Việc dẹp bỏ tình trạng hàng rong trước cổng trường là rất khó khăn. Trong ảnh: Học sinh vây quanh quán hàng rong trước cổng trường TH Nguyễn Bá Ngọc (TP.Bà Rịa) để mua hàng. Ảnh: HOÀNG HƯỜNG.
Hàng rong “hút” học sinh
Theo quan sát của phóng viên, khu vực quanh các trường TH, THCS là điểm lý tưởng để tập trung của các gánh hàng rong. Đặc tính chung dễ thấy ở các gánh hàng rong là có thể “di động” bất cứ lúc nào, chủ các hàng rong chủ yếu sử dụng phương tiện xe đẩy tự chế từ những chiếc xe cũ. Vì vậy, họ có thể di chuyển một cách dễ dàng, đến và đi bất cứ lúc nào. Trước giờ HS vào lớp và tan trường là thời điểm thích hợp mà hàng rong tiếp cận cổng trường. Thức ăn được bày bán ở hàng rong khá đa đạng, phù hợp với sở thích của HS như: Cá viên chiên, thạch dừa, rau câu, bánh tráng trộn, các loại nước giải khát… Giá cả thì lại rất rẻ, chỉ vài ngàn đồng là các em đã mua được một món ăn ưa thích.
Có mặt trước cổng trường THCS Huỳnh Khương Ninh (TP.Vũng Tàu) lúc 11h ngày 5-11, trước cổng trường có 4 chiếc xe bán hàng rong di động bày bán các mặt hàng như: Nước si rô đủ các màu, nước nhân sâm, cá viên chiên, bánh kẹo… Khi tan trường, HS chia thành nhiều tốp, khoảng 5-6 em xúm lại mua 1 món đồ ăn và ăn chung. Những mặt hàng bày bán ở đây đều do người bán tự làm.
Quan sát kỹ 1 xe hàng rong của chị T., chúng tôi nhận thấy, cá viên chiên được chị xâu thành nhiều que, đặt cạnh nồi nước nhân sâm, không có bất cứ dụng cụ nào che đậy hay bảo quản. Còn tương ớt dùng để chấm cá viên chiên, chị cũng đóng sẵn từng bịch nhỏ để 1 góc bên cạnh. Trong quá trình bán nước nhân sâm, chị vô tình để cả nước rơi lên cá viên chiên. Các loại bánh từ bánh mứt, bánh tráng trộn có tẩm màu được đóng từng gói nhỏ, không ghi nhà sản xuất hay hạn sử dụng. Khi được hỏi, chị T. vô tư trả lời: “Hàng tự làm nên chất lượng bảo đảm, để cả tuần vẫn chưa hư”.
Hiện nay tại nhiều trường, do sự kiểm soát, cấm cản của nhà trường, các xe hàng rong tạm lui vào những địa điểm cách trường không xa.
Trước cổng trường TH Trường Sơn (TP.Bà Rịa), đã vắng bóng những gánh hàng rong. Nhưng cách đó chừng 30m, các xe hàng rong tập kết ngay trước cổng Trung tâm Văn hoá học tập cộng đồng phường Phước Nguyên. Những người bán hàng ở đây cho biết, trước đây bán hàng tại cổng trường là vi phạm, nhưng giờ chuyển qua bên cổng Trung tâm Văn hoá học tập cộng đồng thì được xem là bán hàng hợp pháp, vì không thấy biển báo “cấm bán hàng rong”. Điều dễ nhận thấy ở đây, các quán hàng rong này thường bán những món ăn phù hợp với khẩu vị, sở thích của HS như thạch dừa, kem, trà sữa trân châu, chè… Các mặt hàng để lẫn lộn với nhau. Người bán thì không đeo găng tay, họ dùng tay để lấy thức ăn trực tiếp cho HS. Những mặt hàng này đựng trong những chiếc nồi cỡ lớn. Dù bán nhiều món hàng như vậy nhưng họ chỉ dùng 1 phương tiện để lấy hàng cho tất cả các món ăn. Khi thấy chúng tôi tỏ vẻ không thích người bán dùng 1 chiếc vá để lấy thạch dừa và nước sâm. Người bán hàng liền trấn an: “Dùng chung dụng cụ để lấy hàng có sao đâu. Mấy món này giống nhau cả. Nếu buổi sáng bán không hết thì để lại chiều bán chứ không để qua ngày đâu”.
Sau giờ tan trường, HS thường mua quà ăn vặt ngay trước cổng trường. Trong ảnh: HS mua hàng trước cổng trường TH Hạ Long (TP.Vũng Tàu). Ảnh: HOÀNG HƯỜNG.
