Ngày 26-11, VCCI tổ chức cho Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) và doanh nghiệp đối thoại trong lĩnh vực giao thông đường bộ. Hàng loạt vấn đề nóng như hệ thống biển báo tải trọng cầu, đường đánh đố; phiền toái khi nộp tiền vi phạm giao thông… đã được các doanh nghiệp nêu ra vẫn chưa có lời giải.
Biển báo tải trọng: Kiểu gì cũng bị phạt
Theo ông Lương Hoàng Trung – Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hàng hóa chúng tôi biển báo tải trọng cầu, đường đang làm các tài xế, doanh nghiệp đau đầu.
“Chúng tôi không biết hiểu thế nào cho đúng về biển báo cầu, đường. Theo quy định của Bộ GTVT, đường thì được cắm biển báo tải trọng trục nhưng cầu lại tính theo tổng trọng tải cả hàng và xe, dẫn đến tình trạng cầu, đường bất nhất. Chưa kể có những cây cầu mà chiều dài ngắn hơn xe nhưng khi xe qua vẫn bị phạt vì quá tải” – ông Trung than rồi khẳng định luôn: “Phạt thế là sai, là chẳng theo quy định nào cả, cầu ngắn hơn xe nên xe có nằm toàn bộ trên cầu đâu mà bảo là quá tải?”.
Ông Trung “tố” tiếp: Nhiều xe qua trạm cân thì không quá tải nhưng khi qua cầu lại bị CSGT xử phạt vì quá tải trọng. Chưa hết, vì sao tàu hỏa kéo cả chục container chạy vèo vèo qua cầu thì không sao nhưng xe ôtô đầu kéo container chạy qua là bị xử phạt? Tại sao đến bây giờ Tổng cục Đường bộ vẫn không giải thích được ý nghĩa của biển báo tải trọng cầu, đường? Ông tiếp: “Nếu Bộ GTVT và Bộ Công an không ngồi lại với nhau để thống nhất về xử phạt thì ngành vận tải còn khốn đốn dài dài” – ông Trung than.
Đường thì cắm biển tải trọng trục nhưng cầu lại tính cả hàng và xe. Ảnh: HTD
Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam Nguyễn Mạnh Hùng và Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hàng hóa đường bộ Đà Nẵng Trần Viết Hòe cũng đề nghị làm rõ biển báo quy định tải trọng cầu, đường. “Dọc các tuyến quốc lộ có hàng trăm cây cầu gắn biển hạn chế tải trọng ở mức 15, 20, 25 tấn và yêu cầu các phương tiện phải hạ tải, gây khó cho doanh nghiệp và làm phát sinh tiêu cực” – ông Hòe nói. Còn ông Hùng thì đề nghị nâng mức trọng tải đối với xe đầu kéo sơmi rơmoóc từ 40 tấn lên 48 tấn cho phù hợp với thông lệ quốc tế.
Đáp lại các kiến nghị trên, ông Nguyễn Văn Hồng, Vụ phó Vụ Kết cấu hạ tầng (Bộ GTVT), giải thích: Thông tư 07 được xây dựng dựa trên cơ sở của Hiệp hội Cầu, đường thế giới và hiện nay cũng chỉ có vài nước như Cộng hòa Séc, Hà Lan có quy định trọng tải xe container trên 40 tấn. Việc quy định trọng tải như vậy nhằm bảo vệ cầu, đường không bị hư hỏng. Tuy nhiên, ông Hồng hứa sẽ nghiên cứu và có thể nâng trọng tải cho phù hợp.
Hành dân khi nộp phạt
Theo ông Lương Hoàng Trung, hiện các cơ quan chức năng thường buộc người vi phạm giao thông phải trực tiếp đi nộp phạt, nhận lại các giấy tờ đã bị tạm giữ. Điều này dẫn đến tình trạng có trường hợp mức phạt chỉ 200.000 đồng nhưng tài xế phải mất hai, ba ngày với chi phí cả triệu đồng để đi nhận lại các giấy tờ.
“Thủ tục này đang gây ra rất nhiều khó khăn cho các doanh nghiệp và tài xế, nhất là khi bị xử phạt ở các tỉnh, thành phố xa. Phải chăng những phiền hà trên xuất phát từ quy định tiền thu phạt vi phạm hành chính điều tiết 100% cho ngân sách địa phương và một phần hỗ trợ kinh phí cho cơ quan, tổ chức xử lý vi phạm. Quy định này làm méo mó chức năng, nhiệm vụ của CSGT và Thanh tra giao thông. Nhiều cán bộ, chiến sĩ thay vì chú trọng vào nhiệm vụ điều phối giao thông lại chú trọng vào xử phạt, thậm chí không vi phạm vẫn gọi vào để kiểm tra. Do đó, cần bãi bỏ quy định trên, tất cả tiền xử phạt vi phạm hành chính nộp về cho ngân sách trung ương quản lý, đồng thời cho phép lái xe được quyền lựa chọn nơi đóng phạt” – ông Trung đề xuất.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng thì nêu: Việc buộc người vi phạm giao thông phải học và kiểm tra lại Luật Giao thông đường bộ trước khi nhận lại giấy tờ xe, bằng lái là trái với Pháp lệnh Xử phạt vi phạm hành chính, trái với nguyên tắc mỗi hành vi vi phạm chỉ xử lý một lần. Nếu áp dụng việc học lại, kiểm tra lại là cơ quan chức năng đã xử phạt người vi phạm đến ba lần. Chưa kể là còn gây phiền hà, dễ dẫn tới nhũng nhiễu.
Theo ông Nguyễn Văn Thuấn, Vụ trưởng Vụ An toàn giao thông, khi xây dựng Nghị định 34, đã có rất nhiều ý kiến khác nhau về việc học, kiểm tra lại luật. Tuy nhiên, trong các văn bản trước đó đã có quy định việc này nên khi xây dựng nghị định, ban soạn thảo đã lấy lại quy định này và thống nhất nâng mức bắt buộc học lại Luật Giao thông đường bộ từ 30 ngày lên 60 ngày… Nghe thế, ông Nguyễn Mạnh Hùng nói ngay: “Đây là lý lẽ thiếu thuyết phục”.
Không phải cứ kiến nghị là sửa
Với quy định buộc xe khách chỉ được phép đón, trả khách tại bến đi và bến đến và đã bị doanh nghiệp vận tải phản ứng mạnh trong các hội nghị trước đây, Vụ trưởng Vụ Vận tải Trần Ngọc Thành hứa: Bộ GTVT sẽ tiếp tục xem xét quy định này theo hướng hài hòa lợi ích của hành khách, doanh nghiệp và xã hội chứ không thể sửa ngay theo ý của doanh nghiệp, hành khách, hay của địa phương.
NGUYỄN DÂN