(Nói chuyện với đồng bào và cán bộ tỉnh Thái Nguyên vào ngày 13/3/1960)
– Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, mục tiêu cao nhất của CNXH là nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân; sự nghiệp đấu tranh cách mạng để giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp và xây dựng chế độ xã hội mới, giàu mạnh, công bằng, dân chủ, văn minh xét đến cùng là vì hạnh phúc, vì sự phát triển toàn diện của con người; ngược lại, con người là lực lượng chính của sự nghiệp đấu tranh cách mạng, là lực lượng sản xuất quan trọng nhất và là chủ thể sáng tạo nên những giá trị vật chất và tinh thần của xã hội.
– Trong bối cảnh quốc tế và khu vực hiện nay, quan điểm trên vẫn còn nguyên giá trị, vẫn là mục tiêu lý tưởng của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta hướng tới.
Ngày 14/3 “Các chú sắp ra mặt trận. Nhiệm vụ các chú lần này rất to lớn, khó khăn, nhưng rất vinh quang. Các chú vừa được chỉnh quân chính trị và chỉnh huấn quân sự và đã thu được nhiều thắng lợi về tư tưởng và chiến thuật, kỹ thuật. Nhiều đơn vị đã đánh thắng trên các mặt trận. Bác tin chắc rằng các chú sẽ phát huy thắng lợi vừa qua, quyết tâm vượt mọi khó khăn gian khổ để làm tròn nhiệm vụ vẻ vang sắp tới”.
(“Thư gửi cán bộ và chiến sĩ ở mặt trận Điện Biên Phủ”, đăng báo Quân đội Nhân dân, xuất bản tại mặt trận, số 131, ngày 14/3/1954, vào thời điểm chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ mở màn – ngày 13/3)
– Lời kêu gọi có tác động mạnh mẽ, động viên kịp thời tinh thần của các cán bộ, chiến sĩ để họ khắc phục mọi khó khăn, gian khổ, tiến lên phá vỡ hoàn toàn tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.
– Hiện nay, cả nước vững bước đi lên hội nhập sâu rộng với nền kinh tế, chính trị thế giới, thì ý nghĩa lời kêu gọi của Bác nhắc nhở mọi cán bộ chiến sĩ không ngừng phát huy thành công, nỗ lực phấn đấu, hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ được giao.
Ngày 15/3 “Giặc Mỹ đã thua to, nhưng chúng vẫn ngoan cố chưa chịu từ bỏ những âm mưu tàn bạo và quỷ quyệt. Quân và dân ta đang thắng lớn, càng phải kiên quyết chiến đấu cho đến ngày thắng lợi hoàn toàn”.
(Thư khen gửi quân và dân Hải Phòng nhân sự kiện bắn rơi chiếc máy bay thứ 200 của Mỹ vào ngày 6/3/1968)
– Thư khen của Bác như tiếp thêm động lực để quân và dân Hải Phòng nói riêng, quân và dân miền Bắc nói chung “ra sức thi đua với quân và dân miền Nam anh hùng, nâng cao cảnh giác, sản xuất tốt hơn nữa, chiến đấu giỏi hơn nữa, sát cánh cùng đồng bào cả nước đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”.
– Ngày nay, Đảng và Nhà nước ta luôn coi trọng việc biểu dương những địa phương, tập thể, đơn vị, cá nhân có thành tích trong lao động sản xuất, học tập, công tác nhằm làm cho mọi người nhận thức sâu sắc hơn về ý nghĩa, giá trị của công tác động viên như lúc sinh thời Bác luôn dành sự quan tâm đặc biệt.
Ngày 16/3 “Dân ta yêu tự do, độc lập, trọng hòa bình, tín nghĩa”.
(Lời kêu gọi nhân dân thi hành đúng Hiệp định sơ bộ Việt – Pháp, ngày 16/3/1946)
– Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trình bày vắn tắt lập trường, đường lối chính trị của Đảng, Chính phủ trước đồng bào cả nước. Trong thời điểm ngặt nghèo của dân tộc, việc ký Hiệp định sơ bộ là một quyết định sáng suốt, tận dụng thời cơ, nhân nhượng có nguyên tắc của Đảng và Nhà nước ta do Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng đầu.
– Ngày nay, lịch sử quan hệ Việt – Pháp sau những thăng trầm của lịch sử đã được khép lại, và mở ra một chương mới với tình hữu nghị, hợp tác và phát triển.
Ngày 17/3 “Muốn chống tham ô, lãng phí, phải chống bệnh quan liêu. Nhưng tiến hành phải có chuẩn bị, có kế hoạch, có lãnh đạo, có trọng tâm”.
