Xe SH mode cũ bán được nửa tỷ đồng nhờ… biển số “đẹp nhất tỉnh”

Một chiếc xe SH mode ở Tiền Giang vừa đăng ký lại và chủ nhân may mắn bốc được biển toàn số 9. Sau khi bốc được biển đẹp chiếc xe này đã được một người thích sưu tầm xe biển đẹp mua với giá 500 triệu đồng.

Mặc dù chiếc xe đã đi được 3000km, nhưng chủ nhân đã bốc được số đẹp và bán ra với giá 500 triệu đồng

Chủ xe may mắn bấm được số xe siêu khủng cho biết, chiếc xe này đã lăn bánh được 3.000km. Đi được một thời gian thấy số không đẹp nên anh làm thủ tục bán ra ngoài tỉnh cho một người khác đứng tên. Sau đó, người này lại bán lại chiếc xe cho anh. Anh tiếp tục mua lại chiếc xe mình đã đi và may mắn trong lần đăng ký lại đã bấm được số đẹp.

Sau khi chủ xe may mắn bấm được biển số 63.B9.99999, nhiều người trầm trồ, kéo tới xem và trả giá hàng trăm triệu đồng nhưng anh không bán. Đến trưa 21/9, anh Tô Nhựt Khanh (25 tuổi, ngụ xã Tân Lý Tây, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang) hay tin người sở chiếc xe SH mode biển số khủng muốn bán nên anh Khanh tức tốc mang tiền đi gặp chủ xe.

Cận cảnh biển số xe siêu đẹp

“Ngay sau khi hay tin nhân viên của một cửa hàng bán xe máy vừa đăng ký chiếc xe tay ga có biển số siêu khủng, có tới 6 con số 9 tôi tức tốc mang theo tiền gặp chủ xe hỏi mua. Cũng có người đã trả giá đến 480 triệu. Nhưng khi tôi trả thêm 20 triệu đồng nữa thì chủ xe đã gật đầu”, anh Khanh cho biết.

Anh Khanh cũng cho biết, từ khi anh mua được chiếc xe biển số khủng đã có rất nhiều bạn bè và kể cả những người không quen đến nhà anh Khanh để tận mắt chứng kiến và chiêm ngưỡng chiếc xe. Biển số 63B9-999.99 được xem là là biển đẹp nhất từ trước tới nay ở Tiền Giang , kể từ khi xe máy được đăng ký biển 5 số.

Anh Châu Văn Bình (43 tuổi, ngụ xã Tân Lý Tây, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang) cho biết: “Anh là thợ sửa xe máy từ hơn 20 năm nay, nhưng hôm nay được tận mắt nhìn thấy chiếc xe mang biển số siêu khủng như thế này. Có thể nói, đây là biển số có một không hai ở Tiền Giang. Tiền 1 tỷ thì người ta có thể có, nhưng biển số xe có đến 6 số 9 như thế này thì ít ai có được”, anh Bình chia sẻ.

Anh Tô Nhật Khanh và chiếc biển độc anh vừa mua với giá 500 triệu đồng

Anh Phương , một người chuyên mua bán xe máy cũ ở Tiền Giang cho biết, nếu là xe SH mode mới cùng loại này thì giá của nó chỉ dao động từ 61 đến 64 triệu đồng (chưa kể phí đăng ký và đóng thuế trước bạ). Còn xe đã qua sử dụng như chiếc xe này thì chỉ có giá trên dưới 50 triệu thôi.

Một người trong giới thạo xe và chơi biển số đẹp cho biết, theo quan niệm của người Việt, số 9 (cửu) mang ý nghĩa trường thọ và may mắn. Ý nghĩa số 9 còn được hiểu là an lành, mọi điều thuận lợi và cuộc sống hạnh phúc. Ngoài ra, số 9 còn tượng trưng cho sự tròn đầy, viên mãn. Không những vậy, khi số 9 được lặp lại tới 5 lần (ngũ quý) số gánh (có hai cặp số giống nhau đối xứng trên biển) thì chúng thường có giá trị rất lớn.

Được biết đầu số 63B9 là đầu số được Phòng CSGT công an tỉnh Tiền Giang cấp cho TP. Mỹ Tho và đây là biển số được bấm ngẫu nhiên.

