Có cần bật xi nhan khi đi qua vòng xuyến không?

Theo các bác, có cần bật đèn xi nhan khi đi qua vòng xuyến không?

Câu trả lời với mỗi người có thể sẽ khác nhau. Người này thì bảo có, người kia lại nói không. Người khác lại khẳng định vòng xuyến lớn thì cần, vòng xuyến nhỏ thì không. Nhiều khi thấy rối, nhất là với ai mới học lái.

Vậy có hay không cần xi nhan thì phải căn cứ vào đâu?

Tôi nghĩ trước hết phải theo luật. Nếu luật không (hoặc chưa) quy định cụ thể, thì ta dựa vào tiêu chí an toàn, thuận lợi, và cao hơn là văn hóa giao thông để phân định.

Trong bài này, tôi sẽ dựa theo nguyên tắc nêu trên để trình bày kỹ hơn về các quan điểm. Sau đó, tôi đưa ra lựa chọn phù hợp để các bác tham khảo.

Vòng xuyến là gì?

Với những bạn trẻ mới học lái xe ô tô (hoặc xe máy), thì có thể chưa quen lắm với thuật ngữ này.

Vòng xuyến giao thông là ụ tròn tại giao lộ mà tại đó các phương tiện giao thông phải đi theo hình vòng tròn ngược chiều kim đồng hồ như hình mũi tên chỉ. Vòng xuyến còn gọi là bùng binh, hay vòng xoay giao thông.

Để được gọi là vòng xuyến thì phải có 2 yếu tố:

Vòng tròn có mũi tên chỉ hướng đi ngược chiều kim đồng hồ

Vòng xuyến giao thông

Và câu hỏi đặt ra là…

Có cần xi nhan khi đi qua vòng xuyến không?

Tôi thấy có nhiều trường hợp và quan điểm khác nhau:

Do kích thước vòng xuyến to nhỏ khác nhau: cái nhỏ nằm lọt ở giữa chỗ giao cắt, xe có thể đi thẳng qua không cần thay đổi gì về làn, hay hướng thì có cần bật đèn xi nhan không? Nhiều người nói là không cần xi nhan.

Ở những ngã 5, ngã 6 với bùng binh lớn, các xe đi vào sẽ thì rõ ràng cần phải chuyển hướng sang trái (xi nhan trái) để đi theo hướng mũi tên, sau đó rẽ vào đường nhánh lại chuyển hướng sang phải (xi nhan phải). Như vậy lại cần 2 lần bật đèn tín hiệu rẽ.

Vị trí vòng xuyến có thể nằm giữa đường xe đang đi, nhưng cũng có thể nằm lệch hẳn về một bên. Chẳng hạn trường hợp vòng xuyến nằm lệch hẳn về bên phải, khi vào vòng xuyến, xe trước hết cần chuyển hướng sang phải (xi nhan phải), sau đó ôm cua trái theo vòng xuyến (xi nhan trái), rồi cuối cùng rẽ sang phải vào đường nhanh (lại xi nhan phải). Vậy là xi nhan những 3 lần: phải – trái – phải.

Rõ ràng, trong những trường hợp cụ thể khác nhau, cách xử lý lại có phần khác nhau. Ngay cả cùng một trường hợp cũng có thể có cách giải thích không thống nhất. Vậy mới phát sinh tranh luận.

Căn cứ vào luật: có cần xi nhan khi qua bùng binh không?

Vì thế, chúng ta phải viện dẫn đến quy định chung chung hơn tại Điều 15 – Chuyển hướng xe:

“Khi muốn chuyển hướng, người điều khiển phương tiện phải giảm tốc độ và có tín hiệu báo hướng rẽ.”

Mấu chốt ở đây là từ “chuyển hướng”: khi nào muốn chuyển hướng thì phải bật xi nhan.

Nhưng rắc rối ở chỗ, luật lại chẳng quy định rõ thế nào được gọi là “chuyển hướng”. Người dân cũng không rõ là chuyển hướng xe hay hướng đường. Thế mới có CSGT phạt tài xế đi đường cong không xi nhan (nhưng đã được Thượng tá Trần Thanh Trà – Trưởng Phòng CSGT Đường bộ – Đường sắt CA TPHCM (PC67) đã có công văn phản hồi ” nghiêm cấm CSGT thổi phạt người di chuyển đường cong không bật tín hiệu“).

Cá nhân tôi hiểu đó là hướng xe: khi muốn chuyển hướng xe thì phải xi nhan.

