Quyết định giám đốc thẩm 45/2013/DS

Ngày 23-5-2013, tại trụ sở Toà án nhân dân tối cao mở phiên tòa giám đốc thẩm, xét xử vụ án dân sự Tranh chấp về thừa kế tài sản giữa các đương sự là:

Chị Nguyễn Thị Dạ Thảo sinh năm 1971; trú tại ấp Thới, xã Đông Hòa, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang;

Chị Nguyễn Thị Thu Nguyệt sinh năm 1972; trú tại 97/7 Lê Thị Hồng Gấm, phường 6, thành phố Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang;

Chị Nguyễn Thị Nguyệt Hồng sinh năm 1973; trú tại ấp Hội, xã Kim Sơn, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang.

Người đại diện của chị Nguyệt, chị Hồng là chị Nguyễn Thị Dạ Thảo (văn bản ủy quyền ngày 27-02-2011).

Ông Phạm Trọng Nghĩa sinh năm 1948; định cư tại 34 Shepley Cres Burton 5110, Australia

Tạm trú tại 445/1 ấp Hội, xã Kim Sơn, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang. Ông Nghĩa ủy quyền cho ông Lao Bình Lưu đại diện (Văn bản ủy quyền ngày 22-9-2008)

Cụ Nguyễn Thị Ngọc Châu sinh năm 1956; trú tại ấp Mỹ, xã Kim Sơn, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang.

Chị Phạm Thị Vân Anh sinh năm 1962; định cư tại 5A Fife Street Woodville South 5011 SA Australia;

Anh Phạm Minh Trí sinh năm 1970; định cư tại 57 General Drive Paralowie 5108 SA Australia.

Vợ chồng cụ Nguyễn Thị Tơ (chết năm 2007) và cụ Phạm Văn Đang (chết năm 1957) có 2 người con chung là ông Phạm Trọng Nghĩa và bà Phạm Thị Tú Anh (chết năm 1982). Bà Tú Anh có 5 người con là chị Phạm Thị Vân Anh, anh Phạm Minh Trí, chị Nguyễn Thị Thu Nguyệt, chị Nguyễn Thị Nguyệt Hồng và chị (Nguyễn Thị Dạ Thảo).

Sinh thời, cụ Tơ tạo lập được các tài sản tại ấp Hội, xã Kim Sơn, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang, hiện do ông Nghĩa và bà Châu quản lý gồm: Căn nhà số 445/1 trên diện tích đất 198,5m 2 thuộc thửa đất 3259 theo giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số 821725 ngày 27-12-2004; 5 thửa đất gồm thửa số 2528 diện tích 1.870m 2, thửa 2532 diện tích 2.880m 2, thửa 2531 diện tích 1.800m 2, thửa 3259 diện tích 240m 2 và thửa 2534 diện tích 1.941m 2.

Ngày 10-6-1996, cụ Tơ lập di chúc để lại toàn bộ tài sản trên cho các chị nên các chị yêu cầu được thừa kế theo đi chúc trên, không yêu cầu thừa kế căn nhà. Ngày 7-6-2010, các chị thay đổi không yêu cầu chia thừa kế thửa đất số 3259 diện tích là 240m 2.

Do toàn bộ tài sản trên ông Phạm Trọng Nghĩa và cụ Nguyễn Thị Ngọc Châu quản lý nên các chị yêu cầu ông Nghĩa, cụ Châu giao đất cho các chị theo di chúc của cụ Tơ.

Bị đơn là ông Phạm Trọng Nghĩa trình bày: Cụ Nguyễn Thị Tơ (là mẹ của ông) có 12.508,5m 2 đất vườn và đất thổ cư cùng một căn nhà tại số 445/1 ấp Hội, xã Kim Sơn, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang. Cụ Tơ đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Ngày 16-8-2005, cụ Tơ lập di chúc để lại cho ông ngôi nhà gắn với quyền sử dụng đất là 198,5m 2 tại thửa số 3259. Năm 2006, cụ Tơ có chuyển nhượng cho cụ Châu là 6.810m 2 đất tại các thửa 2528, 2531, 2534, 3259 nên ông không chấp nhận yêu cầu của các nguyên đơn (Biên bản hòa giải tại xã ông Nghĩa khai ông nhờ cụ Châu đứng tên; Tại phiên tòa phúc thẩm ông Nghĩa khai không có việc chuyển nhượng mà ông nhờ cụ Châu đứng tên hộ).

