Lịch trình du lịch Hà Giang tự túc 2 ngày 3 đêm (Trần Việt Anh)

Vlog review 13 địa điểm du lịch Hà Giang bạn không thể bỏ qua.

Mình vừa trở về từ Hà Giang sau chuyến đi vào đầu tháng 10/2016. Năm nay chắc là năm mình đi Hà Giang nhiều nhất, từ chuyến đi hồi tháng 3 đến giờ, mình đi Hà Giang tất cả 4 lần. Và mỗi lần là một cảm xúc rất riêng.

Chuyến đi tháng 10 này có lẽ là chuyến đi đặc biệt nhất, vì mình đi vào đầu mùa tam giác mạch, 2 năm trước mình cũng tới đây vào đầu mùa tam giác mạch, nhưng chuyến này mình thấy một Hà Giang khác.

Mình dành thời gian để đi những chỗ mình chưa từng đi bao giờ, những lối rẽ trên đường. Càng đi càng thấy những điều thú vị, điều mà mình nhớ nhất là đêm ở thôn Lũng Cẩm, Sủng Là (nơi có ruộng hoa tam giác mạch rất đẹp), chưa bao giờ mình đứng dưới bầu trời nhiều sao như thế. Đêm đấy mình ngủ lại ở thôn Lũng Cẩm.

Sáng hôm sau thức dậy, cả thung lũng Sủng Là vẫn còn chìm trong màn sương mờ ảo, khi ấy ánh nắng sớm vẫn còn lung linh trên những giọt sương, lần đầu tiên mình thấy một Hà Giang lãng mạn đến thế. Còn một điều mà mình rất thích nữa là vào mùa thu trời se se lạnh, vào ban đêm phải mặc áo khoác mỏng đi ra đường, tối ngủ đắp chăn bông cảm giác sung sướng vì trốn được cái nắng nóng oi bức ở Hà Nội.

Chỉ không thích nhất một điều là khô hanh, khắp người như chỉ muốn nứt toác ra, cũng may chỉ ở đấy mấy ngày.

Bạn có thể đọc bài viết: Du lịch Hà Giang có gì đẹp, có gì hấp dẫn? để tìm hiểu về 7 điểm đặc sắc – khác biệt của du lịch Hà Giang

Quay lại với lịch trình du lịch Hà Giang mùa hoa tam giác mạch. Mình sẽ chia sẻ lại với bạn lịch trình đi cả bằng xe máy (dựa theo kinh nghiệm chuyến đi trước) và lịch trình đi bằng ô tô khách (dựa theo mấy chuyến đi gần đây của mình).

Nên dành mấy ngày để khám phá Hà Giang?

Câu này có rất nhiều bạn email và inbox hỏi mình. Theo mình thấy 3 ngày 4 đêm là hợp lý nhất, đủ để lang thang khám phá nhiều ngõ ngách, một ngày không cần đi quá nhiều (chỉ khoảng 100-120km), có nhiều thời gian ngắm cảnh, vào nhà người dân chơi và chụp ảnh. Tuy nhiên nếu bạn nào không có nhiều thời gian có thể đi 2 ngày 3 đêm.

– Nếu bạn không nghỉ được dài ngày: Lịch trình 2 ngày 3 đêm (từ Hà Nội, 2 đêm ngủ trên xe khách) là hợp lý nhất (nhưng đi kiểu này hơi vội, chạy xe đường dài, và các bạn tay lái yếu khó có thể theo kịp lịch trình này)

– Nếu bạn muốn có nhiều thời gian trải nghiệm và khám phá hơn: lịch trình 3 ngày 4 đêm (2 đêm trên xe khách, 2 đêm ở Hà Giang) phù hợp với bạn.

Bên dưới Việt Anh sẽ chia sẻ với bạn:

Lịch trình du lịch Hà Giang 2 ngày 3 đêm

Và lịch trình du lịch Hà Giang 3 ngày 4 đêm

Lịch trình đi phượt Hà Giang 2 ngày 3 đêm bằng xe khách

Lịch trình này sẽ bắt đầu từ Hà Nội (hoặc các tỉnh miền Bắc khác) vào đêm thứ 6 và trở về vào đêm Chủ Nhật. Bạn có thể đi làm/đi học vào sáng thứ 2 bình thường.