Nghĩa là khi ta đang lái xe, chẳng hạn nếu muốn chuyển sang hướng khác (chuyển làn, hoặc rẽ, hoặc quay đầu), thì phải bật xi nhan. Còn nếu chỉ đánh lái qua trái, qua phải để tránh chướng ngại vật (ổ gà, hố ga mất nắp, túi rác…) thì không coi là chuyển hướng, và không bắt buộc phải xi nhan, chứ nếu không thì lái xe có mà xi nhan cả ngày.

Quay trở lại trường hợp đi trong bùng binh, cứ theo luật thì cơ bản cũng sẽ có cách xử lý những phát sinh. Tôi xin tóm tắt một số trường hợp cụ thể, theo quan điểm của tôi, như sau:

Với bùng binh nhỏ: người có thể đi thẳng qua (mà không cần bám theo bùng binh), thì không cần bật xi nhan làm gì cho xe sau hiểu nhầm. Bản chất là không thay đổi hướng đi, theo luật không cần bật tín hiệu gì. Còn nếu tại đó các bác muốn rẽ phải, rẽ trái, hoặc quay đầu thì phải bật xi nhan như bình thường.

Với bùng binh lớn, nằm chắn giữa đường (không lệch hẳn về bên nào): tôi thấy có 2 trường hợp. Trường hợp 1: nếu chỉ cần rẽ phải ngay khi vừa đến chỗ giao cắt, mà không cần bám theo bùng binh, khi đó chỉ cần xi nhan phải trước khi rẽ, vì bản chất là chỉ có 1 lần chuyển hướng sang phải. Trường hợp 2: nếu cần cua một đoạn theo vòng tròn trước khi rẽ phải vào đường nhánh, thì cần phải xi nhan 2 lần, theo nguyên tắc “vào trái ra phải”: trước khi vào bùng binh thì bật xi nhan trái, và chuẩn bị ra khỏi bùng binh thì xi nhan phải.

Nếu bùng binh lớn nằm lệch hẳn về một bên đường, thì có lẽ cũng cần đến 3 lần xi nhan. Lần 1: báo chuyển sang hướng bùng binh. Lần 2: báo vào bùng binh, và lần 3: báo ra khỏi bùng binh đi vào đường nhánh. Nếu vào và rẽ phải luôn (không ôm cua) thì cũng chỉ cần xi nhan phải là xong.

Xin nhắc lại đó là quan điểm của tôi, dựa vào quy định trong luật. Nếu các bác không tán thành, xin cứ cho ý kiến.

Ấy là căn theo luật. Nhưng thực tế, ta còn cần xem xét đến những yếu tố khác nữa, xin bàn ở phần tiếp theo…

Căn cứ theo tính an toàn, phép lịch sự, và văn hóa giao thông

Giả sử nếu luật không hoặc chưa quy định điều gì đó cụ thể, thì chúng ta vẫn nên chọn cách hành xử sao cho đảm bảo an toàn cho mình và cho người khác, cũng như thể hiện sự văn minh lịch sự khi tham gia giao thông, phải không các bác?

Nếu chỉ xét theo quan điểm này, khi đi qua bùng binh có bật xi nhan hay không? Tôi cho rằng là có, tùy theo trường hợp cụ thể.

Chẳng hạn, nếu ta chỉ rẽ phải ngay khi đến bùng binh, mà không ôm cua trái, thì không nên đi sát vào bùng binh và chỉ cần bật xi nhan phải là đủ. Vì nếu không bật tín hiệu, các xe khác sẽ không hiểu bác muốn rẽ phải, có thể đi vòng sang bên đó, thì dễ bị ùn tắc, thậm chí gây va quệt, mất an toàn.

Hoặc, nếu bác bám muốn cua theo vòng xuyến mà không xi nhan trái, thì khó cho người đi sau chẳng biết đâu mà tránh, nhỡ họ lại tìm cách lách sang bên trái để tiến lên thì thành ra rất dở, lại bị chậm trễ. Tương tự như khi bác xi nhan phải rời vòng xuyến, rẽ phải sang đường nhánh nào đó.

Như vậy, việc bật xi nhan xét theo góc độ ý thức tham gia giao thông là để không đưa mình và người khác vào cảm giác khó xử, hoặc thậm chí có thể gặp rủi ro, nguy hiểm. Và có lẽ đó cũng một phần làm nên văn hóa giao thông.

Để dễ nhớ tôi xin túm lại mấy trường hợp phổ biến về việc xi nhan khi đi qua vòng xuyến như sau:

Thông thường thì vào bùng bình xi nhan trái, ra khỏi bùng binh xi nhan phải

Nếu chỉ rẽ phải luôn mà không cần bám sát bùng binh, thì chỉ cần xin nhan phải

Với những bùng binh nhỏ ở ngã tư, nếu đi thẳng khỏi phải xi nhan

Chuyển từ Xi nhan khi đi qua vòng xuyến về Trang chủ