Hiện nay, khi lưu thông trên các tuyến đường bộ, người tham gia giao thông không chỉ căng thẳng vì áp lực giao thông mà còn phải hết sức chú ý quan sát các biển báo, đèn tín hiệu. Đi thế nào cho đúng luật, tránh bị phạt oan, bảo đảm an toàn cho các phương tiện khác, khi hệ thống biển báo, vạch kẻ đường, đèn tín hiệu giao thông như những “chiếc bẫy” giăng khắp trên đường, là điều không dễ dàng đối với nhiều người tham gia giao thông.
Những biển báo giao thông bố trí kiểu này gây khó cho người tham gia giao thông.
Biển báo “bẫy” lái xe
Biển báo cắm khuất tầm nhìn, biển báo chữ quá nhỏ, gây khó hiểu, san sát nhau, cái nọ che cái kia, bị cột điện, cây cối che khuất tầm nhìn là những bất cập dễ nhận thấy nhất trong hệ thống biển báo giao thông đường bộ ở Việt Nam. Tuy trong năm 2016, theo yêu cầu của Tổng cục Đường bộ Việt Nam (Bộ Giao thông vận tải), trên cả nước đã dỡ bỏ hơn 3.200 biển báo bất hợp lý, nhưng kết quả xử lý này chưa thể giải quyết triệt để. Ngay trên địa bàn Hà Nội, vẫn còn tình trạng đặt biển báo “đánh đố” người đi đường. Biển nối biển, diễn giải khó hiểu cũng đang làm hạn chế khả năng nhận biết của một bộ phận người tham gia giao thông. Đơn cử trên quốc lộ 5, hướng từ cầu Thanh Trì tới ngã tư Sài Đồng (quận Long Biên) có phân làn phần đường cho xe con trong cùng bên trái, xe tải ở giữa. Tuy nhiên khi đến gần các ngã tư, biển báo phân làn dành cho từng phương tiện sẽ hết hiệu lực và phải chấp hành theo biển báo cũng như vạch kẻ đường phân hướng đi thẳng hoặc rẽ trái, phải nối tiếp sau đó. Vì vậy, nếu xe nào muốn đi thẳng mà “lạng” vào làn giữa quá sớm hoặc ngược lại sẽ bị cảnh sát giao thông (CSGT) đứng chặn phía sau “vẫy” vào. Đây cũng là lỗi vi phạm đang gây nhiều tranh cãi nhất giữa lái xe và CSGT do trong nhiều trường hợp, vì lý do bất khả kháng, phương tiện không thể tuân thủ quy định của biển báo, bị vi phạm hoặc bắt lỗi oan.
Theo ghi nhận của chúng tôi, tại một số tuyến đường cao tốc có rất nhiều loại biển báo, kích thước to nhỏ, cao thấp khác nhau, cái treo trên đầu, cái cắm bên phải, cái để bên trái không có quy chuẩn nào, khoảng cách cắm biển cảnh báo tốc độ cho phép hiện nay cũng chưa phù hợp để lái xe kịp điều chỉnh tốc độ theo quy định. Từng gặp tình huống nguy hiểm trên đường cao tốc Hà Nội – Ninh Bình do cách đặt biển báo bất hợp lý, anh Phạm Xuân Bằng, một lái xe bày tỏ thái độ bức xúc: Một lần đang bon bon chạy xe với tốc độ 120 km/giờ theo quy định và lưu thông ở làn trong cùng trên tuyến cao tốc, anh bỗng giật mình, đạp phanh cháy đường để giảm tốc vì bỗng phát hiện thấy biển báo hạn chế tốc độ 80 km/giờ rồi xuống 60 km/giờ cắm ngay bên phải gần lối rẽ vào trạm dừng nghỉ. Do chưa quen đường, thoáng nhìn cứ nghĩ đây là biển hạn chế tốc độ áp dụng cho tất cả các làn xe, vì sợ chạy quá tốc độ nên anh đã đạp mạnh phanh theo quán tính để giảm tốc đột ngột, suýt nữa bị xe phía sau tông vào đuôi. Cũng theo anh Bằng, việc cắm biển hạn chế tốc độ trên tuyến cao tốc này quá sát vị trí có hiệu lực tại gần trạm soát vé ở đầu và cuối tuyến, khiến nhiều lái xe chưa quen đường, vô tình vi phạm lỗi quá tốc độ do không kịp giảm tốc độ xuống 80 km/giờ ngay lập tức.