Đêm 1 (đêm thứ 6) trên xe khách từ Hà Nội đi Hà Giang

20h30 lên xe khách tại bến xe Mỹ Đình (bạn nên đi xe Hải Vân, nếu hết chỗ thì đi Bằng Phấn, Cầu Mè). Cứ 30′ lại có một chuyến, chuyến muộn nhất là chuyến 21h30 tại bến xe Mỹ Đình.

Giá vé ~200k/người.

Riêng xe Hải Vân có 2 dòng: giường nằm thường 200k/người và dòng cabin (350k/người – mỗi người một cabin)

Lưu ý: lên xe nhớ dặn lái xe cho xuống điểm nơi bạn thuê xe, để không phải đi xe ôm hoặc taxi.

Ngày 1 (sáng thứ 7) từ Hà Giang đi Đồng Văn (150km đường có đèo dốc)

– 4h30: trước khi đến bến, dặn nhà xe cho xuống chỗ thuê xe máy.

Ở Hà Giang có rất nhiều điểm cho thuê xe máy, bạn có thể đọc: 10 địa chỉ thuê xe máy uy tín nhất Hà Giang để tìm hiểu thêm. Mình sẽ gợi ý 3 địa chỉ thuê xe uy tín:

1/ Nhà cô chú Hồng Hào cho thuê xe máy. Mình đã từng thuê xe ở rất nhiều nhà tại Hà Giang, mình vote cho nhà cô chú. Vì cô chú làm lâu năm, xe thường bảo dưỡng, thay mới, xe có giá để buộc đồ tiện đổ xăng, cho mượn mũ bảo hiểm, free ăn sáng… Nói chung dịch vụ rất ổn.

Điện thoại: 0165.398.2928 / 0915.842.019 – chúng tôi

2/ Cho thuê xe máy Hằng Thường. Xe nhà anh Thường mới đầu tư, dịch vụ rất tốt, chu đáo, nhiệt tình. Khách thuê ở đây ai về cũng hài lòng.

Hotline: 0836.399.888 (Zalo) – 0942.508.448 – Website: hangthuong.com

Cơ sở 1: số 15B phố Phạm Hồng Thái – Tổ 17 – phường Minh Khai – thành phố Hà Giang.

Cho mượn miễn phí: mũ bảo hiểm, bản đồ du lịch, 2 chai nước, chỗ nghỉ và tắm nóng lạnh miễn phí dành cho khách thuê xe.

– 5h30 sáng: sau khi vệ sinh cá nhân bạn ăn sáng, lấy xe lên đường đi tới dốc Bắc Sum luôn kịp ngắm bình minh. Thường ở đây vào sáng sớm hay có biển mây, mình hai lần đi vào sáng sớm (tháng 8 và tháng 10) đều gặp biển mây và bình minh siêu đẹp.

Biển mây ở dốc Bắc Sum, Quản Bạ. Ảnh này mình chụp trong chuyến đi hồi tháng 8.

Ảnh chụp ở cánh đồng hoa tam giác mạch khu Thạch Sơn Thần. Cảnh ở đây chụp sáng sớm khá đẹp.

– 7h30-8h: sau khi chụp ảnh hoa tam giác mạch xong, bạn lên đường đi thi trấn Tam Sơn (Quản Bạ). Trên đường xuống thị trấn bạn sẽ dừng chân chụp ảnh với “núi đôi Cô Tiên”. Hai ngọn núi này nhìn giống hình “núi đôi” của một cô tên Tiên nào đấy, sản phẩm này 100% made by Mẹ Tự Nhiên, không phải hàng giả, rất đẹp và ấn tượng.

Núi đôi của cô Tiên ở Tam Sơn, Quản Bạ. (anh em có vẻ thích điều này)

– 9h: xuống trung tâm thị trấn Tam Sơn (Quản Bạ) đổ xăng.

– 11h: ăn cơm và nghỉ trưa ở Yên Minh.

– 12h30: lên đường đi dốc Thẩm Mã, chụp ảnh ở đây rồi đi tiếp.

– 13h: lên đến dốc Chín Khoanh (Phố Cáo) chụp ảnh

Cảnh từ dốc 9 Khoanh nhìn xuống thung lũng Phố Cáo.

– 14h: đến thung lũng Sủng Là thăm nhà của Pao

Đường từ Phố Cáo đi thung lũng Sủng Là.

