Hoạt động bán hàng rong tại các địa điểm cấm tại Hà Nội: Vẫn khó kiểm soát

Thậm chí, tại nhiều nơi đã được cắm biển báo, việc bán hàng rong vẫn đang vô tư diễn ra. Tình trạng này kéo theo những hành vi chặt chém, chèo kéo khách du lịch gây bức xúc cho người dân Thủ đô và du khách quốc tế.

Hiện tượng bán hàng rong vẫn diễn ra tại một số địa điểm cấm như Văn Miếu Quốc Tử Giám

Hàng rong vẫn vô tư bán tại các khu di tích

Đến thăm quan tại Văn Miếu Quốc Tử Giám (Hà Nội) trong sáng 26/6, chúng tôi nhận được không ít những lời chào mua hàng từ những người bán hàng rong, và cũng đã phải từ chối không ít lần. Không chỉ chúng tôi, mà một vài du khách người nước ngoài khác cũng phải nhăn mặt khó chịu khi liên tục bị những người bán hàng rong làm phiền. Chỉ khi khách du lịch từ chối một cách quyết liệt, những người bán hàng mới chịu bỏ đi.

Mới đây, UBND TP Hà Nội vừa ban hành Kế hoạch số 119/KH-UBND về việc phòng ngừa, đấu tranh với các hành vi đeo bám, chèo kéo khách, xâm phạm sở hữu tài sản của du khách tại các điểm du lịch trên địa bàn Thành phố.

Cụ thể, đẩy mạnh công tác phòng ngừa, đấu tranh với các hành vi đeo bám, chèo kéo, xâm phạm sở hữu của du khách, tập trung ngăn chặn không để các ổ nhóm đối tượng hình sự hoạt động phạm tội công khai, lộng hành, gây bức xúc trong dư luận quần chúng nhân dân, đảm bảo tuyệt đối an toàn cho du khách, đặc biệt là du khách nước ngoài đến tham quan, du lịch trên địa bàn Thủ đô.

Tăng cường công tác phối hợp giữa các Sở, ban, ngành, tổ chức chính trị – xã hội trong tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, cảnh báo các phương thức, thủ đoạn hoạt động phạm tội và các hành vi vi phạm pháp luật… để người dân, du khách chủ động phòng ngừa, tạo ý thức tự bảo vệ, giữ gìn tài sản của mình.

Đồng thời phát động phong trào toàn dân tham gia đấu tranh, phát hiện, ngăn chặn, tố giác hành vi đeo bám, chèo kéo khách, xâm phạm sở hữu tài sản của du khách tại các điểm du lịch.

Nâng cao hiệu quả công tác phát hiện, đấu tranh, xử lý nghiêm đối với các hành vi đeo bám, chèo kéo khách, xâm phạm tài sản sở hữu của du khách, không để tái diễn tại các địa bàn công cộng, các điểm du lịch… nhằm tạo môi trường du lịch an toàn, lịch sự và hài lòng của du khách đến Thành phố tham quan, du lịch.

Theo quan sát, xung quanh khu vực Văn Miếu Quốc Tử Giám có rất nhiều biển báo cấm bán hàng rong nhưng trên thực tế vẫn có khoảng 7 đến 8 đối tượng thường xuyên bán rong với các sản phẩm như nước uống, nón mũ, quạt giấy, tranh ảnh…cho khách du lịch đến đây tham quan. Thậm chí, ở thời điểm hiện tại là vào mùa nắng nóng, nhu cầu uống nước nhiều, có đến 4 quán nước “di động” bày bán dọc trên vỉa hè Văn Miếu.

Gọi là “di động” bởi các quán nước này được bán với những “đồ nghề” rất thô sơ, nước được đựng trong thùng xốp, thùng tôn thiết kế bánh xe có thể dễ dàng di chuyển. Những quán nước này “chiếm” ngay lối đi lại, gây cản trở cho du khách vào những thời điểm đông người qua lại.

Tại một số di tích lịch sử khác như khu vực đền Ngọc Sơn, Phủ Tây Hồ… hiện tượng bán hàng rong, chèo kéo khách cũng thường xuyên xảy ra. Mặc dù, đã có nhiều biển cấm, lực lượng chức năng đã nhiều lần xử lý vi phạm thế nhưng một số người bán hàng rong vẫn mặc sức tung hoành.

