Biển số xe là NN nhưng chủ là người Việt.
Chỉ tay vào chiếc Mercedes Kompressor, bảng số NN – 04… còn mới tinh, Đức nói: “Con xe đó em mua của một tay người Nhật ở khu công nghiệp Biên Hòa”. Tôi hỏi Đức: “Không sang tên lỡ Cảnh sát giao thông hỏi thì sao?”. Đức cười: “Mấy ổng ít khi thổi xe NN lắm nếu mình không phạm luật”.
Biển số NN là biển số cấp cho xe cộ của người nước ngoài vào làm việc lâu dài tại Việt Nam trong một dự án nào đó, hoặc người nước ngoài được Chính phủ hay các cơ quan Nhà nước mời sang cộng tác, hoặc người ở trong các sứ quán, lãnh sự quán nhưng lại không phải là cán bộ ngoại giao (cán bộ ngoại giao đi xe mang biển kiểm soát NG) và hầu hết là loại du lịch 4 chỗ, hoặc xe 4 cầu việt dã. Theo quy định, những loại xe ấylà hàng tạm nhập, tái xuất – nghĩa là hết thời gian công tác, khi xuất cảnh họ phải mang xe ra. Còn nếu muốn bán vì lý do xe thường xuyên hư hỏng, hoặc không cần đến nữa, họ phải lập hội đồng thanh lý, có sự tham dự của một số cơ quan chức năng Việt như Thuế, Tài chính, Hải quan rồi sau khi bán xong, bên mua phải làm thủ tục sang tên ngay.
Tuy nhiên, có những cá nhân làm việc trong dự án, trước khi chuẩn bị ra về, họ thường bán tống bán tháo rồi để mặc người mua muốn xoay kiểu nào thì xoay mặc dù theo quy định, thì đơn vị mua xe phải có tư cách pháp nhân và sau đó, tùy theo nhu cầu, đơn vị này có thể bán từng chiếc hoặc vài chiếc hay nguyên cả lô cho người sử dụng. Lại có người làm việc trong một số sứ quán, khi hết hạn công tác, họ bán chiếc xe NN của họ rồi lúc xuất cảnh, họ giải thích với cán bộ Hải quan: “Để lại cho người đến sau sử dụng”. Thế là huề!
Đức cho biết: “Cũng có người bán ngay khi xe mới nhập vào, nhưng người bán lẫn người mua thỏa thuận là chưa sang tên vội. Xe NN không phải đóng thuế nhập khẩu nên mua giá nào cũng rẻ. Được 3 hay 4 năm, họ mới xin lập hội đồng thanh lý và người mua không ai khác hơn là người đã… ngự trên chiếc xe ấy ba bốn năm trời. Khi đó, xe xuống cấp rồi, thuế rẻ”. Nếu gặp sự cố, chẳng hạn như va quệt nhẹ, hoặc vượt đèn đỏ, chạy ngược chiều, chạy quá tốc độ quy định, chủ xe sẵn sàng đứng ra nhìn nhận với cơ quan chức năng, rằng xe mình cho bạn bè mượn! Còn nếu người mua xe gây tai nạn chết người, thì chủ xe gãi đầu gãi tai: “Tôi bảo họ sang tên ngay mà họ cứ lần lữa…”.
Một Tổng cục phó Tổng cục Hải quan khi trao đổi với tôi, đã nói: “Ở Hà Nội, xe biển số NN nhưng chủ là người Việt chạy đầy, toàn xe cao cấp. Biết rõ đấy, nhưng rất khó xử lý”. Nếu bị Cảnh sát giao thông thổi còi kiểm tra, người lái xe đưa ra giấy tờ đầy đủ như giấy đăng ký xe, giấy phép lưu hành, bằng lái với lý do: “Mượn bạn bè ở dự án này, sứ quán kia đi… đám cưới”.
Tôi theo Đức “ngự” trên con xe Kompressor. Tới quán bar – cà phê Paloma trên đường Đồng Khởi, Đức chỉ vào chiếc Chrysler màu đen, biển số một tỉnh miền Tây, nhưng vẫn là NN, đậu sát lề, nói: “Cả Việt Nam chỉ có chiếc này là chiếc duy nhất, giá 2 tỉ rưỡi, nếu không kể đến chiếc của anh H., biệt hiệu là H. “Heineken” nhưng anh H. bán rồi. Nó có 8 máy, dung tích xylanh 6,5 lít, “đạp” hết ga nó phi 220km/giờ, uống xăng như uống… nước suối La Vie!”. Tôi hỏi chủ nó là ai, Đức cười: “Con của một đại gia trong ngành kinh doanh bia rượu”.