Hoa tam giác mạch ở thôn Lũng Cẩm, xã Sủng Là rất đẹp (nơi có ngôi nhà trong phim Chuyện của Pao)

Hoa tam giác mạch trong sương sớm (ảnh chụp sáng sớm)

– 15h lên đường đi dinh họ Vương. Khoảng 15h45 có mặt ở dinh họ Vương tham quan chụp ảnh. Đây là dinh thự của Vua Mèo ngày xưa, người cai quản 4 xã thuộc Đồng Văn bây giờ. Ông này rất giàu, ông giống như Vua của một khu vực tự trị, chuyên trồng và buôn bán thuốc phiện với Pháp, Trung Quốc. Tham quan ngôi nhà này bạn sẽ được nghe hướng dẫn viên kể về cuộc đời ông, đây là một công trình kiến trúc cổ đặc sắc nhất ở Hà Giang.

Bước vào Dinh họ Vương (nhà của Vua Mèo) ở Hà Giang.

– 16h15 lên đường đi cột cờ Lũng Cú.

Cảnh trên đường từ dinh họ Vương vào Lũng Cú (đoạn Ma Lé)

– 17h15 đến Lũng Cú, chạy thẳng xe lên chân cột cờ để gửi xe và check-in trên đỉnh. Bạn nào còn thời gian và thích check mốc có thể hỏi đường ra mốc 422 (chỉ cách chân cột cờ 2km). Nhưng như mình ngày xưa không cần ra mốc, leo lên cột cờ chụp ảnh thấy mãn nguyện lắm rồi.

Mà mốc 422 cũng không phải là mốc cực Bắc thực sự, chỉ là mốc gần sát với đất Trung Quốc.

Ảnh chụp cùng team lầy lội vào hồi tháng 8 ở cột cờ Lũng Cú (điểm cực Bắc của tổ quốc)

– 17h45, quay về Ma Lé, từ đây đi thị trấn Đồng Văn (trên con đường này có thửa ruộng tam giác mạch đẹp, bạn có thể check-in ngay lúc từ dinh họ Vương đi Lũng Cú vì lúc đấy trời còn sáng. Nhưng nhớ nhanh chân vì đường dài, về Đồng Văn sẽ bị tối)

Ruộng hoa tam giác mạch trên đường từ Ma Lé vào Lũng Cú.

Hoa tam giác mạch ở đây đã ngả màu hồng.

Gặp cảnh người dân gặt lúa trên đường đi Lũng Cú.

Bà cụ người Dao Chàm gặp trên đường đi.

– 19h30 đến thị trấn Đồng Văn. Mình nghỉ ở homestay Hội Liêm, nhà chị Liêm ở sâu trong phố cổ, ngôi nhà đã 300 năm tuổi được nhà nước phục dựng lại, rất cổ kính, rất Hà Giang. Chị Liêm hiền lành, nhà còn giữ lại kiến trúc cổ nhất ở trong khu phố đấy.

Ở homestay nếu đi nhóm dưới 8 người bạn có thể nhờ chị Liêm nấu ăn. Giá nghỉ là 6-80k/người/đêm. Có đầy đủ tắm nóng lạnh, nhà vệ sinh sạch sẽ, hiện đại. Ở đây hay có khách nước ngoài vì rất yên tĩnh và cổ kính.

Địa chỉ nhà chị: số nhà 22 tổ 4 thị trấn Đồng Văn (gần cuối dãy phố cổ) – SĐT 0163.5673.631

Ngoài ra bạn có thể ở nhà cổ chú Thân, ngôi nhà to đẹp nhất ở phố cổ Đồng Văn 01688.120.866. Chú có phòng tập thể, phòng riêng. Chú Thân là nghệ sĩ nhiếp ảnh nên trong nhà trang trí rất đẹp mắt. Mình tiếc là lần đi không ở nhà chú. Giá cực kì bình dân, từ 60-80k/người. Phòng riêng 200k/phòng, có tới 5-6 cái nhà tắm sạch sẽ, tiện nghi. Lần sau tới nhất định sẽ ở thử đây. Nói thế chứ ở nhà Hội Liêm cũng thích, vì yên tĩnh, nhà chú Thân thì hơi đông khách.

Món cháo ấu tẩu ở quán Mộc Miên, thị trấn Đồng Văn rất ngon.

– 20h30 về chỗ ở, tắm và nghỉ một lát mình chạy ra phố ăn món cháo ấu tẩu. Món này phải ăn ở quán Mộc Miên, quán này của một cô người Tày (không biết phải không). Cháo ấu tẩu là một trong những món đặc sản nổi tiếng nhất ở Hà Giang. Ăn vị củ ấu tẩu hơi đắng, nhưng ngon và tốt cho xương khớp. Ăn cháo ấu tẩu xong chắc bạn sẽ đói, bạn có thể ra ngay cổng phố cổ Đồng Văn ăn món trứng nướng, thắng dền (bánh trôi nước), ngô, khoai nướng. Hoặc ăn cơm, phở… quanh khu vực phố cổ có rất nhiều hàng quán ăn.

