Nhưng từ một chủ trương đúng, cơ quan tham mưu và quản lý là Sở GTVT TPHCM lại bộc lộ nhiều thiếu sót, không bám sát thực tiễn, tạo ra nhiều bất cập trong công tác thực thi.
Tăng giờ cấm để giảm ùn tắc
Từ ngày 1-8, Quyết định về định hạn chế và cấp phép ôtô tải lưu thông trong khu vực nội đô TPHCM (Quyết định 23) của UBND TPHCM về hạn chế và cấp phép ô tô chở hàng, ô tô tải lưu thông trong khu vực nội đô TPHCM vào khung giờ cao điểm đã chính thức có hiệu lực.
Thực hiện theo chỉ đạo của UBND TPHCM, Sở GTVT sẽ tổ chức cấm xe tải nhẹ từ 0,5-2,5 tấn lưu thông vào nội đô thành phố trong khung giờ từ 6- 9h và từ 16-20h, xe tải nặng (trên 2,5 tấn) bị cấm từ 6-22h hàng ngày.
Theo đó, các đoạn đường cấm theo quyết định mới như sau: Hướng Bắc và Tây là đường Quốc lộ 1 (đoạn từ giao lộ Quốc lộ 1 – Xa Lộ Hà Nội đến giao lộ Quốc lộ 1 – đường Nguyễn Văn Linh); hướng Đông là Xa Lộ Hà Nội (đoạn từ giao lộ Quốc lộ 1 – Xa Lộ Hà Nội đến nút giao Cát Lái) – Mai Chí Thọ – Đồng Văn Cống (đến đường Võ Chí Công); hướng Nam là đường Võ Chí Công (từ Đồng Văn Cống đến cầu Phú Mỹ) – cầu Phú Mỹ – đường Trên cao (từ cầu Phú Mỹ đến nút giao Khu A Nam Sài Gòn) – đường Nguyễn Văn Linh (đoạn từ nút giao Khu A Nam Sài Gòn đến Quốc lộ 1). Ngoài những đoạn bị cấm này, các phương tiện vận chuyển hàng hóa vẫn được lưu thông bình thường ở các tuyến đường khác (không có biển báo cấm) trong nội đô.
Trong quyết định mới, thành phố cũng bãi bỏ hàng loạt giấy tờ khi làm hồ sơ cấp phép cho các loại xe đi vào giờ cấm (do Sở Giao thông Vận tải TPHCM cấp) như: Giấy CMND, ủy quyền, chứng nhận đăng kiểm, đăng ký kinh doanh.
Riêng với xe quá tải, quá khổ, siêu trường, siêu trọng, xe đi vào đường cấm… thì không bỏ các loại giấy tờ này. Đồng thời, để tăng hiệu quả quản lý, các xe được cấp phép phải gắn hộp đen giám sát hành trình để truyền dữ liệu liên tục, ổn định về Sở Giao thông thành phố nhằm kiểm soát thời gian, lộ trình di chuyển…
Quy định này được xem là giải pháp hữu hiệu của để kéo giảm tình trạng ùn tắc và tai nạn giao thông ở các tuyến đường nội đô, nơi có đông dân cư sinh sống của TPHCM. Trong những ngày đầu cấm xe tải vào khung giờ nhất định, nếu có xe tải nào vi phạm quy định, cơ quan chức năng sẽ không xử phạt mà chỉ nhắc nhở. Sau thời gian đầu nhắc nhở, xe nào vi phạm, CSGT sẽ xử phạt theo quy định.
Dẫu vậy, ngay từ thời gian đầu triển khai quy định này, đã có một số bất cập xảy đến khiến cánh tài xế, doanh nghiệp vận tải không hài lòng và phần nào đó gây khó cho lực lượng chấp pháp trong công tác kiểm tra, xử lý.
Quyết định ký rồi, biển báo còn “lửng lơ”
Mặc dù quyết định 23 của UBND TP đã được phê duyệt từ ngày 19-7 song cho tới khi nó chính thức có hiệu lực (ngày 1-8) thì công tác khảo sát, cắm bảng thông báo tại các tuyến đường vành đai dẫn vào khu vực nội đô và khu vực có đông dân cư vẫn chưa thực hiện đồng bộ.