Được biết, theo quy định của thành phố Hà Nội, hoạt động bán hàng rong, chèo kéo khách du lịch tại các khu di tích bị cấm tuyệt đối. Tuy nhiên, khó khăn ở chỗ, mức xử phạt hành chính đối với các đối tượng này không đủ sức răn đe. Khi thấy có lực lượng chức năng kiểm tra thì họ tản đi chỗ khác, nếu không có người ứng trực, họ sẽ lại quay lại đeo bám khách.

Chị Nguyễn Hồng Hà (Cầu Giấy) chia sẻ: “Tôi thường xuyên cho con đi đến Văn Miếu, Hồ Gươm chơi vào những ngày cuối tuần. Không ít lần, tôi chứng kiến tình trạng người bán hàng bán cho du khách quốc tế với giá gấp đôi, gấp ba. Hơn nữa, một số người bán hàng còn cố tình chèo kéo khiến du khách vô cùng khó chịu. Bản thân tôi cho rằng, việc bán hàng rong không phải là xấu, nhưng tại một số địa điểm đã có biển cấm thì việc người bán hàng vẫn bày bán tràn lan trên vỉa hè, chiếm không gian đi lại của du khách gây ra rất nhiều bất cập”.

Cần có chế tài đủ mạnh

Không chỉ riêng những khu di tích lịch sử, hiện nay trên nhiều tuyến phố “Cấm bán hàng rong” tại Hà Nội như: Đinh Tiên Hoàng, Lê Thái Tổ, Bà Triệu, Tràng Thi (quận Hoàn Kiếm); Kim Mã, Sơn Tây, Nguyễn Chí Thanh, Liễu Giai, Thanh Niên (quận Ba Đình); Phố Huế, Bạch Mai (quận Hai Bà Trưng); Khâm Thiên, Thái Hà (quận Đống Đa)… tình trạng hàng rong hoạt động vẫn diễn ra khá phổ biến.

Điều này đặt ra một dấu hỏi lớn: Phải chăng sau một thời gian thực hiện nghiêm chỉnh, quy định này đã bắt đầu không còn mang tính “thời sự”; các đơn vị chức năng, chính quyền địa phương cũng đã thiếu đi sự kiên quyết trong việc kiểm tra, nhắc nhở, xử lý nghiêm các vi phạm.

Một số gánh hàng rong, xe tự chế rong ruổi trên các con đường của Thủ đô, đặc biệt là tại các khu du lịch đông người qua lại cũng gây nguy cơ mất an toàn giao thông và an toàn vệ sinh thực phẩm. Không chỉ có thế, vấn nạn hàng rong cũng gây méo mó tới hình ảnh văn minh vốn có của đô thị, do những người bán hàng rong không bán cố định một chỗ nên gây khó khăn cho việc quản lý của cơ quan chức năng.

Việc loại bỏ các gánh hàng rong cũng là một câu hỏi đặt ra khi đa phần những người này có hoàn cảnh khó khăn. Vì thế, việc quy hoạch và xây dựng các địa điểm cố định để bán hàng và tạo cơ hội cho du khách có thể lựa chọn theo hình thức mua bán này là rất cần thiết.

Văn Miếu Quốc Tử Giám, Hồ Gươm, Phủ Tây Hồ hay bất cứ một địa điểm du lịch nào khác trên địa bàn Hà Nội cũng đều là những không gian văn hóa đặc sắc của Thủ đô nên phải được giữ gìn an ninh trật tự, môi trường sạch sẽ. Đặc biệt, nơi đây còn có nhiều du khách quốc tế với mong muốn ngắm vẻ đẹp cổ kính của Thủ đô nghìn năm văn hiến.

Do vậy, việc người bán hàng rong bày bán tràn lan, hay chèo kéo, “chặt chém” du khách là một hành vi còn “chưa đẹp”. Thiết nghĩ, các cơ quan chức năng cần có những chế tài đủ mạnh để du khách đến Hà Nội sẽ không phải chứng kiến bất kỳ hành vi thiếu thiện chí nào của người bán hàng, đồng thời nâng tầm giá trị Hà Nội sạch, đẹp, văn minh trong mắt bạn bè quốc tế.

K. Tiến

Nguồn :