Tại Bản án dân sự sơ thẩm số 19/2010/DSST ngày 21-9-2010, Tòa án nhân dân tỉnh Tiền Giang quyết định:

Chia cho chị Thảo, chị Nguyệt, chị Hồng được hưởng thừa kê là 1.870m 2 tại thửa 2528; 2.880m 2 tại thửa 2532; 1800m 2tại thửa 2531; 2941m 2 tại thửa 2534 và toàn bộ số cây trồng trên đất có sơ đồ kèm theo (trừ diện tích phần mộ 66 m 2).

Chị Thảo, chị Nguyệt, chị Hồng liên đới hoàn trả giá trị cây trồng trên đất cho ông Nghĩa và cụ Châu 98.754.000 đồng và giá trị hàng rào 29.713.536 đồng.

Hủy các hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất giữa cụ Tơ và cụ Châu tại các thửa 2534, 2531, 2528 lập ngày 9-11-2006. Đề nghị UBND huyện Châu Thành thu hồi giấy chứng nhận đã cấp cho cụ Châu.

Ngày 28-9-2010, ông Nghĩa, cụ Châu kháng cáo yêu cầu hủy bản án sơ thẩm vì cho rằng án sơ thẩm giao ông Nghĩa quản lý khu mộ nhưng không có lối đi và không giải quyết phần nhà phía sau do ông xây dựng thêm sau khi tranh chấp có diện tích 140m 2 là không đúng.

Tại Bản án dân sự phúc thẩm số 40/2011/DSPT ngày 28-02-2011, Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại thành phố Hồ Chí Minh sửa án sơ thẩm như sau:

Chia cho chị Thảo, chị Nguyệt, chị Hồng cùng được hưởng di sản thừa kế của cụ Tơ theo các di chúc ngày 25-5-1996 và ngày 10-6-1996 là quyền sử dụng đất tại các thửa số 2528 có diện tích 1870m 2 (đo thực tế là 1620,1m 2), thửa số 2532 diện tích là2880m 2 (đo thực tế là 3590,4m 2), thửa 2531 diện tích là 1800m 2 (đo thực tế là 1709,7m 2) và thửa số 2534 diện tích là 2941m 2 (đo thực tế là 2779,1m 2) cùng toàn bộ số cây trồng trên đất.

Chị Thảo, chị Nguyệt, chị Hồng có quyền làm thủ tục xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Ghi nhận chị Thảo, chị Nguyệt, chị Hồng tự nguyện giao lại cho ông Nghĩa tạm thời quản lý, sử dụng một phần đất làm lối đi vào khu mộ có kích thước chiều ngang 1,5m, chiều dài 11m từ bức tường sau phần nhà mới xây dựng thêm vào đến giáp ranh đất khu mộ theo “Sơ đồ hiện trạng khu nhà nằm trong phần đất tranh chấp” do Uỷ ban nhân dân xã Kim Sơn lập ngày 15-7-2009; đồng thời giao lại cho ông Nghĩa tạm thời quản lý, sử dụng phần đất có diện tích 140m 2 gắn liền với phần nhà mà ông Nghĩa tự xây dựng thêm sau khi có tranh chấp thuộc thửa 2534 theo “Biên bản về việc yêu cầu ngưng xây dựng nhà trên phần đất tranh chấp” ngày 19-3-2009 của Ủy ban nhân dân xã Kim Sơn để ông Nghĩa được giữ nguyên phần nhà này. Khi nào có đủ điều kiện theo qui định của pháp luật, ông Nghĩa có quyền làm thủ tục xin công nhận quyền sở hữu nhà và quyền sử dụng đất đối với căn nhà và đất được giao tạm thời quản lý, sử dụng.

