Chinh Phục Các Tầng Ý Nghĩa Của Lá Bài Tarot

Tầng nghĩa dựa trên hệ thống chuẩn bài.

Tầng nghĩa dựa trên ý đồ của tác giả.

Tầng nghĩa cá nhân của người dùng.

Thế nhưng không ít người tìm hiểu và sử dụng bài Tarot hay Oracle chỉ dừng lại ở tầng nghĩa thứ nhất hay tệ hơn là chỉ học thuộc từ khóa của các lá bài.

Sai lầm thường mắc phải khi nhập môn Tarot

Ở bước nhập môn, chúng ta thường dễ sa đà vào “ma trận” của việc học thuộc lòng, học vẹt các từ khóa trên từng lá bài để rồi lại cảm thấy “mông lung như một trò đùa” khi bắt gặp những từ khóa tương tự trong hai hay nhiều lá bài khác nhau. Nếu bạn theo đuổi cách học này thì sẽ rất khó để bạn đưa các lá bài vào hoàn cảnh của khách hàng cũng như ngữ cảnh câu chuyện mà bạn đang định hướng cho họ. Giả sử bạn thấy ở cả lá 5 of Cups và 5 of Pentacles đều có từ khóa vậy làm sao để bạn phân biệt được sự mất mát ở hai lá khi chỉ dựa trên một từ khóa duy nhất? Làm sao chúng ta có thể nắm bắt hết những thông điệp mà vũ trụ truyền đến chúng ta nếu chúng ta chỉ ghi nhớ những từ khóa trên các lá bài Oracle? Quan trọng hơn là bộ não chúng ta cũng không cho phép chúng ta dành “dung lượng” cho những điều khô khan hay thiếu trải nghiệm thực tế, vậy nên nó sẽ tống khứ đi mớ từ khóa đó rất nhanh nếu bạn không thường xuyên sử dụng bộ bài của mình.

Cách khai thác 3 tầng nghĩa của lá bài

Khai thác 3 tầng ý nghĩa một lá bài cũng giống như tìm hiểu người yêu vậy. Tầng nghĩa thứ nhất được khai phá khi bạn biết về quê quán, tính cách, bề ngoài,… của người yêu, thì bộ bài cũng tương tự như thế. Đây là lúc chúng ta tìm tòi về nguồn gốc bộ bài ra sao, ý nghĩa cơ bản thế nào, chuẩn bài dễ xơi hay khó nuốt và ti tỉ thứ khác. Đối với bài Tarot, bạn cần xem bộ bài thuộc nhóm bài cổ hay hiện đại, chuẩn RWS, Thoth hay Marseilles để tìm thông tin và tài liệu tham khảo tương ứng. Dù là chuẩn nào cũng vậy, chúng ta vẫn nên tìm hiểu về ý nghĩa các biểu tượng, số học, phương pháp luận của chuẩn bài đó. Bước này sẽ giúp bạn quan sát được bức tranh chung về chuẩn bài bạn đang tìm hiểu. Với bài Oracle thì đơn giản hơn khi tầng nghĩa hệ thống của nó thường gắn liền với tầng nghĩa thứ hai – tầng nghĩa của tác giả.

Sau khi bạn đã nắm trong tay thông tin cơ bản của “bạn người yêu” rồi và muốn tiếp tục cùng người ấy phát triển mối quan hệ thì bước tiếp theo là chúng ta cần phải biết về về gia cảnh người yêu. Cha mẹ của người yêu là ai, gia đình như thế nào, họ mong ước điều gì ở người ấy,… – đây chính là tầng nghĩa thứ hai.

Các tác giả, họa sĩ cũng giống như “đấng sinh thành” của bộ bài nên bạn cần lưu ý đến tên tuổi cùng những tác phẩm của họ để biết thêm về phong cách cá nhân, tinh thần họ muốn truyền đi trong mỗi bộ bài họ tạo ra. Mỗi hình ảnh, chi tiết trong lá bài đều ẩn chứa dụng ý riêng trong đó, thế nhưng mỗi tác giả lại có một niềm tin và ý đồ khác nhau cho cùng một hình ảnh. Giống như bạn cầm 2 lá bài thuộc hai bộ bài khác nhau trên tay, bạn thấy cả hai lá đều có vẽ một con rắn, vậy mà trong quyển sách của bộ này viết về con rắn là một thế lực bảo vệ cho chúng ta, còn bộ kia thì lại bảo rắn là loài xấu xa và đầy cám dỗ. Vì sao lại thế? Google sẽ là công cụ đắc lực cho bạn lục lọi hết thảy những điều về tác giả và bộ bài bạn đang sở hữu, thông qua đó bạn sẽ biết điều gì tạo nên sự khác biệt giữa các tác giả. Đó có thể là do khác nhau về nền văn hóa, lối sống hay đơn giản chỉ là những nguồn cảm hứng đến bất chợt.

