CPI là gì? Tầm quan trọng và ý nghĩa của chỉ số CPI là gì?

CPI là gì? CPI là chỉ số giá tiêu dùng. Đúng, nhưng cách tính CPI thế nào hay bạn có biết tầm quan trọng và ý nghĩa của chỉ số CPI là gì không? Chắc chắn là không rồi, vì đây là một thuật ngữ mà đa số chúng ta chỉ biết đơn thuần qua tivi và đài báo.

CPI LÀ GÌ?

CPI được tính theo đơn vị phần trăm (%) và được coi là một chỉ số cơ bản nhất để đo lường mức giá và sự thay đổi của mức giá, từ đó đưa ra nhận định một cách “tương đối” rằng nền kinh tế có bị lạm phát hoặc giảm phát hay không?

Sở dĩ chỉ số CPI chỉ được coi là tương đối vì chỉ số này chỉ dựa vào một “giỏ hàng hóa” nhất định và lấy đó là đại diện cho toàn bộ các loại hàng hóa, sản phẩm tiêu dùng và dịch vụ trên thị trường trong một khoảng thời gian nhất định (theo tháng hoặc theo quý).

Theo quy định chung, chỉ số CPI sẽ đo lường chi phí trong các lĩnh vực sau:

Thực phẩm và đồ uống

Giáo dục và truyền thông

Giải trí

Dịch vụ y tế

Nhà ở

Quần áo

Phương tiện vận chuyển

Hàng hóa và dịch vụ khác

CÔNG THỨC TÍNH CPI LÀ GÌ?

Bước 1 – Xác định giỏ hàng hóa: Thông qua việc điều tra, cơ quan chuyên ngành sẽ xác định lượng hàng hóa và dịch vụ cơ bản, tiêu biểu nhất mà bất kỳ người tiêu dùng nào cũng cần và phải mua. Thông qua giỏ hàng đại diện này để tính toán và xác định xu hướng chung cho toàn bộ sản phẩm, dịch vụ còn lại khác trên thị trường.

Bước 2 – Xác định giá cả: Kiểm tra, tham khảo và thống kê giá cả của mỗi mặt hàng, dịch vụ trong giỏ hàng đại diện đã được lựa chọn ở trên tại mỗi thời điểm.

Bước 3 – Tính toán chi phí (bằng tiền) để một người tiêu dùng có thể mua được giỏ hàng đó và sử dụng cho cá nhân mình.

Bước 4 – Chọn một thời kỳ, giai đoạn gốc để làm mẫu so sánh, sau đó thiết lập và điền các thành tố đó vào công thức tương ứng

Nếu muốn sử dụng chỉ số CPI để tính tỷ lệ lạm phát ( π) thì có thể sử dụng thêm công thức sau:

Ví dụ:

Chỉ số lạm phát 2011 = [(CPI năm 2011 – CPI năm 2010) / CPI năm 2010] x 100%

Ý NGHĨA CỦA CHỈ SỐ CPI LÀ GÌ?

Chỉ số giá tiêu dùng CPI là một chỉ tiêu đánh giá mang tính tương đối, được sử dụng như một cách phản ánh cụ thể nhất xu hướng và mức độ biến động của giá cả bán lẻ các loại hàng hóa tiêu dùng và dịch vụ trên thị trường, các sản phẩm sử dụng trong sinh hoạt hàng ngày của người dân.

Chính vì thế, chỉ số này còn được dùng như một cách để theo dõi sự thay đổi của chi phí sinh hoạt tại một thành phố, vùng miền theo chu kỳ thời gian.

Nếu chỉ số CPI tăng – Đồng nghĩa với việc mức giá trung bình của hàng hóa đang, có xu hướng tăng

Nếu chỉ số CPI giảm – Đồng nghĩa với việc mức giá trung bình của hàng hóa đang, có xu hướng giảm

Đặc biệt, khi giá cả hàng hóa và dịch vụ tăng tới một mức không thể kiểm soát nổi thì lạm phát sẽ trở thành siêu lạm phát. Bên cạnh đó sự sụt giảm mức giá chung CPI do sự sụt giảm của tổng cầu, gây ra hiện tượng giảm phát và kéo theo suy thoái kinh tế và thất nghiệp.

ĐẶC ĐIỂM CỦA CPI LÀ GÌ?

Như vừa nói, việc tính toán chỉ số CPI là dựa trên việc chọn một nhóm sản phẩm, dịch vụ và giá cả nhất định để đại diện cho toàn bộ các sản phẩm, dịch vụ trên thị trường, nên kết quả đưa ra chỉ mang tính tương đối và dự đoán chứ không phải chính xác tuyệt đối và khẳng định.

