi hình của cá nhân, tổ chức cung cấp để làm căn cứ xác minh, phát hiện hành vi vi phạm (tại khoản 11 Điều 80 Nghị định) nhằm góp phần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông, phù hợp với quy định tại khoản 3 Điều 14 Luật Xử lý vi phạm hành chính “cá nhân, tổ chức có trách nhiệm phát hiện, tố cáo và đấu tranh phòng, chống vi phạm hành chính”, đáp ứng với yêu cầu thực tiễn của công tác bảo đảm TTATGT.

Bổ sung quy định về việc cơ quan đăng kiểm đưa vào cảnh báo phương tiện có vi phạm trên Chương trình quản lý kiểm định để từ chối kiểm định đối với phương tiện (xe ô tô, rơ moóc, sơ mi rơ moóc, xe máy chuyên dùng) mà chủ phương tiện không đến giải quyết vụ việc vi phạm (tại khoản 12 Điều 80 Nghị định), nhằm góp phần nâng cao hiệu quả của công tác xử lý vi phạm, phù hợp và đáp ứng với yêu cầu thực tiễn của công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông. Nội dung cụ thể tại ý kiến 1 khoản 2 Mục IV- Những vấn đề còn có ý kiến khác nhau của văn bản này.

Bổ sung quy định xử lý đối với trường hợp tại thời điểm kiểm tra, người điều khiển phương tiện không xuất trình được các giấy tờ theo quy định (tại khoản 3 Điều 82 Nghị định) nhằm tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn trong thực tiễn triển khai.

Bổ sung quy định cụ thể về việc không cấp đổi, cấp mới giấy phép, chứng chỉ hành nghề cho cá nhân, tổ chức trong thời gian bị tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề, bao gồm cả trường hợp giấy phép, chứng chỉ hành nghề hết thời hạn sử dụng nhưng chưa hết thời hạn áp dụng hình thức xử phạt tước quyền sử dụng (tại khoản 5 Điều 81 Nghị định).

Thứ nhất, vấn đề xử phạt trong trường hợp hành vi vi phạm được phát hiện thông qua sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ

a) Trường hợp chủ phương tiện là cá nhân, nếu không hợp tác với cơ quan chức năng, không chứng minh hoặc không giải trình được mình không phải là người đã điều khiển phương tiện thực hiện hành vi vi phạm thì bị xử phạt theo quy định đối với hành vi vi phạm được phát hiện;

b) Trường hợp chủ phương tiện là tổ chức, nếu không hợp tác với cơ quan chức năng, không giải trình để xác định được người đã điều khiển phương tiện thực hiện hành vi vi phạm thì bị xử phạt tiền bằng hai lần mức xử phạt quy định đối với hành vi vi phạm được phát hiện nhưng không quá mức phạt tiền tối đa, trừ trường hợp phương tiện bị chiếm đoạt, sử dụng trái phép”.

Vấn đề thứ hai, Về việc quy định cơ quan đăng kiểm đưa vào cảnh báo phương tiện có vi phạm trên Chương trình quản lý kiểm định để từ chối kiểm định đối với phương tiện (xe ô tô, rơ moóc, sơ mi rơ moóc, xe máy chuyên dùng) trong trường hợp chủ phương tiện không đến giải quyết vụ việc vi phạm. Tuy nhiên có ý kiến cho rằng, Luật Xử lý vi phạm hành chính chưa quy định “từ chối kiểm định đối với phương tiện” là hình thức xử phạt.

Về vấn đề này, cơ quan soạn thảo đã nghiên cứu các quy định hiện hành, đồng thời để tăng cường các biện pháp nhằm bảo đảm việc tuân thủ của người vi phạm, tăng cường tính răn đe, Chính phủ đã chốt phương án tại khoản 12 Điều 80 như sau:

Khi phương tiện đến kiểm định, cơ quan đăng kiểm thông báo cho người đưa phương tiện đến kiểm định biết về việc vi phạm, thực hiện kiểm định theo quy định đối với phương tiện, cấp Giấy chứng nhận kiểm định và tem kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường có thời hạn hiệu lực là 15 ngày.

Tổng hợp một số lỗi vi phạm giao thông thường gặp theo Nghị định 100/2019/NĐ-CP

Tài liệu tham khảo :

Hồ sơ trình dự thảo Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt ;

Hồ sơ báo cáo UBPLQH về tạm giữ, tịch thu phương tiện theo thủ tục hành chính.

Nghị định 100/2019/NĐ-CP của Chính phủ.

Trần Phong Anh