Biển báo 411 cho người lái xe biết số lượng làn đường và hướng đi ở mỗi làn, tuy nhiên hãy cẩn trọng khi gặp biển báo này.
Phương tiện chỉ được phép chuyển làn để đi đúng hướng ở phía sau biển 411 Câu hỏi 1: Biển báo 411 Trên đường phố, có biển 411 và 412 để chỉ hướng đi và phân làn đường. Một chiếc ôtô đang lưu thông bình thường ở làn trái ngoài cùng (làn dành cho ôtô) khi đến gần ngã tư do có biển 411 phân hướng nên phải chuyển sang làn phải để rẽ phải. Sau khi rẽ phải thì bị CSGT thổi phạt với lý do đi sai làn đường.
Nếu không chuyển sang làn phải ở gần ngã tư thì chiếc ôtô khi rẽ phải chặn đầu các phương tiện khác ở làn xe máy, như thế có thể gây nên tắc đường. Người lái xe giải thích với CSGT rằng, tại các ngã tư thì các làn đường là hỗn hợp, anh ta đi đúng biển 411 chỉ hướng đi nghĩa là không vi phạm luật. Hỏi, pháp luật xử lý như thế nào trong trưởng hợp này? Theo Autocarvietnam
Trả lời:
Ý nghĩa biển báo 411 và 412 được quy định tại phụ lục E Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về báo hiệu đường bộ (được ban hành theo Thông tư số 17/2012/TT-BGTVT ngày 29/05/2012 của Bộ trưởng Bộ GTVT) như sau:
E.11 Biển số 411: Hướng đi trên mỗi làn đường theo vạch kẻ đường: để chỉ dẫn cho người lái xe biết số lượng làn đường trên mặt đường và hướng đi trên mỗi làn đường theo vạch kẻ đường… Biển có tác dụng bắt buộc người lái xe phải đi đúng làn đường đã được chỉ dẫn hướng phù hợp với hành trình của xe.
E.12 Biển số 412 (a,b,c.d) Làn đường dành riêng cho từng loại xe: để chỉ dẫn cho người lái xe biết có làn đường dành riêng cho từng loại xe riêng biệt. Các loại xe khác không được đi vào làn đường có đặt biển này (trừ các xe có quyền ưu tiên theo quy định):
Biển số 412a: làn đường dành cho ôtô kháchBiển số 412b: làn đường dành cho ôtô conBiển số 412 c: làn đường dành cho ôtô tảiBiển số 412 d: làn đường dành cho xe môtô.
Mặt khác theo quy định tại khoản 1 Điều 13 Luật giao thông đường bộ về sử dụng làn đường có quy định: “Trên đường có nhiều làn đường cho xe đi cùng chiều được phân biệt bằng vạch kẻ phân làn đường, người điều khiển phương tiện phải cho xe đi trong một làn đường và chỉ được chuyển làn đường ở những nơi cho phép; khi chuyển làn đường phải có tín hiệu báo trước và phải bảo đảm an toàn”.
Với quy định trên, viêc ôtô chuyển làn như tình huống nêu trên, ôtô đã chuyển làn khi đang trong phạm vi biển báo làn đường nên vi phạm quy định tại khoản 1 Điều 13 Luật Giao thông đường bộ nêu trên nên theo khoản 2 Điều 5 Nghị định 171/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt.
2. Phạt tiền từ 300.000 đồng đến 400.000 đồng đối với người điều khiển xe thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây:
a) Chuyển làn đường không đúng nơi cho phép hoặc không có tín hiệu báo trước, trừ các hành vi vi phạm quy định tại Điểm i Khoản 4 Điều này;
Trong trường hợp này, các phương tiện phải thực hiện chuyển làn ở phía sau biển 411 thì mới không vi phạm luật, tránh trường hợp chuyển làn quá sớm như trong tình huống để bị thổi phạt.
Câu hỏi 2:
Tại ngã tư, không có biển 411 (biển chỉ dẫn cho người lái xe biết số lượng làn đường trên mặt đường và hướng đi trên mỗi làn đường theo vạch kẻ đường) mà chỉ có các vạch chỉ hướng trên các làn đường. Ở làn đường ngoài cùng bên trái, có vạch chỉ hướng rẽ trái, một chiếc ôtô đi vào làn đó và đi thẳng thì bị CSGT thổi phạt.
Người lái xe nói rằng: Mũi tên chỉ hướng nằm trong nhóm vạch chỉ dẫn chứ không nằm trong nhóm vạch cấm, vẽ dưới đường kết hợp thêm chứ không có tác dụng bắt buộc phải theo nếu như không có biển 411. Hỏi pháp luật xử lý như thế nào trong trường hợp này?
Trả lời:
Vạch tín hiệu giao thông đường bộ được định nghĩa tại phụ lục G Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về báo hiệu đường bộ (được ban hành theo Thông tư số 17/2012/TT-BGTVT ngày 29 tháng 05 năm 2012 của Bộ trưởng Bộ GTVT) như sau:
Vạch tín hiệu giao thông trên đường gồm các loại vạch kẻ ngang hoặc dọc trên mặt đường, mũi tên, chữ viết hoặc hình vẽ trên mặt đường và những ký hiệu theo chiều đứng thể hiện ở cọc tiêu hoặc hàng rào hộ lan, lan can, hàng vỉa, nhằm hướng dẫn bảo đảm ATGT. Tác dụng của vạch tín hiệu là cung cấp thông tin hướng dẫn giao thông. Vạch tín hiệu được phối hợp sử dụng với biển báo hiệu hoặc sử dụng độc lập.
Căn cứ theo khoản 1 Điều 10 Luật GTĐB quy định như sau: Hệ thống báo hiệu đường bộ gồm hiệu lệnh của người điều khiển giao thông; tín hiệu đèn giao thông, biển báo hiệu, vạch kẻ đường, cọc tiêu hoặc tường bảo vệ, rào chắn.
Thứ tự hiệu lực của các biển báo hiệu được quy định tại Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về báo hiệu đường bộ (được ban hành theo Thông tư số 17/2012/TT-BGTVT ngày 29/05/2012 của Bộ trưởng Bộ GTVT) như sau:
Điều 3. Thứ tự hiệu lực của hệ thống báo hiệu3.1 Khi đồng thời bố trí các hình thức báo hiệu cùng ở một khu vực có ý nghĩa khác nhau, người tham gia giao thông phải chấp hành loại hiệu lệnh theo thứ tự như sau:3.1.1 Hiệu lệnh của người điều khiển giao thông;3.1.2 Tín hiệu đèn hoặc cờ;3.1.3 Hiệu lệnh của biển báo hiệu;3.1.4 Vạch kẻ đường và các dấu hiệu khác trên mặt đường.”
Theo các quy định nêu trên mặc dù không có biển 411 nhưng lại có các vạch chỉ hướng trên các làn đường thì người lái xe vẫn phải tuân thủ theo đúng quy định tại 3.1.4 Điều 3 về thứ tự hiệu lực của hệ thống báo hiệu như đã nêu trên.
Trong trường hợp nêu trên, người lái xe đã vi phạm luật giao thông đường bộ và bị xử phạt vi phạm hành chính theo khoản 1 điều 5 Nghị định 171/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt với mức phạt tiền từ 100.000 – 200.000 đồng.
Luật sư: Nguyễn Thanh Hà(Công ty luật S&B)