(Nói chuyện với cán bộ, chiến sĩ, đảng viên tại buổi phát động phong trào sản xuất và tiết kiệm)
– Chủ tịch Hồ Chí Minh nhắc nhở, để chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu có hiệu quả, cần phải làm cho mọi người thấy rõ tham ô, lãng phí là trọng tội, là có lỗi với nhân dân, với Nhà nước. Trong cuộc đấu tranh ấy nhất thiết phải huy động sự tham gia của đông đảo quần chúng nhân dân được tổ chức tốt, dưới sự chỉ đạo của các cơ quan, vì: “phong trào chống tham ô, lãng phí, quan liêu ắt phải dựa vào lực lượng quần chúng thì mới thành công”.
– Bên cạnh đó, phải tuyên truyền giáo dục, nâng cao tinh thần trách nhiệm của cán bộ trong việc quản lý kinh tế, tài chính; chấn chỉnh công tác tổ chức – cán bộ trong các cơ quan Đảng, Nhà nước.
Ngày 18/3 “Cần phải làm thế nào để cho công nhân da đen và da vàng cũng hiểu rằng: Kẻ thù duy nhất của họ nằm ngay trong bản thân cái chế độ này, chế độ đang dẫn đến một chế độ nô lệ tinh vi hơn, nặng nề hơn, và vô nhân đạo hơn chế độ trước đây. Và chỉ với sự giúp đỡ của những người anh em bị áp bức của mình ở các nước châu Âu, họ mới sẽ có thể tự giải phóng được mình”.
(Bài báo nói về cuộc bạo động của công nhân thành phố Porto – Nouvo ở Dahommey – thuộc địa của Pháp ở Tây Phi)
– Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, cách mạng vô sản thế giới muốn thành công đòi hỏi giai cấp vô sản, các đảng cộng sản và công nhân quốc tế phải đoàn kết thống nhất, phải gắn bó thân thiết như anh em một nhà. Để xây dựng, củng cố sự nghiệp đoàn kết cao cả ấy, các đảng cộng sản và công nhân quốc tế phải tăng cường giáo dục chủ nghĩa Mác – Lênin, kiên quyết đấu tranh chống những tư tưởng sai lầm, lệch lạc như chủ nghĩa dân tộc tư sản, chủ nghĩa sôvanh, chủ nghĩa giáo điều, chủ nghĩa xét lại hiện đại…
– Hiện nay, trước hoàn cảnh lịch sử mới, tư tưởng Hồ Chí Minh về đoàn kết trong phong trào cộng sản và công nhân quốc tế vẫn là cơ sở lý luận quan trọng để Đảng Cộng sản Việt Nam tiếp tục củng cố và tăng cường quan hệ với các đảng cộng sản, công nhân, đảng cánh tả, các phong trào độc lập dân tộc, cách mạng và tiến bộ trên thế giới.
Ngày 19/3 “Đặc công tức là công tác đặc biệt, là vinh dự đặc biệt, cần phải có cố gắng đặc biệt. Các chiến sĩ đặc công được tin tưởng đặc biệt… Bất kỳ nhiệm vụ gì, bất kỳ nhiệm vụ đặc biệt nào cũng phải hoàn thành và hoàn thành cho tốt… Bất kỳ khó khăn đặc biệt nào cũng phải vượt qua, cũng phải khắc phục cho kỳ được…”.
(Nói chuyện khi thăm Trung đoàn 246 thuộc Lữ đoàn 305 tại Trường Cán bộ Dân tộc Trung ương, nay thuộc P. Trung Văn, Q. Nam Từ Liêm, TP. Hà Nội, ngày 19/3/1967)
– Lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh trở thành phương châm, tư tưởng chỉ đạo hành động của Binh chủng Đặc công trong suốt quá trình chiến đấu và trưởng thành, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước cũng như công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN.
– Ghi nhận những chiến công và thành tích đặc biệt xuất sắc, Binh chủng Đặc công đã được Đảng, Nhà nước, Quân đội tặng nhiều phần thưởng cao quý, trong đó hai lần được phong tặng danh hiệu “Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân”. Đặc biệt, Binh chủng Đặc công được Quốc hội nước Cộng hòa XHCN Việt Nam tặng 16 chữ vàng: “Đặc biệt tinh nhuệ – Anh dũng tuyệt vời – Mưu trí táo bạo – Đánh hiểm thắng lớn”.
Phan Minh(Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Kiên Giang)Tuần Báo Văn Nghệ chúng tôi số 586