Nguyễn Vinh

​Theo Dantri

“Vua trứng cút” miền Tây bán trứng cút cho Nhật, thu 1 tỷ/tháng

Thay vì trồng trái cây như bao nông dân khác, ông Hai Hồ (tức Trần Nguyễn Hồ) ở xã Long An, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang lại đi chăn cút lấy trứng xuất ngoại. Ngoài việc cung ứng trứng cút cho thị trường trong nước, ông còn hợp tác với Công ty cổ phần Rau quả Tiền Giang xuất sang Nhật Bản hơn 2 triệu quả trứng cút sạch mỗi tháng, giá trị khoảng 1 tỷ đồng.

Trứng cút sạch Hai Hồ

Như đã hẹn, tôi tìm đến trại cút của ông Hai Hồ để xem lão nông này thực hư làm trứng cút sạch cho thị trường Nhật ra sao. Trại nuôi cút này rộng hơn 2ha, hình thành khoảng hơn năm nay. Trại nằm cách phía Đông Bắc TP.Mỹ Tho (Tiền Giang) khoảng 6km.

Nhân công thu gom trứng cút trong trại của ông Hai Hồ. Ảnh: Trần Đáng

Trại được xây dựng khá bài bản nằm lọt thỏm giữa vườn cây ăn trái. Hiện, trong trại có 7 dãy chuồng với hơn 100.000 con cút mái đang cho trứng. Thay vì với những kiểu chuồng “chạn chén” bằng gỗ tại một số làng nuôi cút, các ô chuồng ở đây được làm bằng kẽm ghép lại với nhau thành một hệ thống nối dài. Kiểu chuồng này có ưu điểm gọn nhẹ, tiết kiệm diện tích, thoáng mát, dễ vệ sinh. Ngoài ra, chuồng còn được trang bị thêm hệ thống nước uống tự động và máng ăn tiết kiệm thức ăn…

Theo ông Hai Hồ, hệ thống chuồng nuôi cút này là thành quả gần chục năm ông miệt mài nâng cấp, hoàn chỉnh từ kiểu chuồng “chạn chén” lỗi thời. Sáng chế này đã được Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam công nhận kiểu dáng chuồng nuôi công nghiệp từ năm 2009.

“Chuồng nuôi cút là khâu rất quan trọng. Kiểu chuồng này giải quyết căn cơ cho vấn đề vệ sinh môi trường chăn nuôi cút, giảm được dịch bệnh đáng kể nên hoàn toàn không sử dụng kháng sinh trị bệnh, giảm công chăm sóc gấp 10 lần”, ông Hai Hồ chia sẻ.

Để có thành công như hiện nay, ông có bước khởi nghiệp khá gian nan. Ông Hai Hồ cho biết, ông chọn nuôi chim cút bởi nó phù hợp với điều kiện ít vốn, quay vòng nhanh. Lúc đầu do kỹ thuật chưa hoàn thiện nên cút hao hụt nhiều, lợi nhuận chỉ đủ chi tiêu trong gia đình. Qua thời gian, nhận thấy nhu cầu của thị trường đối với trứng cút rất lớn, trứng cút đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng cho trẻ em, không thiếu được trong đám tiệc và các loại bánh, năm 2001, ông mở rộng đàn chim cút nuôi lên tới 20.000 con, chi phí đầu tư 500 triệu đồng.

Tuy nhiên, đợt dịch cúm gia cầm năm 2002 – 2003 khiến đàn cút của gia đình ông tuy không bị dịch nặng, nhưng cũng phải tiêu hủy hoàn toàn. Không nản chí, đầu năm 2004, ông vay vốn ngân hàng xây dựng lại chuồng trại, mua giống tổ chức lại sản xuất, cải tiến hệ thống chăn nuôi, quy trình chăm sóc theo hướng chăn nuôi mới, nhằm kiểm soát dịch bệnh ngay từ khâu con giống, nguồn thức ăn…

Nhờ thực hiện quy trình chăn nuôi tiên tiến, trứng đạt tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm, nên từ cuối năm 2013 đến nay, ông hợp tác với Công ty cổ phần Rau quả Tiền Giang xuất sang Nhật Bản hơn 2 triệu quả trứng cút mỗi tháng, mang lại thu nhập khoảng một tỷ đồng.

