Phân bằng lái xe thành 17 hạng

( Bài viết Ý Kiến không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.)

Mấy ngày gần đây xôn xao việc Dự thảo Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) chia giấy phép lái xe ra thành 17 hạng khác nhau thay vì 13 hạng, tôi là một người gắn bó với công tác đào tạo và sát hạch hơn 10 năm nay và thấy thực sự điều này không hiệu quả và gây rắc rối rất lớn.

Giấy phép lái xe (GPLX) hạng A0 – quy định cấp cho người lái xe máy (kể cả xe máy điện) có dung tích xylanh dưới 50 cc hoặc có công suất động cơ điện không vượt quá 4 kW. Người điều khiển loại xe này phải đủ 16 tuổi trở lên.

Điều này được đưa ra nhằm mục đích giảm thiểu tai nạn giao thông, nâng cao ý thức của người điểu khiển xe máy (chủ yếu là học sinh) – có tác dụng tới đâu? Điều gì bảo đảm rằng các cháu nhỏ cầm cái GPLX trên tay sẽ chạy xe đàng hoàng, đúng luật?

Trong khi điều kiện để thiết lập ý thức là xử phạt mạnh tay và công bằng. Em nhỏ nào không đội nón bảo hiểm, lạng lách, đánh võng, bốc đầu, đua xe… bị phạt hành chính, giam xe cũng như bắt viết cam kết với gia đình và nhà trường.

Tái phạm thì xử nặng gấp 5-10 lần coi có sợ không? Chứ GPLX đâu phải thuốc tiên mà từ một đứa bé vô ý thức khi tham gia giao thông – thi đậu và cầm một cái GPLX A0 lại chịu đi chấp hành.

Chưa kể, quy định trước đây về việc điều khiển xe máy (dưới 50 cc) không cần có GPLX là còn thể hiện sự nhân văn, cho những người không đủ trình độ để học và thi đậu được GPLX hạng A1 hoặc không đủ điều kiện sức khoẻ để tham gia thi GPLX A1 để chạy xe trên 50 cc. Nếu có nhu cầu đi lại, họ vẫn hoàn toàn được di chuyển hợp pháp với xe nhỏ dưới 50 cc.

Tuy nước ta đã phổ cập xong giáo dục tiểu học, nhưng cũng không ít người lớn tuổi, người ở vùng sâu vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, không đủ trình độ để tham gia thi (mà không tiêu cực) đậu hạng A1.

Hoặc các trường hợp khuyết tật (đi khám sức khoẻ không đạt yêu cầu thi GPLX A1) như thiếu ngón tay, mắt bị loạn, lé, lác, chân bị thọt, hay thậm chí bị mù màu… nhưng họ vẫn cần mưu sinh, cần chủ động di chuyển – quy định cũ cho họ được lái xe dưới 50 cc là hợp pháp và chính đáng.

Quy định sẽ ảnh hưởng tới chính các hãng xe máy điện – chẳng hạn các xe máy điện công suất 1.200W. Nếu áp theo phân hạng thì sẽ bắt buộc người sử dụng phải cần thi GPLX A0 – trong khi những người dùng xe máy điện đã phải chịu những chế tài của Luật giao thông đường bộ khác như vận tốc quy định không được chạy quá 40 km/h, bị cấm ở một vài tuyến đường.

Điều này sẽ ảnh hưởng lớn đến lựa chọn của khách hàng khi có ý định mua xe máy điện – làm bao nhiêu tính toán kinh doanh đổ bể. Nếu thiết kế các phần thi sát hạch hạng A0 đơn giản – dễ dàng thì có đảm bảo sát hạch chuẩn kỹ năng không? Có đảm bảo không phát sinh tiêu cực không?

Hạng A1

GPLX hạng A1 cấp cho người lái xe mô tô hai bánh có dung tích xy lanh từ 50 cm3 đến 125 cm3 hoặc có công suất động cơ điện trên 04 kw đến 11 kw và các loại xe quy định cho giấy phép lái xe hạng A0 – với hạng A1 này không quá phiền phức nhưng vấn đề sẽ phát sinh sau đây.

Nảy sinh như sau: Bản thân người dân đang có GPLX A1 (được điều khiển xe moto hai bánh có dung tích dưới 175 cc) – vì lý do gì đó bị mất hoặc hư hỏng đi xin cấp lại – lúc này sẽ cấp hạng gì?

Nếu cấp hạng A1 – tôi không chấp nhận vì bản thân đang dùng một chiếc xe 150 cc, sử dụng A1 cũ là hợp pháp nhưng nếu dùng A1 mới sẽ vi phạm luật.

Cấp ra được hạng A – như vậy người dân quá lợi (vì sẽ được điều khiển xe mô tô 2 bánh trên 125 cc tới không giới hạn – là tương ứng với hạng A2 hiện hành – trong khi lúc thi chỉ thi A1 – phí rẻ hơn và yêu cầu bài thi dễ hơn).

Mặc dù nguyên tắc của Luật mới là không hồi tố (không xoá bỏ cái cũ – áp dụng song song hai hệ thống GPLX – nhưng như câu hỏi tôi đặt ra thì xử lý như thế nào? Không lẽ rồi cuối cùng lại cấp lại cho người dân đó hạng A1 (ghi chú – loại cũ). Đầy rắc rối và bất tiện. Và theo thống kê sơ bộ – cả nước có khoảng vài chục triệu người đang có GPLX A1.

Thực tế trên thị trường mô tô hai bánh – các nhà sản xuất đã nương theo Luật GTĐB cũ về phân hạng GPLX để sản xuất các phương tiện phù hợp. Có chỉ duy nhất một dòng xe mô tô hai bánh có dung tích 175 cc (w175 kawasaki) – là người dân phải học lên A2, còn không thì lớn hẳn – để thi thẳng A2 hoặc nhỏ hẳn để chỉ cần thi A1 như các dòng Winner, Exciter, Raider, Sh… có dụng tích 150cc. Bây giờ nảy ra hạng A1 thì không đc chạy quá 125cc, thì bắt buộc những hãng xe phải thay đổi công suất cho phù hợp còn người dân thì phải thi tới hạng A mới được đi đúng luật.

Cách vận hành một chiếc mô tô trên 125 cc và một chiếc mô tô 1.000 cc là khác biệt hoàn toàn. Không thể đánh đồng rồi bắt người dân thi hạng A2 chỉ để chạy mấy chiếc 150 cc. Vì: Bài thi sát hạch hạng A2 hiện tại là phải chạy xe môtô côn tay 250 cc, nên quá vô lý khi một người chỉ có nhu cầu chạy SH150 (là xe tay ga) phải vượt qua bài thi này.

Đánh đồng sự khác biệt giữa cách vận hành, gia tốc, kỹ năng của một chiếc xe 150 cc với những chiếc 1000 cc, thậm chí 1.200 cc hay 1.800 cc vô chung một loại là rất khó hiểu. (Chẳng xe nhỏ nào dưới 150cc cần ôm cua hạ trọng tâm, không có xe nhỏ 150cc nào cần sử dụng đánh lái nghịch. Nhưng lên những chiếc 400cc trở đi, đó lại là những kỹ năng sống còn).