Đánh giá: 0 người đã đánh giá bài báo này.Người viết: , ngày 12/17/2006, trong mục ” TRỒNG TRỌT”
Cơn bão đi qua, nỗi lo khắc phục nhà cửa chưa xong, dân miệt vườn Bến Tre còn một nỗi lo khác: kế sinh nhai trong thời gian tới. Nhiều vườn cây ăn trái ở Chợ Lách tiêu điều, không biết bao nhiêu cây dừa bị vặn đọt héo úa, mía ngã nằm sát dưới đất, xoài, măng cụt, sầu riêng…trốc gốc nằm la liệt. Tình cảnh này khiến không ít người than thở: rồi đây sẽ sống ra sao?
Tan tác miệt vườn
Về Bến Tre bây giờ, đi đâu cũng thấy cảnh trống trải đến khó chịu. Sau bão một tuần, cây cối đã bắt đầu héo úa. Hình ảnh “bờ sông cong vút một hàng dừa” giờ sao xơ xác. Dọc phía Bắc sông Hàm Luông, từ xã Mỹ Thạnh An (TX Bến Tre) dài xuống Phước Long, Hưng Phong (Giồng Trôm) khó tìm thấy một thân cây lành lặn.
Nhà ông Trần Văn Rết (ấp 3, Hưng Phong, Giồng Trôm) có chưa đầy 2.000m2 trồng dừa và chanh. Dừa thì cụp bẹ, trái non bắt đầu rụng dần; chanh không còn trái nào. Ông than thở: “Lo dựng lại nhà còn chưa xong, sinh nhai chẳng biết làm sao”. Phía Định Thủy, Phước Hiệp, Bình Khánh Đông (huyện Mỏ Cày), hầu như không còn một vườn cây lành lặn nào. Ông Ba Chiến ở ấp Phước Tân, Bình Khánh Đông có đến 47 cây dừa (trên 30 tuổi) bị gãy như ai lấy dao chém ngang. Số dừa còn lại trong vườn cây thì cụp bẹ, cây thì bị vặn đọt.
Theo báo cáo, huyện Mỏ Cày có diện tích hoa màu bị thiệt hại 100%, vườn dừa hơn 40% gãy đổ. Sau bão, nhiều cánh đồng mía giờ như lau sậy bị xe lu cán qua, nằm sát rạt. Anh Nguyễn Văn Dũng, nhà có 2.000m2 đất trồng mía, ngồi bó gối: “Chắc mai mốt phải lên Đồng Tháp làm lúa mướn kiếm ăn. Mấy đêm ngủ ở Bến Tre, đêm nào chúng tôi cũng nghe tiếng dừa thúi cùi rụng lịch bịch đến não lòng. Mấy cụ già còn lo xa hơn: năm nay chắc Tết hổng có bánh tét. Hỏi vì sao, bà con trả lời: chẳng còn một cây chuối nào lành lặn.
Đâu chỉ riêng xứ dừa. Từ Gò Công, bão đi qua Tiền Giang, Bến Tre rồi Vĩnh Long, Trà Vinh. Hiện tại, chưa có thống kê sát thực về thiệt hại kinh tế vườn sau bão, nhưng người dân nơi có bão đi qua đều lo lắng cho việc khắc phục hậu quả. Ông Hồ Văn Hải ở Vĩnh Kim (Châu Thành, Tiền Giang) kể: Trước bão, một người đến Vĩnh Kim mua một vườn vú sữa 50 cây với giá 50 triệu. Giờ vườn vú sữa mấy chục năm tuổi giờ chỉ còn lại 2 cây và cũng chẳng còn trái nào.
Buồn hiu hoa trái
Về xã Vĩnh Thành sau bão, chạy xe trên quốc lộ 57 không thấy những ảnh hưởng đáng kể của bão. Nhưng khi nghe ông Nguyễn Văn Trung, phó chủ tịch UBND xã kể và đi thực tế vào tận các vườn, mới thấy thiệt hại của bão số 9 gây ra là không nhỏ.
Trong tổng thiệt hại ở huyện Chợ Lách trên 50 tỷ đồng thì vườn cây ăn trái của huyện thiệt hại khoảng 44 tỷ, hoa kiểng 5 tỷ đồng. Nhiều nhất là măng cụt bị gãy, bứng gốc; bòn bon dập lá; chôm chôm gãy, rụng trái…. Riêng Vĩnh Thành có 950 ha cây ăn trái và hoa kiểng thì 106 ha bị thiệt hại. Có hộ dân trồng cây bị thiệt hại 100% với số tiền hàng chục triệu đồng.
Quy ra, tiền thiệt hại ở xã trên 7 tỷ đồng. Ông Trung nói: “Ở các nơi khác người ta sập nhà sẽ khắc phục lại được, còn vườn cây của bà con ở đây có vườn cổ thụ đến hết đời người của họ cũng chưa có lại được như hiện tại….”. Tại ấp Đông Nam, Vĩnh Bắc (xã Vĩnh Thành) có vườn hàng chục cây măng cụt từ vài chục đến khoảng 100 năm tuổi bị gió cuốn gãy, bứng gốc.
Sở dĩ cây măng cụt bị gió làm gãy và bứng gốc vì gốc cây giòn, rễ ít nhưng tàn lớn. Cây bòn bon trong vườn nhờ rễ nhiều, nhưng bão đi qua làm gãy cành, lá dập nát. Dẫn chúng tôi ra xem vườn trồng xen 40 cây măng cụt gần 100 năm tuổi bị bão làm gãy 30 cây, chị Nguyễn Thị Xuân Trang (ấp Đông Nam) kể: “Mỗi năm vườn măng cụt này đem về cho gia đình tôi 50 – 60 triệu đồng. Ngoại tôi đã 82 tuổi được chia tài sản vườn cây măng cụt lúc mới ra riêng, giờ thấy vườn cây bị gãy bà ngồi khóc tại chỗ…”. Còn cả ngàn cây bòn bon trồng xen trong vườn mà hàng năm chị Trang hái bán khoảng 7 tấn trái, giờ lá dập tả tơi, đến 3 năm sau mới hồi phục.
Vườn măng cụt cổ thụ 50 cây của ông Mai Tấn Quận ở gần vườn chị Trang do ông bà để lại cả trăm năm tuổi cũng bị bứng gốc và gãy tất cả; 200 cây bòn bon bị hư khoảng 50%. Ông Quận buồn rầu cho biết: “Cây măng cụt trồng 10 năm mới bắt đầu thu hoạch. Hư vườn măng cụt này coi như mỗi năm tôi mất 70-80 triệu đồng…”. Tính cả ấp Đông Nam có gần 600 hộ dân trồng cây măng cụt lâu năm và làm giàu nhờ cây này thì sau cơn bão hầu hết bà con phải tiếc nuối khi nhìn cây măng cụt của mình ngã nằm dài trong vườn.
M.TRƯỜNG – C.DAO
Nguồn tin: SGGP
Chia sẻ bài báo này với bạn bè.