Trong năm 2020, việc học và thi lấy giấy phép lái xe ô tô hay còn gọi nôm na là bằng lái ô tô sẽ có một số điều chỉnh mà người dân cần lưu tâm để đạt được hiệu quả cao nhất, tiết kiệm thời gian và công sức.
Chẳng hạn, theo Thông tư 38/TT-GTVT của Bộ Giao thông Vận tải, có một số điểm thay đổi đáng lưu ý như điểm danh bằng vân tay, nâng bộ câu hỏi lên 600 câu, thi trên thiết bị mô phỏng… Điều đó sẽ khiến việc học thi lấy bằng lái khó khăn hơn.
Những thay đổi mới trong việc thi bằng lái xe ô tô 2020 Phải thực hành đủ số km mới đủ điều kiện thi bằng lái ô tô
Theo Thông tư 38/TT-Bộ GTVT, quy định về đào tạo và sát hạch lái xe đã có một số sự điều chỉnh. Theo đó, phòng sát hạch lý thuyết và sân sát hạch lái xe tại các trung tâm sẽ lắp camera IP, có độ phân giải HD trở lên để truyền dữ liệu về Tổng cục Đường bộ Việt Nam và Sở Giao thông Vận tải. Khi tham gia học, học viên sẽ điểm danh bằng vân tay hoặc quẹt thẻ, nếu vắng học quá số tiết sẽ không được thi thực hành mà phải hoàn thành phần học lý thuyết.
Về phần thực hành, cơ sở đào tạo lái xe ô tô trang bị và duy trì ca bin học lái xe ô tô, thiết bị giám sát thời gian và quãng đường học lái xe trên đường của học viên theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia do Bộ Giao thông vận tải ban hành và theo lộ trình quy định tại khoản 2 Điều 47 của Thông tư này. Bắt đầu từ ngày 1.1.2021, quy định này yêu cầu học viên phải thực hành đủ số km quy định thì mới được thi.
Sau khi thi lý thuyết, các học viên sẽ phải thi bằng lái ô tô trên thiết bị mô phỏng hay còn gọi là cabin điện tử. Phòng thi này thiết kế có màn hình điện tử và vô lăng giống như cabin ô tô thật. Trên màn hình điện tử trong bài thi sẽ xuất hiện các tình huống như giao thông trên đường thường gặp. Vượt qua bài thi này mới tiếp tục chuyển sang thi phần thực hành.
Bổ sung nội dung lái xe an toàn và tác hại của bia, rượu
Theo thông tư thì từ ngày 1.1.2020, chương trình đào tạo thi bằng lái xe ô tô B1, thi bằng lái xe ô tô B2 và thi bằng lái xe ô tô hạng C sẽ có thêm nội dung học về “Phòng, chống tác hại của rượu, bia” khi tham gia giao thông.
Một số nội dung sẽ được bổ sung dù thời lượng cho từng môn học không thay đổi. Môn đạo đức người lái xe và văn hóa giao thông được đổi thành đạo đức, văn hóa giao thông và phòng, chống tác hại của rượu, bia. Trong đó “Phòng, chống tác hại của rượu, bia” chiếm 2 giờ đồng hồ.
Tăng số lượng bộ câu hỏi thi sát hạch lái xe từ 450 lên 600
Từ ngày 1/8/2020, số câu hỏi lý thuyết sẽ tăng từ 450 lên 600, bên cạnh những kiến thức cũ sẽ bổ sung nội dung mới bám sát thực tế.
Bộ 600 câu hỏi bao gồm: 166 câu về khái niệm và quy tắc giao thông đường bộ; 26 câu nghiệp vụ vận tải; 21 câu văn hóa giao thông và đạo đức người lái xe; 56 câu về kỹ thuật lái xe; 35 câu về cấu tạo và sửa chữa; 114 câu về giải các thế sa hình và kỹ năng xử lý tình huống giao thông; 182 câu về hệ thống biển báo hiệu đường bộ; trong bộ đề 600 câu này có 60 câu hỏi tình huống mất an toàn giao thông nghiêm trọng.
Câu hỏi sát hạch cấp giấy phép hạng B2, C, D, E và các hạng F gồm 600 câu. Trong đó gồm 60 câu về tình huống mất an toàn giao thông nghiêm trọng.
Câu hỏi sát hạch cấp giấy phép lái xe hạng B1 gồm 574 câu hỏi trong bộ 600 câu; trong đó có 60 câu về tình huống mất an toàn giao thông nghiêm trọng.
– Bộ đề sát hạch cấp giấy phép lái xe ô tô hạng B1 số tự động và hạng B1 gồm 30 câu.
– Bộ đề sát hạch cấp giấy phép lái xe ô tô hạng B2 gồm 35 câu.
– Bộ đề sát hạch cấp giấy phép ô tô hạng C gồm 40 câu.
– Bộ đề sát hạch cấp giấy phép lái xe ô tô hạng D, E và các hạng F gồm 45 câu.
– Bộ đề sát hạch cấp giấy phép lái xe hạng A1, A2, A3, A4 gồm 25 câu.