Sau vài lời giới thiệu của Đức, Thịnh, chủ nhân chiếc Chrysler niềm nở bắt tay tôi rồi hỏi tôi uống gì. Buôn có bạn, bán có phường, dân chơi ôtô cũng có riêng một hội. Trong câu chuyện mà Đức và Thịnh trao đổi, vẫn chỉ là… xe. Từ dàn âm thanh nổi khi mở lên, không khác gì vũ trường đến màn hình tinh thể lỏng 14 inches coi DVD. Từ chiếc mặt nạ inox “không đụng hàng” ốp trước mũi xe đến cái camera bé tí, gắn ở kính chiếu hậu mà mỗi khi lùi xe, chỉ cần nhìn vào màn hình.
Thịnh nói: “Cũng có nhiều tay, chơi biển số NN dỏm”. Tôi hỏi: “Dỏm là sao?”. “Là cái xe đó đã xuất cảnh rồi, nhưng bằng cách nào đó, họ xin được cái bảng số rồi gắn vào xe mình, hù thiên hạ. Chạy mấy chiếc xe này phập phù lắm. Bị Cảnh sát giao thông “vịn” là coi như hết phim”.
Theo lời Thịnh, ở Tp. Cần Thơ, đã lác đác xuất hiện dân chơi ôtô nhưng điều đặc biệt là tất cả những dân chơi này đều chê ôtô lắp ráp trong nước, mà săn lùng những con xe nhập nguyên chiếc. Cũng theo Thịnh, chơi xe hơi đồng nghĩa với việc chứng tỏ mình giàu có và tùy theo ngành nghề, các đại gia ở Cần Thơ có những cách chơi xe hơi khác nhau. Chỉ cần nhìn vào hiệu xe mà họ đang đi, có thể đoán được họ đang làm ăn trong lĩnh vực nào. Thịnh nói: “Nửa tiếng nữa em về dưới. Nếu sư huynh rảnh, đi theo em một chuyến cho biết”.–PageBreak–
Đi thì đi. Tôi leo lên chiếc Chrysler của Thịnh để tận mục sở thị. Đoạn Cai Lậy, Cái Bè, đường rộng, vắng, Thịnh “đạp” tới 160km/giờ nhưng chỉ dám “đạp” một đoạn ngắn. Thịnh nói: “Mình đi ngõ An Hữu, vòng qua Long Xuyên để em chỉ anh coi mấy con xe độc rồi về Cần Thơ nhậu”. Trước đây, “ngự” ôtô ở Cần Thơ, nhưng mang biển kiểm soát của Tp. HCM là oách lắm rồi, còn bây giờ dân chơi miền Tây cũng tìm cách để kiếm cái bảng số NN nhưng không phải ai cũng kiếm được, và 3 loại ôtô mà họ ưa chuộng nhất là BMW, Mercedes và Toyota Lexus. Hễ thấy ai đó ngự trên chiếc BMW, biển số trắng thì 90% là dân kinh doanh vàng bạc, còn ngự trên con Lexus thì đích thị là dân xây dựng. Riêng giới kinh doanh thủy hải sản xuất khẩu thì lại chuộng Mercedes. Lúc chạy ngang trụ sở của một công ty chuyên sản xuất thuốc trừ sâu tại Tp. Long Xuyên, Thịnh chỉ cho tôi thấy đội xe của công ty này gồm hơn 50 chiếc Land Cruiser GX, mỗi chiếc tròm trèm 72.000 USD, đã tính thuế!
Con xe độc mà Thịnh nói, là chiếc BMW 760LI, biển số… NN. Chủ nhân của nó là T., quý tử của bà K, kinh doanh trong các lĩnh vực vàng bạc, đất đai, vận tải, hiện được coi là người giàu nhất nhì Tp. Long Xuyên. Giá của chiếc BMW đó xấp xỉ 150.000 USD đã có thuế nhưng cái “giá trị” nhất của nó chính là cái… biển số. Nghe nói khoảng một năm trước đây, T. đã vướng phải “hàng trắng”, và cơ quan chức năng từng bắt được “hàng” trong một chiếc xe chở khách 16 chỗ hiệu Mercedes-Benz của công ty do T. đứng tên làm chủ. Nhưng, chỉ một tuần sau, người ta lại thấy T. ung dung chở vợ con trên chiếc Mercedes đời E màu đen. Đưa tôi tờ giấy bạc 100 USD, Thịnh nói: “Giờ này chắc nó có ởtiệm. Anh vào, coi như vào đổi tiền để biết nó”.