Một đêm trời đầy sao ở cao nguyên đá Đồng Văn.

– Ăn xong đi dạo, hoặc về cafe phố cổ uống cafe. Về homestay/nhà nghỉ/khách sạn ngủ.

Ngày 2 (Chủ Nhật) bánh cuốn Đồng Văn – Mã Pì Lèng – cánh đồng tam giác mạch Pả Vi – Mèo Vạc cơm trưa – Lũng Phìn – Mậu Duệ – Đường Thượng – Lùng Tám – Quản Bạ – Hà Giang – Lên xe về Hà Nội

– 5h30 thức dậy, vệ sinh cá nhân, chuẩn bị đồ.

– 6h30 ra hàng bánh cuốn Bà Bích ăn bánh cuốn trứng, và bánh cuốn nhân thịt. Bánh cuốn Hà Giang nói riêng, hay các tỉnh miền núi khu vực Đông Bắc nói chung không dùng mắm làm nước chấm, người dân ở đây dùng nước hầm xương. Nước hầm xương có thêm hành, lá mùi dậy mùi thơm. Bà Bích thì quá nổi tiếng rồi, bà người Tày thì phải, bà làm bánh cuốn mấy chục năm rồi, từ ngày còn là con gái.

Quán bà nằm ở ngay phố cổ, lúc nào cũng đông nghịt, khách tới ăn phải xếp hàng ngồi chờ bánh. Bạn nhớ ăn thử một đĩa bánh cuốn trứng và một đĩa bánh cuốn thịt. Ăn xong vẫn thấy đói có thể sang hàng bên cạnh ăn chung với ai đấy một đĩa xôi sắc màu cũng là một trong những món ăn nổi tiếng ở Đồng Văn (kiểu xôi ngũ sắc, nhưng quán này có 3 sắc thôi)

Món bánh cuốn Bà Bích nổi tiếng nhất ở Đồng Văn, mình thích ăn bánh cuốn trứng, húp hết nước xương hầm.

– 7h30 lên đường đi Mã Pì Lèng.

Chạy xe máy trên đỉnh đèo Mã Pì Lèng là một trải nghiệm bạn sẽ không thể quên.

Chụp ở một góc trên đèo Mã Pì Lèng.

– 10h: từ Mã Pì Lèng xuống phía Mèo Vạc, ngay chân đèo bạn sẽ thấy cánh đồng hoa tam giác mạch Pả Vi. Đây là cánh đồng lớn nhất, cảnh hai bên là dãy núi cũng siêu đẹp. Mình tin rằng cánh đồng này là nơi bạn kiếm được những bức hình đẹp nhất với hoa tam giác mạch ở Hà Giang, vì cánh đồng này có núi làm nền phía sau.

Cánh đồng hoa tam giác mạch ở xã Pả Vi, huyện Mèo Vạc rất lớn và đẹp.

– 12h: về đến Mèo Vạc ăn trưa. Mình review lại cho bạn quán ăn ở 31 Mèo Vạc, lần nào qua Mèo Vạc mình cũng ăn ở đây. Quán có món cơm rang ăn với cà muối rất ngon. Ngon tới mức mình phải xin tới 2 bát cà để ăn với cơm. Cơm rang ở đây 40k/đĩa, có cơm phần cũng ngon luôn, 50k/người.

Quán cơm rang ở Mèo Vạc rất ngon.

– 13h15: ăn trưa xong đi lên cây xăng đổ đầy bình, lên đường đi Lũng Phìn – Mậu Duệ. Đoạn này có một khúc cũng rất đẹp, bên tay trái đường là vực sâu thăm thẳm, giống với đoạn ở Mã Pì Lèng. Cũng có đoạn đi qua những dãy núi toàn đá xanh, đá mọc lên thành rừng – rừng đá chứ không có rừng cây.

Trên cao nguyên đá Đồng Văn hay bắt gặp những cánh rừng đá như thế này.

Con dốc chữ M nổi tiếng, đoạn trên đường từ Mèo Vạc đi Mậu Duệ.

