Hướng dẫn chi tiết cách đọc biển số xe quân đội

Bạn có hiểu biển số xe quân đội trong hình dưới đây nghĩa là thế nào không? Ý tôi là xe của đơn vị nào ấy.

Rất nhiều người nhìn thấy biển xe quân sự nhưng không hiểu ý nghĩa thế nào. Tôi ở Hải phòng, nên thường xuyên gặp xe biển QH là của Quân chủng Hải quân. Còn như QB thì tôi cũng phải tra cứu mới biết là của Bộ tư lệnh Bộ đội Biên phòng.

Quả thực quy định về biển kiểm soát xe quân sự có khác so với biển xe của các tỉnh. Trong bài này tôi sẽ tóm tắt về các quy định đó để bạn dễ tra cứu.

Thực tế, biển số xe quân đội gồm 2 chữ cái đứng đầu và sau đó là một dãy chữ số.

Chữ cái đầu tiên là một trong số các chữ sau:

Bắt đầu bằng chữ A-là quân đoàn. Ví dụ: AA-là quân đoàn 1

Bắt đầu bằng chữ B-là binh chủng. Ví dụ: BT-là binh chủng thông tin liên lạc

Bắt đầu bằng chữ H-là học viện. Ví dụ: HA-là học viện QP

Bắt đầu bằng chữ P-là cơ quan đặc biệt. Ví dụ: PA-là cục Đối ngoại.

Bắt đầu bằng chữ Q-là quân chủng. Ví dụ: QH-là quân chủng Hải quân;

Bắt đầu bằng chữ K-là quân khu. Ví dụ: KA-là quân khu 1, KB-là quân khu 2;

Bắt đầu bằng chữ T-là Tổng cục. Ví dụ: TM- là Bộ Tổng tham mưu, TH-là tổng cục Hậu cần

Chi tiết nhóm 2 chữ cái đầu của xe mang biển số quân đội như sau:

Nhóm biển số xe quân đội bắt đầu bằng chữ A:

AA: Quân đoàn 1 – Binh đoàn Quyết Thắng

AB: Quân đoàn 2 – Binh đoàn Hương Giang

AC: Quân đoàn 3 – Binh đoàn Tây Nguyên

AD: Quân Đoàn 4 – Binh đoàn Cửu Long

AN: Binh đoàn 15

AP: Lữ đoàn M44

AT: Binh đoàn 12 – Tổng công ty Trường Sơn

AV: Binh đoàn 11 – Tổng Công Ty Xây Dựng Thành An

AX: Binh đoàn 16

Nhóm bắt đầu bằng chữ B:

BB: Binh chủng Tăng thiết giáp

BC: Binh chủng Công Binh

BH: Binh chủng Hoá học

BK: Binh chủng Đặc công

BL: Bộ tư lệnh bảo vệ Lăng

BP: Binh chủng Pháo binh

BT: Binh chủng Thông tin liên lạc

BS: Cảnh sát biển Việt Nam (tách ra từ hải quân)

BV: Tổng công ty dịch vụ bay

Nhóm bắt đầu bằng chữ H:

HA: Học viện Quốc phòng

HB: Học viện lục quân

HC: Học viện chính trị

HD: Học viện Kỹ thuật quân sự

HE: Học viện Hậu cần

HH: Học viện quân y

HL: Học viện Khoa học Quân sự

HN: Trường Sĩ quan Chính trị (Bắc Ninh)

HQ: Trường Sỹ quan lục quân II

HT: Trường Sỹ quan lục quân I

Nhóm chữ K:

KA: Quân khu 1

KB: Quân khu 2

KC: Quân khu 3

KD: Quân khu 4

KV: Quân khu 5

KP: Quân khu 7

KK: Quân khu 9

KT: Bộ tư lệnh thủ đô (Quân khu Thủ đô trước đây)

KN: đặc khu Quảng Ninh trước đây (biển cũ còn lại)

Nhóm chữ P:

PA: Cục Đối ngoại Bộ Quốc phòng

PC: Viện 71 – TC2

PK: Ban Cơ yếu – Bộ Quốc phòng

PL: Viện Lịch sử QS

PM: Viện khảo sát thiết kế – Bộ Quốc phòng

PP: Bộ Quốc phòng (Bệnh viện 108 sử dụng biển PP-10; Bệnh viện 175: PP-40

50; Viện Y học Cổ truyền Quân đội: PP-60)

PQ: Viện Kỹ thuật Quân sự (Trung tâm Khoa học và Kỹ thuật Quân sự)

PT: Cục tài chính – Bộ Quốc Phòng

PX: Trung tâm nhiệt đới Việt – Nga

PY: Cục Quân Y – Bộ Quốc Phòng

PC, HL: Trước là Tổng cục II – Hiện nay là TN: Tổng cục tình báo (Tuy nhiên vì công việc đặc thù có thể mang nhiều biển số từ màu trắng cho đến màu Vàng, Xanh, đỏ, đặc biệt…)

Nhóm chữ Q:

QA: Quân chủng Phòng không không quân (biển cũ là QP và QK)

QB: Bộ tư lệnh Bộ đội Biên phòng

QH: Quân chủng hải quân

Nhóm chữ T:

TC: Tổng cục Chính trị

TH: Tổng cục Hậu cần (TH 90/91: Tổng công ty Thành An (Bộ QP) – Binh đoàn 11)

TK: Tổng cục Công nghiệp quốc phòng

TT: Tổng cục Kỹ thuật

TM: Bộ Tổng tham mưu

TN: Tổng cục tình báo quân đội (Tổng cục 2)

Nhóm chữ V:

VB – Công ty Bay dịch vụ

Nhóm khác – biển số xe quân sự:

DB: Tổng công ty Đông Bắc – BQP

ND: Tổng công ty Đầu tư phát triển Nhà và Đô thị Bộ Quốc phòng

CH: Bộ phận chính trị của Khối văn phòng – BQP

VB: Tổng công ty Dịch vụ Bay (Binh đoàn Hải Âu)

VK: Ủy ban tìm kiếm cứu nạn – BQP

CV: Tổng công ty xây dựng Lũng Lô – BQP

CA: Tổng công ty 36 – BQP

CP: Tổng Công Ty 319 – Bộ Quốc Phòng

CM: Tổng công ty Thái Sơn – BQP

CC: Tổng công ty xăng dầu quân đội – BQP

VT: Tập đoàn Viettel

CB: Ngân hàng TMCP Quân Đội

Nhưng nhiều như vậy thì nhớ làm sao được? Trừ khi bạn lái xe trong ngành quân đội thì có lẽ cũng nên biết. Còn không thì cũng không nhất thiết phải nhớ hết làm gì.

Chỉ có điều, nhiều khi lái xe trên đường nhất là đường trường, thỉnh thoảng bắt gặp những chiếc xe biển đỏ, mà hiểu được xe đó thuộc cơ quan đơn vị nào thì cũng thấy vui vui. Nhất là trong lúc chuyện trò “chém gió” trên xe, mà lý giải tường tận được cho bạn đồng hành, hoặc bạn gái đi cùng nữa thì lại càng thú vị.

Như vậy thì phải chịu khó ghi nhớ thôi. Cứ để ý, rồi tra cứu nhiều là dần sẽ ổn. Quên thì xem lại. Vui là chính, đó cũng là cái thú của người cầm vô lăng mà.