Phát triển hệ thống vệ tinh

Ông Trần Nguyễn Hồ kiểm tra trứng cút sạch trước khi bán. Ảnh: Cửu Long

Theo ông Hai Hồ, “làm ăn với Nhật không phải đùa”. Tiêu chuẩn họ đặt ra rất nghiêm ngặt về chất lượng an toàn vệ sinh chuồng trại và thực phẩm. “Đến hình thức trứng cũng phải đẹp. Thay vì sau khi luộc xong, lòng đỏ trứng cút hay nằm lệch sang một bên, thì khi xuất sang Nhật, lòng đỏ bắt buộc này phải nằm giữa trứng. Chúng tôi phải học kỹ thuật để làm cái trứng đúng tiêu chuẩn này”- ông Hai Hồ nói.

Đặc biệt, trứng tuyệt đối không có dư lượng kháng sinh. Ông Hai Hồ cho biết, chuyến đầu tiên anh xuất trứng cút đi Nhật đổ bể, mất trắng 2 tỷ đồng, cũng vì dư lượng kháng sinh. Để tránh những thương vụ không thành công, gây thiệt hại kinh tế đôi bên, phía Nhật Bản yêu cầu ông phải tự chế biến thức ăn cho cút mái; khi nhập cám, gạo, bắp phải thông báo lai lịch vùng sản xuất, có sử dụng thuốc bảo vệ thực vật không…, sau đó lấy mẫu cám gạo đưa sang Nhật kiểm tra.

Việc áp dụng quy trình sinh học vào chăn nuôi giúp hạn chế sử dụng thuốc và sản phẩm trứng không có tàn dư kháng sinh. Với quy trình này đã đáp ứng yêu cầu khắc khe của đối tác Nhật Bản để xuất khẩu được trứng cút vào thị trường này.

Ông Hai Hồ cho biết, với khoảng 300.000 con cút mái hiện nay, mỗi ngày ông xuất ra thị trường hơn 200.000 trứng. Trong đó, khoảng 50% số trứng nàyanh chuyển sang Nhà máy đông lạnh hàng nông sản xuất khẩu Long Định (thuộc Công ty cổ phần Rau quả Tiền Giang) để đóng hộp xuất khẩu. Tính trung bình, mỗi trứng xuất khẩu ông lời 60 đồng.

Do thị trường tiêu thụ trứng chim cút rất mạnh và ổn định, nên ông đã phát triển hệ thống chăn nuôi vệ tinh bằng cách đầu tư cho nhiều hộ khác nuôi chim cút (hỗ trợ vốn vốn qua con giống, chuồng, thức ăn, hướng dẫn kỹ thuật, bao tiêu sản phẩm…).

Tại Tiền Giang, ông thành lập tổ hợp tác nuôi cút lấy trứng với hơn 20 thành viên. Theo ông Hai Hồ, mục đích thành lập tổ hợp tác là muốn hỗ trợ người nghèo có phương tiện sản xuất vượt qua khó nghèo. Để hỗ trợ các thành viên trong tổ, anh nhận chuyển giao công nghệ, cho vay vốn, cung cấp thức ăn, kỹ thuật chăn nuôi và bao tiêu sản phẩm. “Tôi bao tiêu trứng với giá sàn đảm bảo cho bà con không lỗ. Khi giá lên, tôi mua theo giá thị trường. Phần bà con, ngoài bán trứng còn có thu nhập thêm từ việc bán phân cút” – ông cho biết.

Theo ông Hai Hồ, tổ hợp tác đang hướng đến làm trứng cút sạch. Những thành viên nào đủ khả năng làm trứng cút sạch xuất khẩu ông nhiệt tình giúp đỡ để làm vệ tinh cho mình. Những thành viên chưa đủ khả năng, ông hỗ trợ làm trứng cút để cung ứng cho thị trường trong nước.

Theo Danviet

16.000 tỷ đầu tư vào 31 dự án nông nghiệp và chế biến nông sản của Tiền Giang Tại Hội nghị Xúc tiến đầu tư tỉnh Tiền Giang năm 2018 ngày 9.8, ông Lê Văn Hưởng – Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang cho biết, sẽ phát triển nông nghiệp toàn diện, công nghệ cao và thu hút đầu tư chế biến nông sản lớn. Thủ…