Biển số xe giả bị Công an quận Hoàn Kiếm thu giữ.
Nhắc đến trục đường Trần Nhật Duật nối với Trần Quang Khải, đoạn đi qua địa phận quận Hoàn Kiếm (Hà Nội), lâu nay ta vẫn thường liên tưởng tới khu “chợ” chuyên kinh doanh biển số xe (BSX) (xe máy, ôtô) giả. Bởi ở tuyến đường này, mặc dù không dài song xuất hiện không ít đối tượng kinh doanh BSX trái với quy định. Vậy nguyên do vì đâu tới thời điểm hiện tại, khu “chợ” này vẫn tồn tại, hoạt động? PV Báo CAND đã trở lại khu “chợ” trên cũng như làm việc với một số đơn vị chức năng…
Không như những gì chúng tôi đã thấy trong lần “mục kích” trước đây, diện mạo của khu “chợ” này vào thời điểm hiện tại đã thay đổi đáng kể. Nói thay đổi là bởi, chủ các cơ sở kinh doanh BSX giả trước đây giờ không còn “rải” nhân viên chào hàng ngay dưới lòng đường nữa. Mà thay vào đó là sự bí mật, thận trọng trong mỗi lần mời khách hàng lui tới cửa hàng mình.
Vừa thấy cái dáng vẻ “ngông nghênh” của chúng tôi, cu cậu nhân viên sau cái gật đầu của ông chủ đang rít bi thuốc lào bên trong gian hàng treo đầy rẫy các loại biển số nhà, phụ tùng (ôtô, xe máy) liền đứng phắt dậy, chạy ra vừa hướng dẫn tôi cho xe lên vỉa hè vừa mời chào: “Làm biển số nhà hả anh? Số bao nhiêu?”. Thoáng nghe qua, ngỡ tưởng cu cậu này không biết mục đích của tôi đến đây để làm gì nên tôi bèn đáp: “Không! Làm cái khác cơ”. Đoạn đến đây, anh chủ cửa hàng đứng bên cạnh bèn đảo mắt một lượt xung quanh rồi khẽ cười khểnh: “Nói thế thôi em ạ! Chứ anh biết em đang cần gì rồi”. Thì ra, đây chính là cách mà anh chủ cửa hàng này dạy nhân viên của mình nhằm “che mắt” lực lượng chức năng khi chào mời khách.
Nghe tôi đề cập đến việc muốn lấy 1 cặp BSX ôtô giả, anh chủ cho biết ngay hai loại giá: 400.000đ/cặp biển (gồm biển dài phía trước + biển vuông phía sau) thông thường và 600.000đ/cặp biển đẹp không khác xa là mấy so với BSX mà cơ quan chức năng có thẩm quyền cấp.
Đáng chú ý, sau khi đã “ok!”, khác với lần thâm nhập thực tế trước đây, chủ các cơ sở kinh doanh BSX giả thường nhận tiền đặt cọc và ghi một hóa đơn kê giờ lấy cũng như số hiệu biển để tiện cho giao dịch, lần này anh chủ cửa hàng mà tôi có mặt chỉ nhận tiền, số biển cần làm và hẹn giờ lấy bằng miệng. Có hành động này theo anh chủ chính là nhằm mục đích tạo “chứng cứ ngoại phạm” cho mình nếu bị lực lượng chức năng ập vào.
Sau khi đặt cọc số tiền 300.000đ, đúng 16h (tức sau khoảng 3 tiếng), tôi quay trở lại cửa hàng và nhận được cặp BSX trông bề ngoài không khác xa là mấy so với loại BSX xịn của cơ quan chức năng cấp. Cũng dấu quốc huy nổi, lớp sơn tráng phản quang.
Hiện vẫn còn một số đối tượng kinh doanh buôn bán BSX giả trên trục đường Trần Nhật Duật.
Các cơ quan chức năng: Thiếu sự phối hợp đồng bộ
Để hiểu rõ hơn vấn nạn buôn bán BSX giả hiện nay tại khu “chợ” này, PV Báo CAND đã có buổi làm việc với đại diện Công an quận Hoàn Kiếm. Trung tá Nguyễn Anh Tuấn, Đội trưởng Đội CSĐT tội phạm về TTQLKT và CV, Công an quận Hoàn Kiếm cho biết: Hiện tượng buôn bán BSX giả tại khu vực đường Trần Nhật Duật, Trần Quang Khải là có thực.
Mới đây, vào sáng 6/8, sau một thời gian mật phục, theo dõi mọi di biến, tổ công tác của Đội đã phối hợp với Công an phường Hàng Buồm bất ngờ tiến hành kiểm tra hành chính tại một nhà ở phố Trần Nhật Duật (phường Hàng Buồm, Hoàn Kiếm). Tổ công tác phát hiện ông Trịnh Việt Cường, 60 tuổi, chủ căn hộ đang có hành vi làm BSX (ôtô, xe máy) giả trên gác 2 của khu nhà. Đồng thời, thu hồi toàn bộ tang vật gồm 2 bộ đóng dấu nổi của cơ quan CSGT; 1 máy ép có trục xoắn; 46 bộ chữ; cùng 70 BSX giả (ôtô, xe máy) đã thành phẩm mang số hiệu của các địa phương… đang chuẩn bị “xuất” ra thị trường.
Trung tá Nguyễn Anh Tuấn cho biết thêm, trước chuyên án triệt phá tụ điểm sản xuất BSX giả có quy mô trên, trước đây, đơn vị cũng đã phối hợp với các lực lượng chuyên trách khác khám phá nhiều vụ mua bán BSX giả nhỏ lẻ tại khu vực đường Trần Nhật Duật, Trần Quang Khải này.
Đứng trước thực trạng trên, bên cạnh việc chính quyền địa phương cần tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, ký cam kết với các cơ sở có kinh doanh biển số nhà, làm cơ khí có dấu hiệu trục lợi thông qua buôn bán BSX giả trên địa bàn để phòng ngừa vi phạm, cơ quan có thẩm quyền cần đưa ra chế tài xử lý nghiêm hơn nhằm tạo sức răn đe. Bởi, nếu tình trạng buôn bán, sản xuất BSX giả vẫn tiếp tục diễn ra thì nó sẽ là một trong những nhân tố gián tiếp làm gia tăng các loại tệ nạn mà thực tế đã chứng minh như: Cướp giật, đua xe, buôn lậu v.v..