Bẻ hoa Đà Lạt vì không có biển cấm: Chứng minh ngược

Vụ việc bà Phạm Thị Minh Hiếu, Phó Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Bình Thuận bị tố cáo cầm hoa mai anh đào bẻ ở hồ Tuyền Lâm, Đà Lạt vẫn đang rất thu hút sự chú ý của dư luận.

Trong buổi giải trình với cán bộ công chức nơi mình công tác mới đây, bà Hiếu một lần nữa khẳng định tài xế bẻ hoa rồi đưa cho bà cầm để chụp ảnh.

Đặc biệt, bà Hiếu đề nghị công chức trong cơ quan không nên suy nghĩ tiêu cực là bà có lỗi phải điều tra, kỷ luật gì cả, vì ở đây không có biển cấm hái, cấm bẻ hoa, và đây là một chuyện rất nhỏ.

Bà Phạm Thị Minh Hiếu

“Sự việc có ồn ào, tuy nhiên nói cho nó rõ ràng là khu vực đó không có biển cấm hái, cấm bẻ, cấm thăm, cấm viếng gì cả. Báo chí cũng muốn quy chụp cho tôi vào cái việc đó rồi nói thế này thế nọ”, bà Hiếu khẳng định.

Chiều 9/3, trao đổi với Đất Việt, ông Nguyễn Ngọc Hai, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận cho biết đang công tác tại Hà Nội. Tuy nhiên ông đã nắm được sự việc và chỉ đạo các ban, ngành tại địa phương làm rõ.

“Anh em đang họp và xử lý việc này”, ông Hai khẳng định.

Trong khi đó, chia sẻ thêm với ĐấtViệt, nhiều chuyên gia sinh vật cảnh không thật sự bằng lòng với phát ngôn trên của bà Phạm Thị Minh Hiếu.

Nhà nghiên cứu Sinh vật cảnh Lê Quang Khang, Ủy viên BCH Hội Sinh vật cảnh thành phố Hà Nội khóa V cho biết ông không đồng tình với phát biểu của bà Hiếu.

Theo ông Khang, vị nữ Phó Giám đốc Sở khẳng định, tại khu vực hồ Tuyền Lâm không có biển cấm hái, cấm bẻ, cấm thăm, cấm viếng. Tuy nhiên những hình ảnh ông xem được thì có tấm biển rất lớn với nội dung: “Nghiêm cấm chặt, phá, bẻ cây hoa anh đào, cấm chăn thả trâu bò”.

Ông Khang cho rằng, ngay cả trong trường hợp không có tấm biển cấm thì bất cứ ai, kể cả người dân hay cán bộ, lãnh đạo cũng không được tùy tiện bẻ cành, hái hoa.

“Theo tôi việc bẻ hoa anh đào là hành động vô văn hóa rất đáng lên án. Không có biển cấm cũng không được phép bẻ cành, ngắt hoa. Cái gì là tài sản của mình thì mới được lấy mang về. Còn ở đây hoa anh đào là của chung ở nơi công cộng, để toàn dân thưởng thức. Dù có viện lý do yêu hoa hay mê hoa thì việc lấy mang về nhà cũng là sai lầm. Nếu thật sự có tâm thì có thể tự trồng hoa hoặc mua về nhà để trồng.

Trường hợp này cũng giống như việc tiểu bậy. Đâu phải chỗ nào cũng cần cắm biển đâu. Tuy nhiên người dân vẫn phải chấp hành. Đó là nét văn hóa tối thiểu của một con người”, ông Khang nói.

Trong khi đó, theo nhận định của ông Hoàng Xuân Trường, Chủ tịch Hội Sinh vật cảnh thị xã Sơn Tây (Hà Nội) việc ban quản lý hồ Tuyền Lâm mang hoa anh đào từ Nhật về trồng, đưa vào triển lãm thì người dân không nên bẻ.

Thậm chí, từ hồi bé đã có bài hát “Ra chơi vườn hoa” với lời kêu gọi đừng hái hoa, vườn hoa là của chung. Do vậy với bất cứ ai, ở khu vực công cộng mà bẻ hoa thì đó là hành vi không văn hóa.

Ông Trường chia sẻ, bản thân ông và các hội viên thường xuyên tổ chức các cuộc triển lãm. Và tình trạng người dân đến thăm quan rồi lấy đồ mang về không phải hiếm.

“Chúng tôi tổ chức các cuộc triển lãm thì cũng gặp nhiều tình trạng tương tự. Những cây khế, hoa quả đem đi triển lãm lúc đầu rất nhiều nhưng khi về chỉ còn mấy quả. Cán bộ thì lại càng phải gương mẫu trong việc giữ gìn không nên bẻ.

Tuy nhiên tôi cho rằng nếu ai đó quay được cảnh bà Hiếu bẻ hoa thì đó mới là quan trọng. Còn giờ bà Hiếu cầm bó hoa thì chưa xác định được rõ ràng. Biết đâu bà ấy bẻ thật nhưng giờ lại bảo lái xe nhận hộ thì sao?”, ông Trường nói.

Phát biểu bất nhất

Một vấn đề khác được nghiên cứu Sinh vật cảnh Lê Quang Khang nhắc đến là phát biểu bất nhất của bà Phạm Thị Minh Hiếu về bó hoa anh đào cầm trên tay để chụp ảnh.

Theo ông Khang, đầu tiên bà Hiếu nói, cành hoa bà cầm để chụp ảnh trước đó đã bị gãy, người tài xế đã bẻ đưa cho bà.

Mới đây, vị lãnh đạo lại giải thích, có một cành đào lớn sà xuống đất, thấy hoa đẹp quá, bà ôm lấy chụp hình, thì người tài xế lái xe đề nghị bẻ cho bà.

“Chỉ 2-3 ngày mà giải thích khác nhau như vậy thì rõ ràng là tiền hậu bất nhất. Cần phải xem lại việc này. Nói như vậy thì làm sao lãnh đạo được cấp dưới.

Theo tôi tuy bẻ hoa là hành động nhỏ nhưng rất nghiêm trọng. Ở đây cao hơn không chỉ là vật chất mà cành hoa đào còn là những nét đẹp văn hóa, nét đẹp cảnh quan, quê hương đất nước.

Tôi đi nhiều nơi thì thấy rất rõ, có khi đồ đạc được bầy ở khắp nơi nhưng không phải của mình thì người ta không ai lấy”, ông Khang khẳng định.

Nhà sinh vật cảnh cho rằng, hiện nay nhiều vị lãnh đạo sau khi mắc sai lầm thường quanh co, đùn đẩy trách nhiệm, thậm chí là nói dối. Trường hợp gần đây nhất là việc xe taxi cán gãy chân 1 em học sinh ở Nam Trung Yên, Cầu Giấy, Hà Nội. Cô Hiệu trưởng và hiệu phó dù đã đi xe ôtô vào trường, gây ra vụ tai nạn nhưng tìm nhiều lý do để chối tội, gian dối và sau cùng đã bị xử lý.

“Việc cán bộ không gương mẫu thì phải xử lý nghiêm để tạo tính răn đe”, ông Khang nhấn mạnh.

Theo Hà Nam (báo Đất Việt)