Bên cạnh những điều bạn tìm thấy trên trang mạng, quyển sách hướng dẫn đi kèm bộ bài chính là một quyển bí kíp về những điều độc đáo, những thứ tác giả tìm thấy ở đứa con của mình cùng cách chinh phục nó mà họ trao cho bạn. Bạn sẽ chẳng còn phải lo sợ khi bắt gặp một chi tiết khác lạ hay một lá bài trừu tượng khi bạn sở hữu quyển sách hướng dẫn trong tay. Chỉ cần bạn chăm đọc một chút thì tầng nghĩa thứ hai này chẳng có gì là khó phải không nào?

Nói về tầng nghĩa thứ ba trong các lá bài so với chuyện tìm hiểu người yêu thì đây là giai đoạn bạn cần khai thác thêm những cảm giác và phản ứng của cả hai lúc ở bên nhau trong thực tế để có thể thấu hiểu lẫn nhau nhiều hơn. Chính vì thế mà tầng nghĩa thứ ba là tầng nghĩa đòi hỏi bạn phải có nhiều thời gian trải nghiệm cùng bộ bài Tarot/Oracle bạn đang sở hữu. Việc nắm bắt nghĩa ở tầng thứ nhất và tầng thứ hai chỉ cho bạn những thứ cơ bản nhất, còn việc biến ý nghĩa của những lá bài trở thành của bạn, giúp việc xem bài suôn sẻ hơn tùy thuộc vào khả năng phát triển tầng nghĩa thứ ba của bạn.

Hơn bao giờ hết, đây là thời điểm bạn nên đặt hết những kiến thức đã đọc trước đó trong sách hướng dẫn hay các tài liệu tham khảo sang một bên. Trực giác sẽ là thứ dẫn lối cho bạn tìm kiếm ý nghĩa lá bài thông qua niềm tin và cảm nhận của riêng bạn. Có thể khi bạn nhìn vào hình ảnh của một lá bài, bạn sẽ nhận thấy một mặt nghĩa khác hoàn toàn so với những thứ bạn đọc được về chuẩn bài hay ý nghĩa hình ảnh đó trong sách hướng dẫn thì sao. Đã từng có một reader tâm sự rằng bạn ấy không nhìn thấy bất kỳ một tia nhiệt huyết, máu lửa nào từ Knight of Wands trong bộ Crystal Visions Tarot cả. Ánh mắt của chàng Knight ấy có phần lo âu trong khi chú ngựa thì lại thể hiện ánh mắt sắc sảo, đầy đam mê. Từ đó bạn ấy rút ra một mặt nghĩa rằng niềm tin và ngọn lửa cháy trong Knight of Wands có thể xuất phát từ chính chàng Knight, nhưng để duy trì lòng nhiệt huyết đó thì chàng ta cần những người cộng sự cùng tiến bên cạnh. Bạn có thể tìm chi tiết đó trong quyển sách hướng dẫn bộ Crystal Visions Tarot không? Ghi lại ngay những khám phá mới mẻ bạn vừa tìm được đi nào. Bạn sẽ bất ngờ khi áp dụng những khám phá này vào thực tiễn đấy.

Ngoài trực giác từ chính bạn ra thì những câu chuyện khi bạn xem bài cũng tạo ra cho bạn một kho tàng ý nghĩa cá nhân dồi dào. Khách hàng đến tìm những người đọc bài với mong muốn giải quyết những vấn đề của họ, vì thế nên ai ai cũng mang đến một chuyện để kể cho chúng ta nghe. Đôi lúc bạn sẽ bất ngờ nhận thấy hình ảnh của lá bài thể hiện đúng nghĩa đen hoàn cảnh mà khách hàng đang mắc kẹt nữa đấy. Hãy lắng nghe họ tâm sự, điều này sẽ trở thành lời khuyên thiết thực cho những hoàn cảnh tương tự cũng như tốt cho vốn sống của chính bản thân bạn. Biết đâu sau này bạn sẽ dựa trên tầng nghĩa này mà tạo ra cho riêng mình một bộ bài thì sao?

Tóm lại, dù bạn đang ở tầng nghĩa nào thì chúng ta cũng nên tiếp cận đầy đủ cả ba tầng nghĩa nói trên với thái độ học hỏi nghiêm túc. Tarot và Oracle không đơn thuần chỉ là những bộ bài mang đến lời tiên đoán hay lời khuyên cho bạn, quan trọng hơn là chúng mang đến cho bạn những bài học giá trị về cuộc sống thông qua ý nghĩa gắn liền với từng lá bài. Chúng giúp bạn tìm thấy vai trò của mình trong vũ trụ này, tạo động lực cho bạn hoàn thiện chính mình. Do đó, bạn cần khai thác nhiều hơn những gì bạn nhìn thấy ở một lá bài, bởi lẽ không ai biết được bên dưới của một tảng băng to lớn thế nào nếu chỉ nhìn ở bề mặt.