Không dễ dẹp
Rõ ràng, sự tồn tại các quán hàng rong tại các khu vực gần cổng trường học không chỉ tiềm ẩn nguy cơ mất ATVSTP mà còn gây cản trở giao thông, mất mỹ quan trường học. Thế nhưng, để dẹp bỏ tình trạng này thì không hề đơn giản. Lâu nay, các trường học thường phối hợp với công an, dân phòng địa phương để dẹp bỏ tình trạng bán hàng rong trước cổng trường, song hiệu quả mang lại chưa cao. Gọi là quán hàng rong nhưng thực chất đây là những chiếc xe bán hàng di dộng nên việc di chuyển của họ khá dễ dàng. Vì thế, nếu công an, dân phòng địa phương đuổi, không cho họ bán hôm nay thì ngày mai họ lại quay lại bán tiếp, hoặc di chuyển tới bán ở các cổng trường khác.
Thầy Sầm Quý Lập, Hiệu trưởng trường TH Trường Sơn (TP.Bà Rịa) cho biết, những người bán hàng rong sinh sống trong khu vực gần trường nên khi công an phường, dân phòng đến dẹp thì họ lại đẩy gánh hàng trở về nhà. Sau khi lực lượng chức năng đi khỏi, họ trở lại trường bán như cũ. Thậm chí, dẹp ở trường này thì họ lại di chuyển đến trường khác để bán. Hơn nữa, số lượng người bán hàng rong thì không cố định nên rất khó để kiểm soát tình trạng này.
Xét về một khía cạnh khác, cuộc sống của những người bán hàng rong cũng rất khó khăn. Họ không có tiền để thuê mặt bằng trong chợ hay mở quán bán để bán hàng. Vì thế, để duy trì cuộc sống gia đình, họ chỉ còn cách đi bán hàng rong để mưu sinh. Và chỉ có HS là đối tượng mua hàng của họ nhiều nhất. Do đó, bắt buộc người bán hàng phải chọn cổng trường học hoặc ở một địa điểm gần đó làm nơi bán hàng. Mặt khác, do nắm bắt được nhu cầu ăn quà vặt của HS nên nhiều người đã lợi dụng thực tế này lấn chiếm cổng trường để bán hàng. Một người bán kem trước cổng trường TH Hạ Long (TP.Vũng Tàu) khẳng định: “HS có nhu cầu ăn quà vặt sau khi tan trường nên tôi mới đến đây để bán. Còn không có HS mua thì chúng tôi bán hàng cho ai”. Đối với HS, có rất nhiều lý do để các em mua hàng rong. Em Trần Thị My, HS trường THCS Kim Đồng (TP. Bà Rịa) cho biết, sau khi tan trường, em thường đói bụng và khát nước nên trong thời gian chờ ba mẹ tới đón em tranh thủ mua nước hoặc kem để ăn lót dạ. Hơn thế, My và nhóm bạn học của em còn có sở thích ăn vặt. Các em thường dành dụm tiền gia đình cho ăn sáng để mua quà vặt.
Những thực tế trên cho thấy, dù nhà trường có phối hợp với công an, dân phòng địa phương dẹp bỏ tình trạng bán hàng rong nhưng “lực bất tòng tâm” vì thiếu nguồn nhân lực. Mặt khác, không phải lúc nào, trường học nào, lực lượng này cũng có mặt kịp thời để dẹp hàng rong. Vì thế, tình trạng bán hàng rong vẫn tiếp tục diễn ra.
NHÓM PHÓNG VIÊN TS-CT
Thực tế, các hoạt động diễn ra ngoài nhà trường là thuộc về phạm vi quản lý của chính quyền các địa phương. Do đó, qua phản ánh của phụ huynh và tìm hiểu thực tế tại các trường học thì tình trạng bán hàng rong trước cổng trường diễn ra khá nhiều. Nhưng chưa có một biện pháp nào dẹp bỏ hiệu quả. Về phía ngành, chỉ có cách hướng dẫn các trường học tích cực tuyên truyền, nâng cao ý thức cho HS về vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm, khuyến cáo HS không được mua hàng rong để ăn. Theo tôi, nhà trường cần phối hợp chặt chẽ với công an, dân phòng địa phương tích cực và tăng cường lực lượng để tuần tra thường xuyên trước cổng trước nhằm dẹp bỏ tình trạng bán hàng rong.(Ông Lê Văn Tuyền, Trưởng phòng Công tác HS-SV, Sở GD-ĐT).Tôi có con học tại trường THCS Huỳnh Khương Ninh (TP.Vũng Tàu) nên mỗi buổi trưa đứng chờ rước cổng trường đón con tôi rất bức xúc. Các quán hàng rong thì lấn chiếm vỉa hè đậu xe của phụ huynh, gây ách tắc giao thông trước cổng trường, môi trường học đường ít nhiều cũng bị ảnh hưởng. Hơn nữa, khi mới tan học, tay của HS còn bẩn nhưng cũng cầm thức ăn để ăn, tôi thấy không hợp vệ sinh. Khi xảy ra tình trạng ngộ độc thực phẩm thì không biết kêu ai, kiện ai? Theo tôi, nhà trường cần phối hợp với chính quyền địa phương xử lý triệt để vấn đề này.(Bà Vũ Thị Huệ, đường Lê Hồng Phong, TP.Vũng Tàu).
Bài 3: khó khăn trong việc xử lý hàng rong