Hiện nay, người tham gia giao thông, các lái xe và cảnh sát giao thông hiểu không thống nhất về các biển báo nói trên, dẫn đến tranh luận không dứt, mỗi người một ý và thường gây ra căng thẳng khi bị xử phạt. Nguyên do là từ một số văn bản pháp quy như Thông tư, Nghị định, QCVN về giao thông đường bộ đã dùng chưa đúng, không nhất quán và lẫn lộn các từ KHỐI LƯỢNG, TRỌNG LƯỢNG, TRỌNG TẢI và TẢI TRỌNG.
Các Luật sư, Thẩm phán và người quản lý cũng căn cứ vào các văn bản với từ ngữ chưa đúng và chưa nhất quán nên khi đứng trước các thắc mắc khiếu nại hoặc trước câu hỏi của nhà báo, họ không thể giải thích được rõ ràng.
Ở trường lái xe, giáo viên giảng giải đáp án theo văn bản; còn học viên thụ động chấp nhận, miễn sao qua được kỳ thi để sớm có Giấy phép lái xe, mà không quan tâm đến lý do vì sao phải có các biển báo này.
Tình trạng hiểu mơ hồ như vậy đã xảy ra khá nhiều trong thực tế trên đường, thậm chí dẫn đến vụ án, như vụ tài xế Phan Đình Anh ở Nghệ An, hoặc có thể đọc thấy trên các trang báo, các diễn đàn hay trên mạng, khi ta tìm đến các từ khoá “Tải trọng hay trọng tải”, “Biển báo 106b”, “Vụ án Phan Đình Anh”, vv.
1) Phân loại các số đo khối lượng của một xe
Một xe có nhiều thông số về khối lượng; tất cả đều đo bằng kilôgam (kg) hoặc tấn (t). Chúng được chia thành hai nhóm.
Nhóm 1 gồm các thông số không đổi sau đây, xuất phát từ chủ định của nhà thiết kế chế tạo xe ban đầu hoặc khi cải tạo xe cũ. Do đó chúng thuộc hồ sơ của xe và được ghi trong Giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường (viết tắt: Giấy CNKĐ) do Đăng kiểm cấp:
+ Khối lượng bản thân xe. Khối lượng bản thân xe là khối lượng ở trạng thái tĩnh của xe khi không chở gì (tức là khi khối lượng chở bằng không).
Thông số này được xác định khi xe xuất xưởng chế tạo ban đầu hoặc khi cải tạo xe cũ; nó bao gồm cả các khối lượng đi liền với thân xe như dầu bôi trơn và nhiên liệu ở mức quy định, bộ đồ sửa chữa thông thường, bánh xe dự phòng, bình chữa cháy;
Đây là khối lượng lớn nhất có thể chở được của một phương tiện vận tải. Nói xe 5 tấn hay xe 10 tấn thì 5 t hay 10 t là trọng tải của xe, tương tự như nói tàu biển 50 000 tấn, cần trục 16 tấn, sà lan 100 tấn, thang máy 750 kg (10 người).
Thay cho từ trọng tải, đối với phương tiện chở người, người ta dùng từ sức chở, để phân biệt loại xe theo sức chở, chẳng hạn xe 5 chỗ, 14 chỗ, 42 chỗ, vv.
Như vậy, trọng tải không phải là khối lượng chở thực trên đường, cũng không bao gồm khối lượng bản thân xe. Ngoài việc được ghi trong Giấy CNKĐ, con số trọng tải cố định này cũng còn được ghi trên cánh cửa buồng lái xe tải.
Khi đặt thiết kế, người ta đã định ra trọng tải. Các bộ phận của xe đều được chế tạo phù hợp để chịu được trọng tải ấy. Chở vượt trọng tải sẽ làm vượt sức chịu đựng của xe, có thể gây tai nạn trên đường, chẳng hạn do nổ lốp, đổ vỡ thùng xe, gẫy nhíp hoặc khung gầm, mất tác dụng lái và phanh hay bị lật khi vào đường vòng do quán tính lớn, vv. Do đó, vì mục đích an toàn kỹ thuật của bản thân xe mà không phải vì cầu hay đường yếu, xe vượt trọng tải không được lăn bánh trên bất kỳ tuyến đường nào, tức là không được lưu thông.