Trong ngày 4-8, phóng viên Báo CATP đã có mặt tại tuyến đường Đồng Văn Cống (đoạn từ giao lộ với Mai Chí Thọ dẫn vào khu vực trung tâm hành chính Q2) để ghi nhận.
Tại các tuyến đường nhánh dẫn vào UBND Q.2 như: Bát Nàn, Phan Văn Đáng, Lê Hiến Mai, Nguyễn Thanh Sơn… vẫn chưa xuất hiện những tấm biển báo cấm xe tải lưu thông theo khung giờ quy định.
Việc chậm trễ lắp đặt biển báo này gây ra vô số khó khăn cho cả tài xế lẫn lực lượng chức năng trong vấn đề kiểm tra và xử lý. Theo anh Nguyễn Hữu Phong (35 tuổi, tài xế xe tải, ngụ tỉnh Tiền Giang), vì là tài xế tỉnh lẻ vào đây nên không tài nào xác định được đâu là khu vực được đi và đâu là vực cấm đi.
“Hôm vừa rồi tôi từ đường Đồng Văn Cống quẹo phải vào Phan Văn Đáng thì bị CSGT “tuýt còi” thông báo đi vào giờ cấm. Mặc dù các anh không xử phạt, chỉ nhắc nhở nhưng chắc chắn sẽ có nhiều tài xế ở tỉnh như tôi dính phải lỗi vi phạm này” – anh Phong phản hồi.
Theo quan sát của chúng tôi vào lúc 16 giờ 30 cùng ngày, dù đây là khung giờ cấm các xe tải từ 0,5 tấn đến 2,5 tấn lưu thông, nhưng số lượng xe tải từ đường Đồng Văn Cống rẽ vào các tuyến đường bên trong để vận chuyển hàng hóa vẫn khá nhiều.
Nhiều tài xế khi được chúng tôi đặt câu hỏi mới ngã ngửa hay biết quy định cấm mới được ban hành. Đa số tài xế đều cho rằng, khi tham gia lưu thông trên đường, họ thường chỉ căn cứ vào biển báo được cắm trên đường để quan sát và thực hiện theo, chứ không dựa vào văn bản.
Thực tế đó cho thấy, mặc dù quyết định trên đã được đưa vào thực tiễn những công tác thực hiện của Sở GTVT đã không theo kịp chủ trương. Một cán bộ CSGT Q2 nói: “Từ ngày Quyết định 23 chính thức có hiệu lực, dù chúng tôi rất muốn xử lý triệt để, thế nhưng đến nay vì hệ thống biển báo chưa đáp ứng kịp nên công tác kiểm tra, xử lý mới chỉ dừng lại ở việc nhắc nhở và… nhắc nhở”.
Vẫn còn lấn cấn
Đúng như dự tính, trong ngày đầu lệnh cấm được áp dụng, nhiều tuyến đường nội đô tại TPHCM đã giảm được tình trạng ùn tắc. Tuy nhiên, sau khoảng 9 giờ, tình trạng giao thông lại đông đúc do số đông phương tiện này bắt đầu tràn ra đường.
Nhưng vẫn còn đó những vướng mắc cần được cơ quan quản lý nhìn thấy để làm tốt hơn. Nhiều doanh nghiệp vận tải, tài xế cho rằng sau khi quy định cấm có hiệu lực, họ gặp phải nhiều khó khăn trong lịch trình vận chuyển.
Anh Trần Thanh Đạm, chủ một đại lý bia tại Bình Dương cho biết: “Thường ngày, khung giờ vận chuyển hàng của doanh nghiệp tôi là đến 8 giờ sáng. Nay các tuyến đường vào nội thành TPHCM bị tăng giờ cấm, khiến việc nhập hàng, vận chuyển bị ảnh hưởng rất lớn”.
