Đến một cửa hàng sửa chữa ô tô, xe máy trên đường Trần Quang Khải (Hà Nội), vừa tấp vào lề đường, một thanh niên chặn ngay đầu xe, kéo tuột vị khách lên vỉa hè. Chẳng cần vòng vo, PV Thanh Niên ngỏ ý muốn làm chiếc biển số xe máy, thay cho chiếc cũ bị tháo trộm. Tay thanh niên tên Hưng, thợ sửa xe của cửa hàng cũng không cần thăm dò, nói thẳng: “Anh muốn lấy số nào, ghi ra. Giá cả tùy theo độ “đẹp” của biển. Em khuyên anh nên lấy biển ba “lít” (300.000 đồng), bảo đảm như biển xịn”. Khách chê đắt, Hưng chốt xuống còn 2 “lít” rưỡi. Đặt cọc 150.000 đồng, đọc số, đàn em của Hưng mang đi làm ngay.
Hưng kể lể: “Kể cả biển ba chục ngàn bọn em cũng đóng được, chỉ khổ khách thôi, trông nhòe nhoẹt lắm, ra đường dễ bị công an vịn”. Anh ta vào trong nhà, lôi từ đống giẻ rách ra 7 biển số xe máy, đủ các “đời”. Từ biển “K” cho tới biển “T”, thậm chí H. còn làm cả biển 3 số. Trình độ làm biển giả ở đây khiến nhiều người phải kinh ngạc về trình độ làm giả. Biển được làm tùy theo đời xe, không mới, không cũ; nền biển được phủ nhũ trắng, chữ số sơn đen, được dập rất sắc và có phản quang. Đáng kể nhất phải kể đến dấu quốc huy, nếu không quan sát kỹ và đối chiếu với biển thật sẽ rất khó phát hiện. Hưng bảo, máy dập dấu quốc huy của anh là nhất Hà Nội. “Mấy thằng cha trong phố chỉ là dạng “phọt phẹt”, dập số 3, số 4 còn chưa xong”, Hưng khoe tiếp: “Khó nhất là dấu quốc huy, rồi mới đến gia công số 3, 4. Khuôn không chuẩn khi đóng số dễ bị lệch, không thẳng hàng và sắc cạnh”.
Đang dở câu chuyện với Hưng, một cậu choai choai tóc nhuộm vàng như râu ngô xộc vào, hất hàm đòi biển số, rồi rất thành thạo móc đồ nghề trong cốp, tự tay gắn thẳng chiếc biển vào con “dim chiến” dựng ngoài vỉa hè mà chẳng cần coi chừng công an. Hưng chửi: “Thằng chọi con này lúc nào cũng vậy, cứ tơ hơ thế có ngày tao chết oan với mày”. Hưng bảo, thằng này là khách quen, thường xuyên đến đây thay biển. Thằng bé mặt búng ra sữa, chỉ độ 16 tuổi nhưng là dân “bão” (đua xe) chính hiệu; cứ dăm bữa nửa tháng lại mò lên đây mua biển, để tránh bị công an phát hiện.
Tôi vờ kể về chiếc xe của anh bạn mua từ một tay trộm, “nằm đắp chiếu” đã mấy tháng nay do không có đăng ký và biển số. Hưng mừng quýnh: “Anh cần em lo cho. Giấy tờ xịn luôn, khuyến mãi biển số. Tất cả chỉ 900.000 thôi”. Giấy tờ của Hưng đúng là xịn thật, không phải vớ vẩn, chắc là chôm chỉa được ở đâu đó. Giấy tờ ngon rồi, chỉ cần đóng lại số khung, số máy thì đúng phóc xe chính chủ. Hưng dẫn chứng, hai tháng trước anh ta còn “thiết kế” cho 5 con Wave 110 lậu một cách ngon lành. Anh ta khẳng định như đinh đóng cột: “Mấy con xe này có làm gì mới bị vịn, chứ cứ bình thường mà đi thì giời biết”. Có lẽ biết mình hơi quá đà, anh ta vội chữa: “Nhà em thì không có nhưng em biết chỗ”. Tôi ướm hỏi địa chỉ, Hưng không trả lời, bảo nếu tôi mà biết chỗ thì anh ta hết mối làm ăn, mất hết khách; với lại đó toàn đồ “ăn bẩn” (ăn cắp), không thể bán tùy tiện cho khách lạ như tôi.