Quanh co qua mấy con đường, Thịnh dừng xe trước tiệm vàng bạc K. Đúng như Thịnh nói, T. lúc ấy đang tiếp khách. Tuổi chỉ hơn 30, T. có dáng người thấp, đậm, hai cánh tay xăm vằn vện hình rồng, phượng. Ngay trước cửa, chếch về phía trái, là chiếc BMW đời 760 đỗ chễm chệ. Trong lúc chờ một nhân viên đổi tờ 100 USD ra tiền Việt, tôi như vô tình, khen con xe của ai mà “chiến” quá. Như gãi đúng chỗ ngứa, T. cười: “Của em đó, huynh à”. Làm ra vẻ ngạc nhiên, tôi hỏi: “BMW ở Việt hầu hết là đời 3, ông kiếm đâu ra chiếc này vậy, lại bảng số nước ngoài nữa?” – “Huynh có vẻ rành xe dữ ha. Huynh chơi xe gì?”.Tới lượt tôi cười: “Mới đổi con Mitsubishi Grandix” trong lúc tài sản của tôi chưa chắc mua nổi cái khung xe. T. nhếch mép: “Cái đó chỉ để gia đình đi nghỉ mát…”.
Về tới Cần Thơ, trời đã sẩm tối. Thịnh chỉ cho tôi xem một chiếc Camry “3 chấm” V6, đời 2005 của một đại gia “mực lá, cá basa”, và chiếc Lexus GX 470, giá không dưới 2,5 tỉ đồng của con một đại gia ngành xây dựng. Cả hai chiếc đều mang biển kiểm soát Tp. HCM. Thịnh nói: “Thằng này đang máu cái biển số NN lắm. Nó gạ em kiếm cho nó hoài. 10 vé (1.000 USD) là nó chi đẹp”. Tuy nhiên, ở các tỉnh miền Tây, dự án của nước ngoài vào đây vẫn còn ít, nên xe mang biển số NN – nhất là nó lại được điều khiển thường xuyên bởi những người “phường biết mặt, quận biết tên” thì sớm muộn gì cũng bị hỏi thăm nên dân chơi đành hài lòng với số “gánh”, số “tiến”.
Một cán bộ cảnh sát giao thông nói: “Nhiều vụ va quệt xảy ra giữa xe mang biển số NN với xe của người trong nước. Khi xác minh, mới biết chiếc NN ấy đã được chủ nó bán từ lâu rồi. Tìm ra chủ mới, sau khi xử phạt hành chính, chúng tôi buộc họ phải hoàn thành thủ tục sang tên thì mới được phép lưu hành”. Một cán bộ lãnh đạo Cục Hải quan Đồng Nai cho biết thêm: “Nếu người mua xe mang biển số NN mà không làm thủ tục sang tên, thì khi phát hiện, họ sẽ bị xử phạt về tội trốn thuế”. Tuy nhiên trước đây, dân chơi xe biển số NN thường lợi dụng kẽ hở bằng cách móc ngoặc với một số cán bộ giám định, để hạ giá trị sử dụng chiếc xe xuống còn 40 hoặc 50% nhằm giảm tiền thuế. Nhưng nay, cũng theo lời vị lãnh đạo Hải quan Đồng Nai, thì: “Chúng ta đã bịt được kẽ hở đó bằng cách giám định theo đời xe và năm sản xuất”. Sau khi giám định, chủ xe sẽ phải nộp tiền truy thu thuế rồi mới được làm thủ tục sang tên.
Ăn nên làm ra, bây giờ sở hữu một chiếc ôtô giá 100.000 USD trở lên đối với một số người là chuyện bình thường. Tuy nhiên, “ngự” trên một con xe biển kiểm soát NN mà không chịu sang tên sở hữu thì oách đâu chưa thấy, chỉ thấy nỗi lo canh cánh trong lòng mỗi khi ngồi trước vô lăng..