Theo ông Lương Duyên Thống, Vụ trưởng Vụ phương tiện và người lái (Tổng cục Đường bộ Việt Nam) chia sẻ: Điểm mới của bộ câu hỏi thi giấy phép lái xe lần này là có thêm một chương riêng. Đây là các câu hỏi điểm liệt và được thể hiện ở chương 8, bao gồm 60 câu về tình huống mất an toàn giao thông nghiêm trọng. Nếu học viên trả lời sai chỉ 1 trong 60 câu này sẽ bị đánh trượt cả bài thi. Ví dụ, nếu đề thi có 30 câu, học viên làm đúng 29 câu nhưng sai 1 câu thuộc bộ câu điểm liệt sẽ bị trượt phần thi lý thuyết.
Thi bằng lái ô tô chi phí bao nhiêu?
Với thông tư 38/TT thì người đăng ký thi bằng lái ô tô phải đảm bảo đủ giờ học, từ đầu đến cuối bao gồm tất cả các phần (lý thuyết, đạo đức người lái xe, lái xe mô phỏng 3D, cấu tạo sửa chữa xe, lái thực hành sa hình, lái xe đường trường) sẽ hơn 100 giờ.
Như vậy thì ước tính phí thi bằng lái xe ô tô hạng B2 từ 10 – 15 triệu đồng trở lên cho 1 khóa học, gấp khoảng 2, 3 lần so với hiện tại.
Phí học lái xe ô tô do các cơ sở đào tạo lái xe cơ giới tự đưa ra dựa theo nhiều yếu tố. Nhà nước không can thiệp hay quy định cụ thể cho mức học phí này, chỉ theo dõi dựa trên báo cáo của cơ sở đào tạo lái xe. Nếu cơ sở ban hành mức thu và thu học phí không đúng thì mới bị xử lý theo quy định của pháp luật.
Thi bằng lái xe ô tô cần những gì?
Để thi bằng lái 4 bánh, phổ biến nhất là thi bằng lái xe ô tô B2 (bằng chuyên nghiệp) và bằng B1 (bằng bán chuyên nghiệp) bạn cần chuẩn bị giấy tờ và thủ tục như sau:
Đơn đăng ký học lái xe ô tô
Bản sao CMTND photo không cần công chứng
10 ảnh 3×4 phông nền xanh dương (Ảnh không được đeo kính, tóc không che tai, lông mày, phải cài khuy áo)
Giấy khám sức khỏe (mẫu A3, khác với mẫu giấy khám sức khỏe đi xin việc nên bạn cần lưu ý)
Sơ yếu lý lịch không cần công chứng
Điều kiện thi bằng lái ô tô là gì?
Để thi bằng lái xe ô tô 2020 bạn cần đáp ứng những yêu cầu sau: Độ tuổi thi bằng lái xe ô tô là đủ 18 tuổi trở lên, công dân Việt Nam có hộ khẩu thường trú tại Việt Nam; Đủ năng lực chịu trách nhiệm hành vi trước Pháp luật; Có CMTND/ thẻ căn cước/ hộ chiếu còn thời hạn; Đảm bảo sức khỏe theo quy định của Bộ GTVT.
Thi thử bằng lái ô tô ở đâu?
Hiện nay có rất nhiều trung tâm đào tạo thi bằng lái ô tô xây dựng hình thức làm bài thi thử bằng lái ô tô online trang web, bạn có thể tham khảo đăng kí. Đây cũng là căn cứ để bạn đưa ra quyết định lựa chọn cơ sở uy tín, có mức học phí phù hợp để học.
Thi bằng lái ô tô quốc tế tại Việt Nam
Việt Nam đã chính thức được cấp giấy phép lái xe quốc tế có giá trị sử dụng trên 70 quốc gia. Sự tiện lợi này khiến nhiều người muốn thi bằng lái ô tô quốc tế.
Để có được bằng lái xe quốc tế ngay tại Việt Nam, bạn chỉ cần tham gia một khóa học lái xe ô tô và vượt qua kỳ thi sát hạch tại Việt Nam là được. Điều kiện để đổi bằng lái xe Việt Nam sang quốc tế: Bằng lái xe Việt Nam còn thời hạn sử dụng theo đúng quy định của bộ GTVT; Công dân phải có hộ chiếu hoặc chứng minh thư còn hiệu lực đối với nước sở tại muốn cư trú, học tập và làm việc; Ảnh 3 * 4; Chữ ký của chủ bằng lái xe. Các số đo cơ thể như chiều cao, cân nặng, màu mắt.
Thỏa mãn những điều kiện trên thì việc chuyển đổi bằng lái xe quốc tế sẽ được thực hiện theo những thủ tục sau: Bằng lái xe gốc yêu cầu phải còn thời hạn; Chứng minh thư hoặc hộ chiếu phô tô còn hiệu lực; 4 tấm ảnh 3*4.
Khi hoàn thành thủ tục, lái xe sẽ được đổi bằng lái xe tại Tổng cục đường bộ và một số Sở giao thông địa phương có nhu cầu lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng. Tổng cục đường bộ chỉ cấp phép giấy lái xe trong khuôn khổ Công ước Vienna mà Chính phủ đã ký kết.
Theo chúng tôi