Ông bố Hưng nãy giờ ngồi quán nước cạnh đấy, lim dim mắt nhả khói thuốc lào, nói giọng khê đặc: “Xe thằng cháu mà không có giấy tờ chú làm luôn cho, xịn luôn, khỏi cần đóng biển kia nữa”. Có lẽ bố con nhà Hưng chỉ là trung gian môi giới, tiêu thụ cho một đối tượng khác. Tưởng tôi cũng cùng “cạ”, Hưng tiếp tục mồi chài: “Kể cả anh lên Trần Nhật Duật hay Trần Khánh Dư, thời gian không thể nhanh gọn bằng ở đây. Nếu anh có mối cứ dẫn đến, em chia phần trăm cho. Anh để ý xem thằng nào cần bán, mua đăng ký xe, kể cả ô tô anh giới thiệu em”.
Tôi bảo Hưng, biển giả đẹp đến mấy cũng có lúc bị phát hiện, nếu anh ta biết chỗ thì dẫn tôi đi chuộc lại biển cũ. Hưng cười hềnh hệch: “Em hỏi rồi, nhưng mà chưa có, mấy hôm nữa anh quay lại, biết đâu em tìm thấy. Nhưng chắc nó cũng phải “thịt” anh 5 “lít” đấy”. Tôi tin Hưng nói thật, có lẽ anh ta đã liên hệ với những tay chuyên tiêu thụ biển gian, nhưng tôi chỉ bịa ra chuyện mất biển nên anh ta không thể tìm được.
Hiệu sửa xe của Hưng nằm phơi ngay mặt đường lớn, thế nhưng việc bắt quả tang là rất khó. Đây chỉ là nơi giao dịch, không phải xưởng “chế tạo”; biển được đóng ở chỗ khác. “Cùng lắm chỉ thu được mấy cái biển số em cho anh xem thôi. Hỏi thì em bảo của khách gửi thì làm gì được nhau”. Hưng có thừa ranh mãnh để đối phó công an, anh ta gần như không có bất cứ một sự dính dáng nào với khách. Đến đây chỉ cần đặt cọc nửa tiền là Hưng hẹn giờ lấy, ngoài ra không cần biên nhận hay vật làm tin. Nhà Hưng làm nghề sửa chữa ô tô, xe máy cả chục năm nay, truyền từ đời bố đến đời con, có thể nói tay nghề cũng thuộc dạng khá. Nhưng ở cái địa thế “mật ít ruồi nhiều”, cả đoạn đê vắng ngắt mà có đến hàng chục hiệu sửa xe thế thì lấy đâu ra khách. Phải sống bằng nghề sản xuất… biển giả. “Nghề” này chắc tuổi thọ cũng bằng tuổi đời của con đường. Tôi ngồi chỗ Hưng gần 2 tiếng đồng hồ mà chẳng thấy một bóng khách sửa xe, ngoại trừ mấy tay thanh niên mặt mũi bặm trợn, ăn nói lấc cấc đến… lấy biển. Không đoán mò nhưng tôi cũng chả dám tin những người tôi gặp ở đây đều là dân đàng hoàng. Hưng và ông bố vẫn bình thản ngồi hút thuốc, không tỏ vẻ gì sốt ruột cho một ngày ế khách.
Cửa hiệu Hưng còn nhận làm cả biển số ô tô. Đối diện cửa hàng, qua bên kia đường khói bụi mù mịt là bãi đỗ xe, toàn xe tải và xe chở hàng. Hưng cho biết, xe chở hàng lậu nào cũng có vài biển số giả, đều do “xưởng sản xuất” phố này làm cả; biển ô tô dễ làm, giá rẻ hơn. Công an phường và cảnh sát giao thông đóng ở gần đây, nên Hưng rất cảnh giác và luôn tạo bằng chứng ngoại phạm. Tiền trao tay Hưng nhưng “cháo” lại “múc” ở chỗ khác. Không bao giờ Hưng cầm tận tay biển số giao khách. Thi thoảng, một vài cửa hiệu trên phố bị kiểm tra nhưng cũng chỉ thu được mấy cái biển cũ nát, còn theo trí nhớ của Hưng thì hình như là chưa bắt quả tang được trường hợp nào. Hưng bảo, nếu công an mà làm gắt, cánh sửa xe như anh ta chỉ còn nước dẹp tiệm vì đói.
Đúng hẹn, hơn tiếng sau tôi quay lại lấy “hàng”. Hưng đòi nốt 100.000 còn thiếu rồi mới chỉ chỗ giấu biển số. Tự tay tôi phải moi tấm biển từ trong đống lốp ô tô xếp ngay ngắn trước cửa. Nhìn thật kỹ tấm biển số giả trên tay, tôi cứ ngỡ đó là biển số thật…