Tài xế dính ma trận biển báo gài bẫy, đánh đố khắp nơi

Bức xúc của dư luận lên cao trào phải kể đến việc hàng loạt tài xế ở tỉnh Tiền Giang khởi kiện CSGT ra tòa vì cho rằng biển báo giao thông vào khu vực dân cư trên Quốc lộ 1 có dấu hiệu “gài” người lái xe vi phạm. Mặc dù TAND tỉnh Tiền Giang tuyên bác đơn khởi kiện của tài xế nhưng dư luận vẫn không phục và đề nghị các cơ quan có thẩm quyền phải dựng biển báo sao cho hợp lý, tránh gài bẫy.

“Gài” từ đại lộ đến đường nội đô

Nêu lý do khởi kiện, tài xế L.T.H (ngụ tỉnh Tiền Giang) cho biết khi anh lái ôtô 4 chỗ đi trên Quốc lộ 1 từ hướng Mỹ Thuận về Trung Lương vào khu dân cư thuộc thị xã Cai Lậy có nhìn thấy biển báo “vào khu dân cư” và chạy đúng tốc độ 60 km/giờ. Qua một ngã ba rồi thêm ngã tư nữa thì anh tăng tốc độ lên 66 km/giờ, vậy là bị CSGT dừng xe và phạt lỗi quá tốc độ.

Trong khi đó, tài xế H. viện dẫn theo Quy chuẩn Kỹ thuật quốc gia QCVN 41:2016/BGTVT (gọi tắt là Quy chuẩn 41) về báo hiệu đường bộ do Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) ban hành ngày 8-4-2016 thì tại khoản 3 điều 38 nêu: “Nếu đoạn đường phải thi hành biển hiệu lệnh có hiệu lực rất dài thì tại các nơi đường giao nhau, biển hiệu lệnh phải được nhắc lại, đặt ngay sau nơi giao nhau theo hướng đường đang có biển hiệu lệnh. Nếu không có biển nhắc lại thì biển hiệu lệnh được mặc nhiên xem là hết hiệu lực”. “Căn cứ vào khoản này khi qua 2 ngã ba, ngã tư dĩ nhiên hết hiệu lực vì không có biển nhắc lại. Vì vậy, tài xế bị phạt có phải oan không?” – tài xế H. bức xúc hỏi.

Cùng quan điểm này, một tài xế khác là anh T.N.H (TP HCM) còn phân tích thêm lẽ ra khi thấy bất cập, CSGT phải là người kiến nghị sửa, chứ cứ thế xử phạt người lái xe là không ổn.

Đúng như những gì tài xế L.T.H phản ánh, qua ghi nhận, chúng tôi thấy biển báo vào khu dân cư qua thị xã Cai Lậy được đặt tại Km1987 trên Quốc lộ 1 nhưng qua nhiều ngã ba, ngã tư vẫn không nhắc lại. Cụ thể, nếu đi từ hướng Trung Lương đến Mỹ Thuận, vừa qua đường tránh Cai Lậy, biển báo “vào khu dân cư” được lắp đặt. Sau đó vài trăm mét có đường giao nhau với ngã ba Tân Hội, ngã ba Nhị Mỹ… và nhiều điểm giao nhau khác nhưng ở các ngã ba, ngã tư giao nhau này không biển báo nhắc lại. Cho đến Km1998 thì có biển báo “hết khu dân cư”. Nhiều tài xế cho rằng sau ngã ba hay ngã tư không thấy biển nhắc lại mà không rành địa giới địa lý nên dễ mắc lỗi chạy quá tốc độ. Như vậy là gài bẫy!

Tương tự, tại giao lộ đường Phú Thọ – Hàn Hải Nguyên (quận 11), hơn 4 tháng nay, công trình sửa chữa ống cống đã hoàn thành, mặt đường thông thoáng nhưng biển báo cấm ôtô trên đường Phú Thọ vẫn tồn tại. “Nhiều ôtô từ nơi khác khi đến đây đều khựng lại, rồi tìm cách đi đường vòng. Trong khi những tài xế qua lại thường xuyên không ngần ngại đi thẳng. Việc này không khác gì đánh đố tài xế” – anh Hoàng, người thường phải tiến thoái lưỡng nan khi đến giao lộ này, bức xúc.

Một đội trưởng thuộc Phòng CSGT Đường bộ – Đường sắt Công an TP HCM cho rằng việc cắm biển báo giao thông do Khu Quản lý giao thông đường bộ (Sở GTVT TP HCM) đảm trách. Tuy nhiên, trước khi đặt biển báo thường lấy ý kiến địa phương, đơn vị CSGT đảm trách tuyến đường đó. Thế nhưng nhiều lúc, đơn vị thi công lắp đặt lại đặt nhầm, đặt không đúng vị trí khiến người tham gia giao thông không biết đi lại ra sao. “Trong văn bản có ghi biển cấm tại vị trí trước giao lộ bao nhiêu mét, lối đi này dành cho phương tiện nào rất rõ. CSGT căn cứ vào đó xử lý” – vị đội trưởng cho hay.

Về những bức xúc của giới tài xế bị gài bẫy trên Quốc lộ 1, theo luật sư Cao Minh Triết (Đoàn Luật sư tỉnh Tiền Giang), khi tài xế điều khiển xe trên đường phải thấy được biển báo. Việc vào khu dân cư có biển báo mà chưa ra hết thì CSGT xử phạt là đúng. Còn việc biển báo không nhắc lại là do Cục Đường bộ đảm trách vì Quốc lộ 1 thuộc quyền quản lý của Bộ GTVT.

Tuy thấy việc cắm biển báo chưa ổn nhưng một CSGT cho rằng trách nhiệm của CSGT khi phát hiện tài xế chạy quá tốc độ trong khu dân cư, đe dọa an toàn giao thông là buộc phải tiến hành xử phạt.

Ngoài ra, theo tìm hiểu của phóng viên, khi Quy chuẩn 41 của Bộ GTVT có hiệu lực thì Cục CSGT (Bộ Công an) cũng đã nhận thấy “một số điều trong Quy chuẩn 41 không phù hợp với các quy định hiện hành của Luật Giao thông đường bộ 2008 và dễ gây hiểu nhầm cho người tham gia giao thông cũng như việc thực thi pháp luật của CSGT khi làm nhiệm vụ…”. Tuy nhiên sau đó, Bộ GTVT có Công văn 8484/BGTVT-KHCN trả lời Cục CGST hướng dẫn một số nội dung trong quá trình thực hiện Quy chuẩn 41. Tuy nhiên, tài xế H. cho rằng tài xế chỉ thực hiện theo Quy chuẩn 41 vì có công bố trên mạng của Bộ GTVT còn Công văn 8484 thì chỉ có CSGT và các cơ quan thực thi pháp luật biết, còn tài xế không biết thì sao thực hiện (?!).

Biển báo núp lùm!

MINH SƠN – LÊ PHONG