Tình trạng biển báo hiệu đường bộ bất hợp lý trong một số trường hợp không chỉ “ép” người tham gia giao thông vi phạm những lỗi oái oăm, mà còn là nguyên nhân gây ra ùn tắc, tai nạn giao thông. Nhiều ý kiến bức xúc cho rằng, Nhà nước đã bỏ ra hàng nghìn tỷ đồng để đầu tư, xây dựng, cải tạo hạ tầng đường bộ, nhưng lại bố trí hệ thống biển báo, phần đường chưa phù hợp, không ăn khớp với nhau, khiến công trình giao thông không phát huy được hiệu quả, giảm khả năng khai thác và gây lãng phí tiền của, thậm chí là kẽ hở để một bộ phận trong lực lượng chức năng có hành vi tiêu cực, nhũng nhiễu. Vì vậy, các đơn vị vận hành và quản lý các tuyến đường cần sớm kiểm tra, rà soát, bố trí lại cự ly cắm biển hạn chế tốc độ hợp lý, có những chỉ dẫn cụ thể để tránh gây khó cho lái xe, nhất là những người chưa quen đường. Mặt khác, cần tăng kích thước một số loại biển báo trên những tuyến cao tốc cho phép chạy tốc độ cao từ 100 đến 120 km/giờ để lái xe quan sát tốt từ xa và nên có thêm biển chỉ dẫn sớm, thông báo cự ly đến vị trí cần giảm tốc độ còn bao xa để họ chủ động, xử lý kịp thời.
Phó Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô-tô Việt Nam Thân Văn Thanh, một chuyên gia về lĩnh vực an toàn giao thông nhận định, việc đặt chu kỳ thời gian đèn tín hiệu giao thông cố định chỉ được chấp nhận khi mật độ giao thông còn thấp, ít thay đổi. Khi lưu lượng phương tiện tăng lên, cơ quan chức năng cần phải rà soát và căn chỉnh lại chu kỳ đèn tín hiệu, dựa trên điều kiện thực tế của từng hướng đi tại các nút giao thông. Do đó, nếu mật độ giao thông tại một khu vực có những thay đổi, chuyển biến theo từng thời kỳ, thì việc duy trì chu kỳ đèn tín hiệu cố định từ năm này qua năm khác là không phù hợp. Khi đó, đèn tín hiệu giao thông không những không thực hiện được đúng chức năng định hướng, phân luồng mà còn là một phần nguyên nhân gây ùn tắc, làm hỗn loạn giao thông. Ngoài ra, phương án phân làn phương tiện được kỳ vọng góp phần ổn định trật tự giao thông, hạn chế ùn tắc nhưng cách thức triển khai thiếu đồng bộ, chưa thường xuyên, liên tục để tạo thành thói quen của người tham gia giao thông, gây phản tác dụng, không đạt hiệu quả như mong muốn. Để giải quyết những bất cập về hệ thống biển báo, đèn tín hiệu giao thông, cơ quan quản lý cần xây dựng một bộ quy chuẩn, tiêu chuẩn cụ thể, có sự tính toán, điều chỉnh phù hợp sự biến động nhu cầu giao thông từng thời điểm. Cùng với đó, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan quản lý hạ tầng giao thông là Sở Giao thông vận tải (GTVT) và lực lượng CSGT có nhiệm vụ thực thi, cưỡng chế, xử phạt những hành vi vi phạm giao thông.