+ Tổng khối lượng lớn nhất là bằng khối lượng bản thân cộng với trọng tải. Thông số cố định này cũng được ghi trong Giấy CNKĐ. Khi xe chở vượt trọng tải thì kết quả cân toàn bộ xe sẽ lớn hơn tổng khối lượng lớn nhất này.
Nhóm 2 gồm ba số đo biến đổi sau đây:
+ Khối lượng chở. Trừ những thứ đã thuộc khối lượng bản thân xe, khối lượng chở là khối lượng của người, hành lý, hàng hoá, súc vật và các vật dụng khác đang chở trên xe.
Tuỳ theo mỗi chuyến vận tải trên đường mà khối lượng chở có thể thay đổi nặng nhẹ khác nhau, và do đó nó làm cho hai số đo sau đây cũng thay đổi theo;
+ Khối lượng trên trục là phần của khối lượng toàn bộ xe phân bổ trên mỗi trục xe. Như vậy, tổng các khối lượng trên trục bằng khối lượng toàn bộ xe, nhưng nói chung, các khối lượng trên trục là không bằng nhau, phụ thuộc vào trọng tâm khi chất hàng.
2) Mục đích của các biển báo
Biển 106b – Cấm xe tải có trọng tải vượt con số ghi trên biển
Trong khi các biển 115 và 116 nhằm mục đích bảo đảm an toàn cho kết cấu cầu và đường thì biển cấm 106b nhằm mục đích hoàn toàn khác: Có những đoạn tuyến đông chật hay ùn tắc, khó tránh nhau hay quay đầu, không có chỗ cho dừng đỗ hoặc vì những lý do dân sinh như bụi, tiếng ồn, có trường học, bệnh viện, vỉa hè hẹp… người ta phải cấm loại xe tải có trọng tải lớn hơn một mức nhất định đi vào. Ví dụ trên Hình 1b là cấm xe có trọng tải lớn hơn 2,5 tấn.
Cũng vì vậy, các loại xe vừa cồng kềnh vừa ồn như máy kéo và xe máy chuyên dùng cũng bị cấm.
Có cùng mục đích như biển 106b, chỉ khác là với đoạn tuyến có yêu cầu nghiêm ngặt hơn. Biển 106a cấm mọi xe tải (nên trên biển không ghi con số trọng tải cụ thể), tức là tất cả các xe có trọng tải từ 1500 kg trở lên, trừ các xe được ưu tiên theo quy định.
Như biển 106b, biển này có hiệu lực cấm cả máy kéo và các xe máy chuyên dùng.
Biển 115 – Giới hạn khối lượng toàn bộxe không được vượt
Đối với những cây cầu yếu hoặc chưa đồng bộ trên tuyến, biển 115 được cắm ở hai đầu cầu để cấm xe có khối lượng toàn bộ lớn hơn con số ghi trên biển,nhằm mục đích đảm bảo an toàn cho kết cấu của cầu. Ví dụ, Hình 1c là biển cấm các xe có khối lượng toàn bộ (khối lượng bản thân + khối lượng chở) lớn hơn 10 tấn. Xe có khối lượng toàn bộ vượt giới hạn này đi lên cầu là vi phạm, có thể làm hư hỏng dẫn đến sụp đổ cầu.
Biển này có hiệu lực với xe cơ giới và xe thô sơ, kể cả xe ưu tiên.
Biển 116 – Giới hạn khối lượng trên trục xe không được vượt
Đối với những đoạn đường yếu, người ta cắm biển 116 để cấm xe có khối lượng trên trục lớn hơn con số ghi trên biển,nhằm mục đích đảm bảo an toàn cho kết cấu mặt đường. Ví dụ, Hình 1d là biển cấm các xe có khối lượng trên trụclớn nhất vượt quá 7 tấn.
Biển này có hiệu lực với xe cơ giới và xe thô sơ, kể cả xe ưu tiên.
Vì sao, biển 115 ghi giới hạn khối lượng toàn bộ xe, còn biển 116 lại ghi giới hạn khối lượng trên trục? Lý do là ở chỗ, khi các kỹ sư thiết kế tính toán sức chịu tải của cầu, mỗi chiếc xe với khối lượng toàn bộ của nó được coi là gây ra một lực tập trung; còn khi tính toán sức chịu tải của đường, người ta lại quan tâm đến áp suất bánh xe tác dụng xuống mặt đường. Chính khối lượng trên trục gây ra trọng lực trên trục, và lực này truyền xuống lốp xe tạo ra áp suất đó.