Chị Thảo, chị Nguyệt, chị Hồng liên đới trả ông Nghĩa, cụ Châu giá trị cây trồng trên đất là 98.754.000 đồng và hoàn trả cho ông Nghĩa giá trị xây dựng tường rào trên khuôn viên đất là 29.713.536 đồng.

Sau khi xét xử phúc thẩm, ngày 16-4-2011 ông Phạm Trọng Nghĩa khiếu nại bản án phúc thẩm.

Tại Quyết định số 93/QĐ/KNGĐT-V5 ngày 10-8-2011, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao kháng nghị Bản án dân sự phúc thẩm số 40/2011/DSPT ngày 28-02-2011 của Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại thành phố Hồ Chí Minh; đề nghị Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao xét xử giám đốc thẩm hủy Bản án dân sự phúc thẩm nêu trên và Bản án dân sự sơ thẩm số 19/2010/DSST ngày 21-9-2010 của Tòa án nhân dân tỉnh Tiền Giang; giao hồ sơ vụ án cho Tòa án nhân dân tỉnh Tiền Giang xét xử lại sơ thẩm theo đúng qui định của pháp luật.

Tại phiên tòa, đại diện Viện kiểm sát nhân dân tối cao đề nghị Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao chấp nhận kháng nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao.

Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án thì các nguyên đơn khởi kiện yêu cầu được thừa kế tài sản của cụ Tơ là quyền sử dụng đất theo các di chúc lập năm 1996 (gồm di chúc không ghi ngày, tháng được Chủ tịch ủy ban nhân dân xã Kim Sơn chứng thực ngày 25-5-1996, di chúc lập ngày 10-6-1996) và không yêu cầu hưởng thừa kế về căn nhà. Còn ông Nghĩa đề nghị công nhận di chúc ngày 16-8-2005 của cụ Tơ, phần đất còn lại là của ông nhờ cụ Châu đứng tên. Cụ Châu lúc đầu khai cụ nhận chuyển nhượng đất của cụ Tơ theo các hợp đồng chuyển nhượng đất và đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nên đất là của cụ, sau đó cụ Châu thừa nhận là chỉ đứng tên hộ ông Nghĩa. Như vậỵ, các đương sự tranh chấp về thừa kế tài sản và tranh chấp về quyền sử dụng đất. Do đó, Tòa án cấp sơ thẩm và Tòa án cấp phúc thẩm giải quyết cả về hai quan hệ pháp luật trong cùng vụ án là có căn cứ và giải quyết triệt để vụ án. Vì vậy, kháng nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao cho rằng phải giải quyết về quan hệ tranh chấp quyền sử dụng đất trước, sau đó mới giải quyết quan hệ tranh chấp về thừa kế tài sản là không cần thiết, làm kéo dài việc tranh chấp của các đương sự.

Về các hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất lập ngày 09-11-2006 thể hiện bên chuyển nhượng là cụ Nguyễn Thị Tơ và bên nhận chuyển nhượng là cụ Nguyễn Thị Ngọc Châu, tuy nhiên theo kết luận giám định số 914 ngày 24-5-2010 của Phân viện Khoa học Hình sự Bộ Công an thì chữ ký “Tơ” mang tên Nguyễn Thị Tơ trong họp đồng không phải là chữ ký của cụ Tơ. Mặt khác, tại phiên tòa phúc thẩm ông Nghĩa và cụ Châu khai các hợp đồng này chỉ là hình thức để cụ Châu đứng tên hộ ông Nghĩa, vì ông Nghĩa đang định cư ở nước ngoài không được công nhận quyền sử dụng đất tại Việt Nam. Thực tế, cụ Châu không nhận chuyển nhượng đất và cũng không thanh toán tiền cho cụ Tơ. Vì vậy, Tòa án cấp sơ thẩm và Tòa án cấp phúc thẩm xác định các hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất giữa cụ Tơ và cụ Châu là hợp đồng giả tạo và hủy các hợp đồng nêu trên là có cơ sở.