Chỉ số CPI phản ảnh không chính xác (hoặc cao hơn, hoặc thấp hơn) so với thực tế. Vì khi một mặt hàng hay dịch vụ được chọn vào trong giỏ hàng đại diện, nhưng ngay sau đó, nó lại có giá tăng nhanh hơn, cao hơn các mặt hàng khác. Lúc này, người tiêu dùng sẽ có xu hướng ít hoặc thậm chí không lựa chọn mua, tiêu dùng sản phẩm đó mà chuyển sang sử dụng một mặt hàng khác tương đương nhưng có giá hợp lý hơn.

Ngoài ra, chỉ số CPI cũng không thể thể hiện được sự xuất hiện của những mặt hàng mới trên thị trường. Bởi với một đơn vị tiền tệ, nếu có hàng hóa mới xuất hiện trên thị trường cũng sẽ khiến cho nhu cầu thay đổi và sự lựa chọn của người tiêu dùng cũng đa dạng hơn.

Đặc biệt, chỉ số giá tiêu dùng CPI không thể hiện sự thay đổi về chất lượng hàng hóa. Bởi điều này sẽ do chính người tiêu dùng quyết định, họ sử dụng hàng hóa và dịch vụ, nếu chất lượng hàng hóa tăng hoặc giảm đi, chắc chắn giá bán sản phẩm đó sẽ tăng hoặc giảm theo tương ứng, nên xét về tổng quan là như nhau.

Chỉ số CPI là một chỉ số kinh tế đóng vai trò quan trọng trong xã hội. Việc tính toán và phân tích chỉ số CPI không những có thể đưa ra những dự đoán mang tính tương đối, gần đúng nhất mà còn như một thông báo, giúp chính phủ và người dân chuẩn bị trước tâm lý cũng như các biện pháp cần thiết để đối phó hoặc nhằm làm thay đổi những tác động xấu này.

Việc tính toán chỉ số CPI từng thời kỳ cũng được áp dụng như một thước đo cho tỷ lệ lạm phát của các yếu tố kinh tế khác như:

Doanh số bán lẻ

Thu nhập theo giờ lao động

Giá trị đồng tiền trên thị trường hiện tại

Ở một khía cạnh khác, dựa vào kết quả của chỉ số CPI cũng được sử dụng như một căn cứ để điều chỉnh mức thu nhập của người dân trong một quốc gia. Hay nói cách khác, chỉ số giá tiêu dùng sẽ tự động điều chỉnh các chi phí sinh hoạt và mức thu nhập của mỗi người tại mỗi quốc gia khác nhau.

TÁC ĐỘNG KHI CHỈ SỐ CPI THAY ĐỔI

Như đã nói, CPI là một chỉ số được tính toán dựa trên những con số cụ thể và của từng thời kỳ, từng giai đoạn với nhau, nên so với giá trị CPI của thời kỳ gốc được chọn làm mốc so sánh, chỉ số CPI thời kỳ hiện tại có thể sẽ thay đổi (tăng hoặc giảm) và gây ra những tác động khác nhau tới thị trường cũng như một nền kinh tế quốc gia.

Khi chỉ số CPI tăng

Việc chỉ số CPI tăng cũng đồng nghĩa với việc giá bán của các loại mặt hàng sản phẩm và dịch vụ đều tăng. Điều này gây ra những tác động to lớn tới người tiêu dùng, đặc biệt là những người có thu nhập thấp hoặc thu nhập không cố định. Bởi họ sẽ cần chi ra nhiều tiền hơn và lên kế hoạch cắt giảm chi tiêu lớn hơn. Từ đó khiến việc sinh hoạt vất vả và làm giảm chất lượng cuộc sống.

Khi chỉ số CPI giảm

Ngược lại với bên trên, khi chỉ số CPI giảm, nghĩa là giá cả hàng hóa và dịch vụ của thời kỳ hiện tại đã giảm đi, thấp hơn so với trước. Điều này sẽ giúp người tiêu dùng giảm bớt chi phí sinh hoạt, tiết kiệm được nhiều hơn. Và với một người có mức thu nhập trung bình, ổn định thì họ cũng sẽ có nhiều cơ hội cải thiện chất lượng cuộc sống hơn.

Nói tóm lại, mặc dù không phải là một chỉ số chính xác hoàn toàn và tuyệt đối, nhưng chỉ số giá tiêu dùng CPI cũng là một trong những yếu tố quan trọng giúp dự đoán xu hướng thị trường cũng như tình trạng của nền kinh tế của một quốc gia ở thời điểm hiện tại và trong tương lai gần.