Tranh cãi đề xuất mỗi người sở hữu 1 biển số ôtô

Tiếp tục chia sẻ ý kiến xung quanh việc Đại tá Đào Vịnh Thắng – Trưởng phòng CSGT đường bộ-đường sắt (PC67), Công an TP Hà Nội đề xuất, mỗi công dân chỉ được sở hữu 1 xe ô tô và 1 biển số. Nếu công dân có nhu cầu đổi xe thì vẫn phải sử dụng biển số của xe cũ. Việc này nhằm hạn chế phương tiện cá nhân và xác định phương tiện là chính chủ, nâng cao ý thức của người tham gia giao thông, trao đổi với Đất Việt, ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội bày tỏ nhiều băn khoăn.

Theo ông Liên, bản thân ông hoan nghênh việc cơ quan công an quan tâm đến việc hạn chế số lượng xe cá nhân hoạt động trong nội thành.

Quy định mỗi người sở hữu 1 biển số ôtô được các chuyên gia đồng tình

“Số lượng xe tăng lên không phù hợp với cơ sở hạ tầng sẽ gây ách tắc. Cho nên trước sau cũng phải đi đến con đường hạn chế xe cá nhân bằng cách này hay cách khác. Do đó đề xuất của Đại tá Thắng cũng xuất phát từ ý tưởng hạn chế xe cá nhân. Trước hết tôi hoan nghênh việc này. Vì cuộc sống của người dân bây giờ ra đường là tắc. Xe cá nhân, đặc biệt là ôtô chiếm diện tích rất lớn trên mặt đường. Xe máy có thể lách 2 bên còn ôtô thì chật cứng.

Nhưng có vấn đề là đề xuất các giải pháp đó phải nghiên cứu cho phù hợp với luật lệ, không ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân”, ông Liên nhấn mạnh.

Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội cho rằng ý tưởng mỗi người chỉ được sở hữu 1 biển số xe ô tô mà Đại tá Đào Vịnh Thắng đưa ra xuất phát từ việc 1 số nước tiến hành đấu thầu biển số xe, cấp biển số xe suốt đời.

“Ở Trung Quốc, biển số xe ở nội thành Bắc Kinh chỉ có 1 số biển và hàng năm cấp thêm cho 1 số xe khác. Tức là xe ở ngoại tỉnh không được phép lưu hành tại Bắc Kinh.

Trung Quốc ở gần ta đã có chuyện như thế. Người ta khống chế số lượng xe hoạt động trong nội thành Bắc Kinh. Tuy nhiên ở Việt Nam phải xem xét thận trọng, mọi khía cạnh của đời sống xã hội”, ông Liên dẫn chứng.

Tiếp tục phân tích, ông Liên nhấn mạnh, Bộ Tư pháp có nói quyền sở hữu của người dân được Hiến pháp thừa nhận. Tuy nhiên trong điều kiện hệ thống giao thông hạ tầng tại Việt Nam còn nhiều hạn chế thì việc cơ quan quản lý nhà nước hạn chế xe ôtô cá nhân hay hạn chế từng tuyến đường là việc cần thiết.

“Không thể nói là xâm phạm quyền cá nhân. Quyền cá nhân phải phù hợp với lợi ích của toàn dân. Chúng ta có thể cho người dân mua 100 chiếc xe ôtô nhưng phải giữ ở trong nhà, ra đường chỉ cho chạy 1 xe thôi.

Đến taxi là loại hình vận tải hành khách công cộng từ lâu người ta cũng phải hạn chế nên xe gia đình lại càng phải hạn chế hơn. Nhưng việc này phải đúng luật”, ông Liên nhấn mạnh.

Hơn nữa, Chủ tịch Hiệp hội vận tải Hà Nội cho rằng, đề xuất trên chỉ đụng chạm đến những người giàu, gia đình có điều kiện. Vì vậy để tránh những phản ứng mang tính tiêu cực cần phải xem xét dưới nhiều góc độ.

“Dân nghèo làm gì có ôtô đâu. Hiện nay phần lớn những gia đình giàu có mới sở hữu được từ 2-3 xe. Cho nên chuyện này là chuyện phải xem xét nhiều góc độ, làm thế nào vừa phù hợp với Luật vừa phù hợp với hoàn cảnh đất nước trong điều kiện hạ tầng chưa phát triển”, ông Liên chia sẻ.

Chỉ nên quy định mỗi người 1 biển số xe

Cùng đưa ý kiến về việc này, ông Tô Văn Hiệp – Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Đà Nẵng khẳng định bản thân đồng tình một phần với đề nghị của Đại tá Đào Vịnh Thắng, Trưởng phòng CSGT Hà Nội.

Ông Hiệp cho hay, quy định mỗi công dân sở hữu một biển số xe đã được nước phát triển trên thế giới áp dụng. Tức là dù người dân có bán xe đi thì vẫn phải giữ biển số đó lại. Vì vậy khi Việt Nam áp dụng thì những vấn đề khó khăn thời gian vừa qua sẽ được giải quyết.

“Ý tưởng này rất hay. Mỗi công dân gắn liền với biển số xe cá nhân như chứng minh thư nhân dân hay thẻ căn cước. Việc quản lý xe chính phủ cũng đơn giản và thuận tiện hơn”, ông Hiệp nhấn mạnh.

Tuy nhiên ông Hiệp lưu ý, các cơ quan nhà nước không nên đưa ra quy định mỗi người dân chỉ được phép sở hữu 1 ôtô. Việc này dường như sẽ xâm phạm quyền tự do của công dân được Hiến pháp và pháp luật quy định rất rõ ràng.

“Tôi cho rằng khi chúng ta quy định mỗi người dân sở hữu 1 biển số xe, không giới hạn số xe ô tô thì mới giảm được lượng xe lưu thông trên đường. Việc hạn chế các phương tiện cá nhân tôi nghĩ có nhiều cách chứ không hẳn chỉ quy định mỗi người sở hữu 1 ô tô. Nếu chỉ hạn chế như vậy sẽ cản trở 1 số quyền lợi của người dân. Ví dụ xe người ta đi làm khác với xe người ta đi chơi. Thậm chí có những xe người dân đi picnic với gia đình riêng. Mục đích khác nhau nên quy định như vậy sẽ giảm 1 số quyền lợi của người dùng”, ông Hiệp nêu quan điểm.

Theo ông Hiệp, hiện nay biển số xe do cơ quan công an cấp và xe ôtô do 1 cơ quan kỹ thuật là Cục đăng kiểm Việt Nam xem xét, đánh giá. Vì vậy cần phải có sự phối hợp chặt chẽ hơn nữa giữa 2 cơ quan trên để làm tốt công tác quản lý.

Hoàng Hà