Trong thực tế, để định đoạt tài sản của mình, tại xã Kim Sơn, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang cụ Tơ lập 4 di chúc. Trong đó, có 3 bản di chúc lập năm 1996 có nội dung để lại “căn nhà và toàn bộ tài sản ruộng vườn hiện có cho các cháu tôi” là chị Thảo, chị Nguyệt và chị Hồng. Các bản di chúc trên đều có xác nhận của chính quyền địa phương. Cho đến khi chết cụ Tơ không hủy bỏ các di chúc nêu trên và các di chúc trên phù hợp với các qui định của pháp luật tại thời điểm cụ Tơ lập di chúc.

Tuy nhiên, ngày 16-8-2005 tại Phòng công chứng cụ Tơ lại lập di chúc có nội dung cho ông Nghĩa thừa kế căn nhà số 445/1 trên 198,5m 2 đất (thực đo là 288,9m 2) tại ấp Hội, xã Kim Sơn. Di chúc trên có xác nhận của Phòng công chứng và quá trình giải quyết vụ án, các đương sự xác nhận di chúc trên do cụ Tơ tự nguyện lập.

Như vậy, bằng việc lập di chúc ngày 16-8-2005 thi cụ Tơ đã thay đổi một phần di chúc lập năm 1996 (phần căn nhà số 445/1 trên 288,9m 2 đất tại ấp Hội, xã Kim Sơn). Do đó, Tòa án cấp sơ thẩm và Tòa án cấp phúc thẩm xác định di chúc 1996 của cụ Tơ hợp pháp đối với các phần đất và di chúc ngày 16-8-2005 hợp pháp đổi với căn nhà 445/1, từ đó công nhận chị Thảo, chị Nguyệt, chị Hồng có quyền thừa kế các thửa đât theo di chúc 1996, còn ông Nghĩa có quyền thừa kế căn nhà 445/1 theo di chúc ngày 16-8-2005 của cụ Tơ là có căn cứ, phù hợp với pháp luật.

Ngoài ra, tuy quá trình giải quyết vụ án ông Nghĩa xuất trình “Tờ giao quyền quản lý sử dụng đất” đề ngày 15-8-2005 có ghi tên cụ Tơ, nhưng giấy trên là bản đánh máy không có xác nhận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Hơn nữa, nếu đúng giấy trên là của cụ Tơ thì nội dung cũng trái với các qui định của pháp luật vì ông Nghĩa đang định cư ở nước ngoài nên không có quyền quản lý, sử dụng đất tại Việt Nam.

Do đó, kháng nghị cho rằng di chúc lập năm 1996 của cụ Tơ “có nội dung là đề nghị Ủy ban nhân dân xã Kim Sơn xác nhận việc cụ Tơ muốn tự nguyện làm di chúc lại căn nhà và toàn bộ tài sản hiện có cho ba cháu. Mặt khác, không ghi rõ di sản để lại, nơi có di sản, không ghi ngày, tháng, năm lập di chúc nên không phù hơp với Điều 13 của pháp lệnh thừa kế năm 1991. Tòa án cấp sơ thẩm và Tòa án cấp phúc thẩm công nhận di chúc năm 1996 là họp pháp để chia là không đúng” là không phù hợp thực tế và ý chí của cụ Tơ.

Căn cứ khoản 3 Điều 291, khoản 1 Điều 297 Bộ luật Tố tụng dân sự (đã được sửa đổi bổ sung theo Luật số 65/2011/QH12 ngày 29-3-2011 của Quốc hội).

Không chấp nhận kháng nghị số 93/QĐ/KNGĐT-V5 ngày 10-8-2011 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; giữ nguyên Bản án dân sự phúc thẩm số 40/2011/DSPT ngày 28/02/2011 của Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại thành phố Hồ Chí Minh.