Tội lớn thứ năm của vua Gia Long

Gần đây chúng tôi có đi thăm tỉnh Xiêng Khoảng bên nước Lào, vừa đi vừa bâng khuâng nhớ việc bao nhiêu chiến sĩ ta đã có mặt trên vùng đất này suốt từ chiến dịch Thượng Lào 1953 trong kháng chiến chống Pháp đến những năm cực kỳ ác liệt trong kháng chiến chống Mỹ… Rồi bỗng sực nhớ Xiêng Khoảng vốn là một phần lãnh thổ Việt Nam đấy chứ! Cho đến khi vua Gia Long đem tặng cho nước khác!

Trong bài viết “Công tội nhà Nguyễn”, chúng tôi đã quên nêu cái tội lớn này của Gia Long. Nay xin nêu để bổ túc.

*Chuyện xẩy ra, Đại Nam thực lục (sử triều Nguyễn) chép rành mạch: “Trấn Ninh vốn là bờ cõi cũ của ta, xưa đức Tiên đế đem cho Vạn Tượng”.

Trấn Ninh là đất ở đâu? Trong Đất nước Việt Nam qua các đời, Đào Duy Anh cho biết: “Thời Lê sơ Lê Thánh Tôn lấy đất Bồn Man đặt làm phủ Trấn Ninh (…) Phủ Trấn Ninh là miền Xiêng Khoảng nước Lào ngày nay”.

Trong Lịch sử Việt Nam, Đào Duy Anh kể lại diễn tiến cái việc “lấy, làm” ấy: “Tựu trung, khiến các vua Lê phải đối phó khó nhọc nhất là các bộ lạc người Thái ở miền châu Ngọc Mạ, gọi là Bồn Man (…) Năm 1437, Lê Thái Tôn sai Lê Bôi đi đánh (…) Từ đó họ (…) chịu triều cống và đến năm 1448 lại xin nội phụ. Lê Nhân Tôn lấy đất của họ đặt làm châu Quy Hợp, sau đổi làm phủ Trấn Ninh. Nhưng sang đời Lê Thánh Tôn, năm 1479, tù trưởng là Cầm Cống lại nổi lên, đem quân Ai Lao vào quấy nhiễu biên giới ta. Lê Thánh Tôn cất năm đạo quân chia đường tiến đánh Ai Lao (…) thừa thắng tiến thẳng tới biên giới Diến Điện. Trong khi ấy thì Cầm Cống lại ngăn đường không cho quân ta qua lại đất Trấn Ninh. Lê Thánh Tôn bèn quyết định thân chinh. Cầm Cống đại bại (…) Thế là các bộ lạc Thái ở phía tây và phía tây bắc (…) đến đời Lê Thánh Tôn thì gia nhập hẳn vào bản đồ nước ta”.

Tiền triều khó nhọc lập vũ công, vua phải thân chinh, mới mở được nước rộng thêm như thế. Thế mà hơn ba trăm năm sau, lại có vua cắt đất “đem cho”, làm co nước lại!

*Đất đai của nước dù một ki-lô-mét vuông cũng không cắt được cho ai, huống chi Xiêng Khoảng rộng đến hơn 16 nghìn ki-lô-mét vuông, khoảng gấp rưỡi tỉnh Thanh Hóa!Cái gì đã xui khiến Gia Long lập đại tội này?

Không thấy lý do nào khác ngoài lòng hờ hững đối với việc chinh chiến để bảo toàn lãnh thổ. Vốn Vạn Tượng từ lâu muốn sáp nhập Trấn Ninh và đã nhân dịp nội bộ nước ta đang lủng củng mà hành động chống lại nhà Tây Sơn. Năm 1791, theo lệnh vua Quang Trung, Trần Quang Diệu mang ba vạn quân đi đánh dẹp ở Trấn Ninh, bắt được hai tù trưởng Thiệu Kiểu và Thiệu Đế. Nhưng Nguyễn Ánh lên ngôi rồi quyết định cắt Trấn Ninh tặng quách cho Vạn Tượng, cho đỡ phải lo giữ!

Quyết định này không bất ngờ đâu, nếu ta nhớ rằng khi cầu xin Pháp giúp chống Tây Sơn, Nguyễn Ánh đã chấp nhận nhượng cửa Đà Nẵng và đảo Côn Lôn cho Pháp(1). Đà Nẵng rất gần Huế mà còn biếu được, thì Trấn Ninh ở mãi phía tây Nghệ An làm sao lại không thể hóa quà?! Nhưng Trấn Ninh to như vậy? Hiển nhiên đối với bụng dạ đặc biệt “rộng rãi” của “đức Tiên đế”, cũng vẫn không sao cả.

*Nhân nêu tội lớn thứ năm, chúng tôi xin nêu lại cho thật rõ ý nghĩa của năm tội lớn mà Nguyễn Ánh – Gia Long đã phạm. Có tất cả ba ý nghĩa, đều cực kỳ trầm trọng:

– Ý nghĩa thứ nhất là xem thường độc lập quốc gia. Nguyễn Ánh tiếp tế cho quân Thanh đánh Tây Sơn là mong quân Thanh thắng, là chấp nhận để Trung Quốc tái lập nền đô hộ!(2).

– Ý nghĩa thứ hai là hành động phản lại truyền thống dân tộc. Như mọi người đều biết, Nguyễn Ánh hai lần “cõng rắn cắn gà nhà”.

– Ý nghĩa thứ ba là xem thường toàn vẹn lãnh thổ đất nước. Việc tùy tiện cắt đất biếu tặng ngoại bang xảy ra cũng hai lần, như vừa nói trên.

*Nêu cho đủ tội xong, lại thấy muốn nói thêm một chút về một việc khác cũng đã nói rồi là việc Gia Long tỏ ra không xứng tầm với vai trò lịch sử đặc biệt của mình.

Chắc chắn đó là vua siêng năng. Nhưng trong tình hình tương quan kinh tế, quân sự, giữa Đông và Tây đang thay đổi căn bản, nước Việt Nam lúc ấy tuyệt đối cần một người lãnh đạo có khả năng nhìn xa trông rộng, trong thì biết tiến hành những cải cách cần thiết để đất nước trở nên thực sự phú cường, ngoài thì biết điều chỉnh sách lược bang giao để kiềm chế bớt những đe dọa tiềm năng. Gia Long ngẫu nhiên được thấm thía sức mạnh của phương Tây công nghệ hóa (nhờ nó mà lên ngôi). Tối thiểu, vua phải bước đầu định hướng việc nước lâu dài cho đúng chứ. Đằng này, chẳng hạn, cứ khăng khăng không cho nước Anh vào buôn bán(3).

Bây giờ ta hay trách vua Tự Đức thiếu sáng suốt. Chợt nghĩ, với định hướng lệch của “Tiên đế”, việc con cháu “đế” về sau lạc vào tăm tối là quá dễ xảy ra.

Rõ ràng, thống nhất chỉ để đợi ngày mất là định mệnh của đất nước Việt Nam ta một thời.

Tháng 7-2019

Thu TứTuần Báo Văn Nghệ chúng tôi số 556