Các biển báo 115 và 116 là biểu hiện sức chịu tải của đường bộ (cầu/đường). Các giới hạn khối lượng ghi trên đó được cơ quan có thẩm quyền đưa ra, sau khi các nhà chuyên môn đã phân tích và thử nghiệm tình trạng suy yếu của kết cấu cầu/đường, có xét đến các yếu tố kinh tế trong việc sửa chữa nâng cấp cầu/đường trong ngắn hạn hay dài hạn.
Xe có khối lượng toàn bộhoặc khối lượng trên trụcvượt các giới hạn tương ứng nói trên được gọi chung là xe quá sức chịu tải của đường bộ (ngắn gọn là quá sức tải đường bộ), phân biệt với xe vượt trọng tải.
Những xe tải nặng và xe container thường vi phạm hai biển cấm này khi chạy trên các tỉnh lộ và đường cấp thấp, từ cấp IV đến cấp VI.
3) Cách thức nhận biết các vi phạm
+ Đối với biển 106a. Cách thức nhận biết một xe có vi phạm biển 106a hay không là khá đơn giản. Chỉ cần xem xe đó có phải là xe tải (tức là xe có trọng tải từ 1500 kg trở lên) hay không.
+ Đối với biển 106b. Nhân viên kiểm tra chỉ nhìn bên ngoài xe hoặc xem Giấy CNKĐ là biết xe thuộc loại nào, trọng tải bao nhiêu. Nếu xe có trọng tải lớn hơn con số ghi trên biển 106b đi vào thì xe đó vi phạm biển cấm này, mà không cần phải cân xe hay làm một phép tính cộng nào cả, tức là không phải xét đến khối lượng bản thân xe cũng như khối lượng chở trên xe, thậm chí xe không chở gì cũng là vi phạm.
+ Đối với biển 115. Trong trường hợp có kết quả cân khối lượng toàn bộ xe, xe sẽ vi phạm nếu kết quả cân xe (sau khi trừ đi sai số quy định của thiết bị cân) lớn hơn con số ghi trên biển 115.
Nếu kết quả cân xe nói trên lớn hơn cả tổng khối lượng lớn nhất(khối lượng bản thân + trọng tải, ghi trong Giấy CNKĐ) thì chiếc xe này còn có thêm vi phạm thứ hai – vượt trọng tải.
Trong trường hợp không có kết quả cân xe, nhân viên kiểm tra có thể lấy khối lượng chở (xem trong Chứng từ vận tải, Vận đơn) cộng với khối lượng bản thân xe (xem trong Giấy CNKĐ). Xe sẽ vi phạm nếu kết quả phép cộng này lớn hơn con số ghi trên biển.
Nếu riêng khối lượng chở (trong vận đơn) lớn hơn trọng tải (trong Giấy CNKĐ hoặc trên cánh cửa xe) thì chiếc xe này còn có thêm vi phạm thứ hai – vượt trọng tải.
+ Đối với biển 116. Các thiết bị cân xe hiện nay có thể cân được khối lượng trên mỗi trục. Tổng các khối lượng trên trục cũng là khối lượng toàn bộ xe. Xe sẽ vi phạm, nếu kết quả cân khối lượng trên trục lớn nhất (sau khi trừ đi sai số quy định của thiết bị cân) lớn hơn con số ghi trên biển 116.
Xe vi phạm các biển cấm 115 và 116 được gọi chung là xe quá sức tải đường bộ.
Trong bài đã dùng một số từ ngữ khác với văn bản pháp quy, chẳng hạn dùng nhất quán từ ” khối lượng“thay cho ” tải trọng” và ” trọng lượng“, từ ” quá sức tải đường bộ” thay cho từ ” quá tải trọng“, từ ” giới hạn” thay cho từ ” hạn chế“, từ ” trọng tải” ngắn gọn thay cho cả một cụm từ dài dòng, lặp đi lặp lại dễ nhầm lẫn ” khối lượng chuyên chở cho phép xác định theo Giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện giao thông cơ giới đường bộ “, vv.
Với sự thay đổi các từ ngữ như trên, hy vọng bạn đọc sẽ thấy dễ hiểu, chính xác và các bên có thể thống nhất trong việc xử lý các vi phạm trên đường.