Tương tự, anh Nguyễn Văn Đang, chủ một công ty rau sạch, chia sẻ: “Trước đây xe tải chờ hàng dưới 0,5 tấn của tôi lưu thông thoải mái trong nội đô, giờ cấm như vậy rất bất tiện, đòi hỏi chủ doanh nghiệp phải thay đổi lịch trình rất nhiều”.
Theo nhiều CSGT, quy định cấm theo giờ đối với phương tiện xe tải dưới 0,5 tấn cũng để lại nhiều “lấn cấn”. Bởi trước đây, theo quy định cũ, loại xe tải này được lưu thông không hạn chế trong nội thành. Khâu vận chuyển những hàng hóa như vật liệu xây dựng, gia dụng, đồ ăn cũng sử dụng loại xe này. Nay theo Quyết định 23, loại phương tiện này bị cấm lưu thông từ từ 6- 9h sáng và từ 16-20h tối.
Như vậy, bước đầu có thể thấy, tình trạng ùn tắc sẽ giảm rõ rệt nhưng việc vận chuyển hàng hóa trong nội đô sẽ bị “chững” lại phần nào.
“Nguồn hàng hóa nội thành chắc chắn cần lượng vận tải rất lớn. Trước đây, nhiều doanh nghiệp và tài xế xử dụng loại xe tải “siêu nhỏ” dưới 0,5 tấn để giải quyết việc vận chuyển, không bị cấm. Nhưng nay loại phương tiện này bị cấm theo giờ, phần nào tác động đến việc lưu thông hàng hóa trong nội thành. Đó cũng là một vấn đề chúng ta cần phải tính đến để làm sao quyết định này đạt được hiệu quả cao nhất, đồng thời thấu tình đạt lý” – một CSGT kiến nghị.
Tài xế phớt lờ
Ghi nhận thực tế của chúng tôi cũng cho thấy, mặc dù đa phần tài xế thực hiện rất tốt quy định mới nhưng vẫn còn đó tình trạng phớt lờ biển báo cấm tại một số tuyến đường.
Tại giao lộ Nam Hòa – Song hành Xa lộ Hà Nội (Q9, TP.HCM), chỉ trong khoảng từ 16 giờ đến 16 giờ 30 ngày 4-8, ống kính phóng viên đã ghi nhận hàng chục phương tiện cố tình vi phạm quyết định mới của UBND TPHCM. “Anh có thấy biển báo cấm không?” – phóng viên hỏi một tài xế vi phạm. Anh này trả lời: “Thấy chứ, nhưng thú thật là tôi ngày nào cũng chở hàng qua đoạn này, giờ cấm biết “lủi” đi đâu”.
Cùng thời điểm, tại đoạn đường Đỗ Xuân Hợp (Q9, TPHCM), xe đầu kéo BS: 51C – 728… ngang nhiên rẽ vào từ đường Đỗ Xuân dù ngay đầu giao lộ đã có biển báo. Bên trong tuyến đường này, từng đoàn xe tải nối đuôi nhau chạy ầm ầm, khiến nhiều người đi đường hoảng hốt tránh né. “Ẩu quá! Có biển báo cấm xe tải chạy trong khung giờ này mà mấy ông tài xế còn bất chấp như thế” – anh Hùng, một người đi đường, bức xúc.
Đức Nam (ghi)
Chị Võ Ngọc Quỳnh Như (sinh viên trường Đại học Hutech):
Nhờ chính quyền thành phố tăng thêm giờ cấm đối với xe tải mà mấy ngày nay đi học vào giờ cao điểm, tôi không còn gặp cảnh ùn tắc, kẹt xe. Bình thường tuyến đường từ cầu Bình Triệu (Q.Thủ Đức) lên đến Bến xe Miền Đông vào buổi sáng kẹt xe kinh khủng, nhưng nay đã giảm rõ. Việc bố trí các xe tải đi vào khung giờ khác, hạn chế vào nội đô như vậy là rất hợp lý. Nhưng cũng mong cơ quan quản lý có tính toán để các tài xế, hãng vận tải có cách vận chuyển hàng hóa thông suốt, phục vụ cho kinh tế của thành phố.