Theo phản ánh của người dân địa phương về việc khai thác đất trái phép ở khu vực rừng phòng hộ núi Linh Trường, thuộc thôn một, xã Hoằng Yến, huyện Hoằng Hóa, chúng tôi đã có mặt tại hiện trường để xác minh thông tin trên. Đúng như người dân phản ánh về trình trạng khai thác đất trái phép tại rừng phòng hộ nằm giáp danh giữa hai xã Hoằng Yến và Hoằng Trường, rừng phòng hộ Linh Trường nằm phía Nam mặt đê sông Lạch Trường, phía Bắc của rừng là cảnh tượng tan hoang bao trùm cả một khu rừng phòng hộ rộng hàng ha, với nhiều hầm hố và vách đất được đào cao dựng đứng từ 30 – 40m xuất hiện do quá trình khai thác để lại và đã biến khu rừng này trở thành công trường khai thác trái đất phép. Tại 2 điểm khai thác có hai máy múc đang hoạt động đào bới, khoét sâu vào lòng núi múc đất và hàng chục chiếc xe lớn nhỏ đang ra vào chở đất đem đi san lấp mặt bằng, bờ ao nuôi tôm và bán cho các công trình san lấp mặt bằng khác.
Một số hộ dân nhà ngay sát với khu vực khai thác đất cho biết: “Không hiểu tại sao gần một tháng nay xã lại làm ngơ cho ông Phương ngang nhiên vào chặt phá rừng phòng hộ rồi đem máy múc vào khai thác đất chở đi phục vụ công trình làm ao nuôi tôm công nghiệp và bán cho các công trình san lấp mặt bằng trong, ngoài địa bàn xã? Mặc dù rừng phòng hộ Linh Trường được nhà nước trồng cây thông có tuổi đời trên 20 năm và ngay khu rừng này đã có biển báo nghiêm cấm chặt phá rừng và khai thác đất. Mỗi ngày trên 200 đến 300 lượt xe chở đất của ông Phương có trọng tải từ 6 đến 18 tấn hoạt động suốt từ 6 giờ đến 20 giờ đêm ảnh hưởng đến đồi sống, sinh hoạt của người dân nơi đây. Đặc biệt, tình trạng khai thác đất còn gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, ngày nắng khói bụi bay mù mịt, ngày mưa đường sá lầy lội không đi lại được. Tuyến đê Lạch Trường được đổ bê tông và cũng là tuyến đường giao thông liên xã phải “oằn mình” chịu tải bởi những chiếc xe có trọng tải lớn chở đất cày xới và xuống cấp”.
Qua tìm hiểu chúng tôi được biết: Rừng phòng hộ Linh Trường là lá chắn quan trọng cho tàu neo đậu tại cửa Lạch Trường và che chắn cho người dân sống trên địa bàn hai xã Hoàng Yến và Hoàng Trường mỗi khi mùa mưa bão đến. Nhưng một điều rất lạ lùng là tại sao diện tích đất rừng phòng hộ được chính quyền bảo vệ nghiêm ngặt lâu nay, lại bị ông Phương vào chặt phá cây để khai thác đất đem phục vụ mặt bằng ao nuôi tôm và bán cho các công trình san lấp mặt bằng khác?.
Tại địa điểm khai thác, ông Lê Trọng Phương, chủ khai thác đất cho biết: “Chục anh em tôi góp tiền thầu đất công ích của xã làm ao nuôi tôm công nghiệp, do giá cả mua cát đắt đỏ và đành phải làm liều thuê máy múc, xe cộ vào khai thác đất rừng phòng chở đi để làm mặt bằng và phân lô bờ bờ ao với khối lượng phục vụ công trình trên dưới 5.000m3 đất”.
Khi PV hỏi việc phá rừng để khai thác đất rừng phòng hộ chính quyền địa phương có ý kiến hay cho phép gì không, thì ông Phương cho biết: “Không có ai cho phép cả, nhưng chính quyền địa phương cũng tạo điều kiện bỏ qua và làm ngơ coi như không thấy để chúng tôi làm. Còn trong quá trình vận chuyển đất về công trình thì các anh em lái xe có chở một ít xe đất đi bán cho các công trình san lấp mặt bằng trong và ngoài địa bàn để giảm thiểu chi phí trong quá trình vận chuyển đất về làm mặt bằng các ao nuôi tôm”(?!).
Trao đổi với PV Báo Tài nguyên & Môi trường, ông Nguyễn Văn Tốt, Chủ tịch UBND xã Hoằng Yến thừa nhận: “Chúng tôi biết việc khai thác đất trái phép ở rừng phòng hộ Linh Trường diễn ra rầm rộ gần một tháng nay để lấy đất làm mặt bằng ao nuôi tôm công nghiệp, không chỉ diễn ra ở địa bàn xã Hoàng Yến mà ngay cả xã Hoàng Trường. Ở xã Hoàng Yến, tôi đã cho lập biên bản và yêu cầu dừng rồi, nhưng vì khu vực giáp danh hai xã nên rất khó quản lý. Tôi sẽ cử đồng chí Lê Trọng Thảo, Phó chủ tịch xã đi cùng các anh đến để xác định ranh giới khu vực khai thác đất…”. Tuy nhiên, khi đến hiện trường chúng tôi vẫn chứng kiến cảnh tượng khai thác đất đang diễn ra rầm rộ và công khai, khác hẳn với lời của vị Chủ tịch xã đã nói.
Dư luận đang đặt ra câu hỏi: Có hay không việc chính quyền sở tại “làm ngơ” cho “đất tặc” lợi dụng vào địa bàn giáp danh quản lý giữa hai xã tiến hành phá rừng phòng hộ để khai thác đất đem bán cho các công trình san lấp mặt bằng trái phép?.
Rất mong UBND huyện Hoằng Hóa và UBND tỉnh Thanh Hóa cần sớm điều tra làm rõ những khuất tất trên, xử lý nghiêm những cá nhân, tập thể cố tình vi phạm pháp luật.
Bài & ảnh: Tuyết Trang – Anh Sơn