Thảm nạn cao tốc Hà Nội

Vụ tai nạn nghiêm trọng giữa xe Innova 7 chỗ và xe đầu kéo xảy ra vào chiều 19/11 trên cao tốc Hà Nội-Thái Nguyên khiến 4 người chết, 6 người bị thương đang nhận được rất nhiều sự quan tâm từ phía dư luận.

Sau khi xảy ra tai nạn, nhiều lái xe cho rằng, một số biển báo ở trên cao tốc nhỏ, do vậy, lái xe không quan sát được đã đi quá lối rẽ và phải lùi hoặc chạy ngược chiều trên cao tốc. Đây cũng là một phần nguyên nhân gây ra các vụ tai nạn giao thông.

Công an xác định xe Innova 7 chỗ đã đi lùi trên cao tốc Hà Nội – Thái Nguyên

Về vấn đề này, trao đổi trên Dân Việt, ông Bùi Đình Tuấn – Giám đốc Công ty Vận hành và Bảo trì đường bộ cao tốc Việt Nam (đơn vị quản lý tuyến cao tốc Hà Nội- Lào Cai) cho hay, tuyến cao tốc được đưa vào khai thác năm 2014. Khi đó, chủ đầu tư đã lắp đặt biển báo chỉ dẫn theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về báo hiệu đường bộ 41/2012.

”Thời điểm này, quy chuẩn nêu trên vẫn đang có hiệu lực, do vậy, chúng tôi phải lắp đặt biển báo chỉ dẫn theo kích thước, cỡ chữ theo quy định. Còn cao tốc Hà Nội- Hải Phòng được đưa vào khác năm 2015.

Lúc này, Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về báo hiệu đường bộ 83/2015 (thay thế quy chuẩn năm 2012) đang có hiệu lực nên chủ đầu tư lắp đặt biển chỉ dẫn theo quy chuẩn này. Cũng do vậy, mà biển báo chỉ dẫn ở tuyến cao tốc Hà Nội- Hải Phòng to và rõ ràng hơn so với các tuyến cao tốc khác”, ông Tuấn giải thích.

Theo ông Tuấn, biển báo chỉ dẫn đường trên tuyến cao tốc Hà Nội- Lào Cai hiện nay đạt chuẩn theo Quy chuẩn năm 2012. Biển báo chỉ dẫn trên tuyến đủ rõ, không gây khó khăn cho lái xe.

”Tuy nhiên, để nhằm phục vụ tốt nhất nhu cầu đi lại của nhân dân, chúng tôi đã báo cáo Bộ GTVT và xin thay thế các biển báo chỉ dẫn trên tuyến theo đúng Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về báo hiệu đường bộ 41/ 2016 (quy chuẩn mới nhất hiện nay). Do kinh phí thay biển báo lớn, nên việc thay biển báo sẽ bắt đầu từ năm 2017 và theo lộ trình”, ông Tuấn nói.

Ngoài ra, ông Nguyễn Xuân Hưng, Cục phó Cục quản lý cao tốc đường bộ cao tốc (Tổng cục đường bộ Việt Nam) cho biết:

”Qua thăm dò từ người dân, thì các biển báo hiện nay trên cao tốc vẫn đảm bảo được thông tin hướng dẫn, chỉ đường, cảnh báo cho lái xe. Hiện tại, chúng tôi cũng đang yêu cầu các chủ đầu tư đường cao tốc cập nhật, thay thế các biển báo cũ theo đúng Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về báo hiệu đường bộ 41/2016 (có hiệu lực từ 1/11).”

Theo ông Hưng, do kinh phí thay biển báo lớn nên chủ đầu tư các tuyến cao tốc sẽ thay thế dần dần và theo lộ trình bắt đầu từ năm 2017.

Mối lo biển báo

Trước đó, từng trao đổi với Đất Việt về việc một số biển báo ở trên cao tốc có kích cỡ nhỏ, khiến lái xe gặp khó khăn khi quan sát, ông Nguyễn Mạnh Thắng – Quản trị viên của diễn đàn OtoFun cho rằng:

Riêng về các loại biển chỉ dẫn trên đường cao tốc hiện nay không đủ to và rõ ràng nên mới khiến cho tài xế khi lái xe với tốc độ cao không quan sát kịp để ra quyết định cũng là một trong những nguyên nhân mất an toàn giao thông.

“Ở Việt Nam tôi quan sát chỉ có tuyến cao tốc Hà Nội – Hải Phòng là tuyến mà các biển chỉ dẫn đạt chuẩn, còn lại từ Nội Bài – Lào Cao, Đại lộ Thăng Long, Pháp Vân – Cầu giẽ – Ninh Bình hay Cao tốc Trung Lương…đều chưa đạt chuẩn. Các biển báo thường nhỏ và thiếu rõ ràng.

Thậm chí, chưa đồng nhất cách đặt tên cho các lối ra vào đường cao tốc, việc này khiến cho tài xế luôn phải nhớ xem tuyến này thì học đánh dấu là gì và tuyến kia đánh dấu là gì.

Lấy ví dụ: tuyến Nội Bài – Lào Cai thường lấy tên kỹ thuật (IC4; IC6…) trong khi đó thì người dân thường suy nghĩ là mình đi đến địa danh nào để chọn lối xuống. Rất nhiều lần tôi đã sai khi đi Yên Bái và phải đi thêm khá xa để quay lại vì nút ra Yên Bái lại ghi là Văn Phú IC12 chứ tuyệt nhiên không có chữ Yên Bái nào cả.

Điều này cũng khiến tài xế dẫn dễ nhầm và đi quá. Nếu ngại đi rất xa để quay lại và với ý thức tuỳ tiện, lái xe hoàn toàn chọn giải pháp là quay đầu xe đi ngược hoặc lùi xe để quay lại lối rẽ”, ông Thắng nói thêm.

Theo ông Thắng, việc đặt biển chỉ dẫn rất quan trọng, vì đường cao tốc xe chạy vận tốc 120km/h, khoảng cách phanh an toàn phải là 100m, vậy thì biển báo phải làm to, đọc rõ ràng từ ít nhất 100m và lặp lại ít nhất 3 lần. Phải làm các biển lớn căng ngang đường trên cao chứ không thể là biển cắm ven đường lại còn bị che khuất bởi cây cối hoặc xe Container.

Ngày 21/11, Cơ quan điều tra Công an huyện Phổ Yên (tỉnh Thái Nguyên) đã khởi tố vụ án tai nạn giao thông nghiêm trọng xảy ra trên cao tốc Hà Nội- Thái Nguyên, đồng thời ra lệnh bắt khẩn cấp lái xe Innova Ngô Văn Sơn (38 tuổi), trú tại xã Trung Nghĩa, huyện Yên Phong, Bắc Ninh để làm rõ.

Dựa vào kết quả thực nghiệm điều tra hiện trường ngày 20/11, kết hợp lấy lời khai các nhân chứng, cơ quan Công an xác định xe Innova 7 chỗ đã đi lùi trên cao tốc do đi quá đường rẽ vào cầu vượt khoảng 100m. Vì vậy lái xe xe container đi phía sau đã không kịp xử lý do khoảng cách quá gần.

Tiền Hải