Đường từ Mậu Duệ đi Đường Thượng cảnh siêu đẹp, nhưng đường có đoạn đang sửa hơi khó đi.

Còn đường về Yên Minh thì nhàn rồi. Bạn đi về theo lối Yên Minh cũng có thể dừng và ngắm được hoàng hôn ở rừng thông Yên Minh hoặc dốc Bắc Sum.

– 17h30: nếu đi theo lối Đường Thượng thì trời mờ tối bạn sẽ về tới Lùng Tám. Cảnh hoàng hôn ở đây thơ mộng, yên bình. Có con sông, cây cầu sắt nối hai bên bờ là bãi bồi, cánh đồng ngô, xa xa là dãy núi cao sừng sững. Nói chung là đẹp, khó tả.

Cảnh ở thung lũng Lùng Tám, đoạn gần Quản Bạ lúc hoàng hôn.

Hoàng hôn ở rừng thông Yên Minh, nơi vô cùng lý tưởng để ngắm mặt trời lặn.

– 18h về tới Tam Sơn, đổ khoảng 30k tiền xăng nữa đủ đi về tới Hà Giang.

– 18h15 đi lên cổng trời Quản Bạ, ngắm cảnh chiều tà ở đây mới là đoạn dị. Cái khung cảnh chiều tà, mờ mờ tối, khói bay ra từ căn bếp tít phía xa, những dãy núi nhấp nhô như những con sóng dần chìm vào màn sương đêm. Ôi! Nhắc lại nhớ! Nói chung là đẹp, khó tả!

– 19h30 – 20h về tới Hà Giang. Kịp ăn bát phở, hoặc bún ở quảng trường. Về lại nhà xe anh Phớn trả xe, rửa chân tay, còn sớm thì tắm nhờ, anh đưa ra bến xe. Lên xe đi chuyến 20h35 (chuyến muộn nhất), ngủ một giấc 5h sáng ngày mai có mặt ở bến xe Mỹ Đình, về nhà tắm, thay đồ, vẫn đi làm bình thường.

Lịch trình du lịch Hà Giang 3 ngày 4 đêm

Với lịch trình này bạn có rất nhiều thời gian để khám phá và bạn cũng là người đã từng đi Hà Giang rồi, nên mình sẽ ghi lịch trình theo list danh sách cách điểm đến. Bạn cứ thong thả đi, chắc chắn lịch trình này sẽ không làm bạn thất vọng. Với lần 2 trở lại Hà Giang bạn nên thử trải nghiệm ngủ trong nhà người H’Mông (ngủ trong nhà của Pao ở thông Lũng Cẩm, Sủng Là) và cố gắng ăn càng nhiều món ăn ở Hà Giang càng tốt.

Ngày 2: Yên Minh – Phố Cáo – Sủng Là (Nhà Pao) – Dinh họ Vương – Cột cờ Lũng Cú – Thị trấn Đồng Văn (nghỉ đêm tại Đồng Văn)

Ngày 3: Leo đồn Cao ở Đồng Văn – Chợ phiên Đồng Văn – Mã Pì Lèng – Mèo Vạc – Mậu Duệ – Đường Thượng – Lùng Tám – Quản Bạ – Hà Giang (cung đường này rất đẹp!)

9 lưu ý cần biết trước khi đi du lịch Hà Giang

Bạn nên đi giày leo núi, hoặc thể thao

Nên mang theo áo, khăn và găng tay (loại đi được xe máy) ấm nếu đi du lịch Hà Giang bằng xe máy vào mùa đông

Các mùa khác nên áo gió vì ban đêm ở cao nguyên đá thường se lạnh

Đi vào mùa cao điểm (từ cuối tháng 10 đến hết tháng 12) thường đông bạn nên đặt thuê xe máy/xe khách/nhà nghỉ sớm để tránh tình trạng cháy phòng, hết xe.

Không cho kẹo, cho tiền trẻ em trên đường

Nếu có thể, nên thuê thuyết minh tại Dinh họ Vương, và cột cờ Lũng Cú để tìm hiểu thông tin lịch sử

Không ngồi giữa cửa ra vào nhà người Mông để chụp ảnh, hãy ngồi hai bên.

Nên xin phép trước khi chụp ảnh người bản địa

Vlog 4 địa điểm ngắm hoa tam giác mạch đẹp nhất ở Hà Giang

Hỗ trợ tư vấn lịch trình du lịch Hà Giang (miễn phí)

Mìn là Trần Việt Anh, xin chào và hẹn gặp lại!